Tiêu điểm

'Hoàn thành cơ bản mục tiêu, nhiệm vụ về cổ phần hóa và thoái vốn DNNN trước năm 2025'

(VNF) - Trong tham luận trình bày tại Đại hội XIII của Đảng, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp TW, nói đến năm 2025, các tập đoàn, tổng công ty sẽ hoàn thành cơ bản mục tiêu, nhiệm vụ về cổ phần hóa và thoái vốn.

'Hoàn thành cơ bản mục tiêu, nhiệm vụ về cổ phần hóa và thoái vốn DNNN trước năm 2025'

Đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp TW.

Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương bao gồm 35 đảng bộ các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị với 1.101 tổ chức cơ sở đảng, 147 đảng bộ bộ phận, 5.606 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, gần 82 nghìn đảng viên và hơn 720 nghìn người lao động trong các doanh nghiệp thuộc Khối. Các đảng bộ trực thuộc Đảng bộ Khối được tổ chức theo 3 mô hình: đảng bộ toàn doanh nghiệp (11 đảng bộ); đảng bộ công ty mẹ, hội sở chính ngân hàng mở rộng (22 đảng bộ) và đảng bộ cơ quan (02 đảng bộ).

Theo ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối giữ vị trí then chốt, chủ lực trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là công cụ để Đảng và Nhà nước điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện các chương trình an sinh xã hội.

Sẽ có ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại nhà nước trong Khối Doanh nghiệp Trung ương luôn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, như: Tài chính - ngân hàng, dầu khí, điện, than, khai khoáng, viễn thông, giao thông vận tải, cung ứng xăng dầu, lương thực,... vừa bảo đảm nền tảng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, các ngành kinh tế khác, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và xuất khẩu.

Trong các lĩnh vực dầu khí, điện, than, các tập đoàn Dầu khí, Điện lực, Than – Khoáng sản là những trụ cột bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng kịp thời nhu cầu tăng trưởng cao, liên tục của nền kinh tế trong suốt những năm qua.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam bảo đảm cung ứng xăng dầu đến khắp mọi miền đất nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam bảo đảm đưa điện đến 100% số xã, đến cả các đảo xa, đưa chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đứng thứ 27/190 quốc gia, vượt trên cả các quốc gia phát triển, giàu có hơn nhiều.

Trong lĩnh vực viễn thông, các tập đoàn, tổng công ty như: VNPT, Mobifone là những trụ cột vừa bảo đảm phát triển hạ tầng viễn thông liên lạc hiện đại, cung ứng các dịch vụ viễn thông chất lượng cho xã hội, vừa dẫn dắt sự phát triển của ngành viễn thông - công nghệ thông tin quốc gia theo kịp thế giới, đáp ứng nhu cầu hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.

Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) với tổng tài sản và dư nợ tín dụng chiếm trên 50% toàn hệ thống ngân hàng, đóng vai trò bảo đảm cung ứng kịp thời nguồn vốn để phát triển kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời cũng là lực lượng tiên phong thực hiện các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất, tỷ giá nhằm giữ ổn định thị trường tiền tệ và an toàn hệ thống tín dụng - ngân hàng, là công cụ hỗ trợ dẫn dắt thị trường và góp phần thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.

Các DNNN trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, hàng không... đều là những đơn vị dẫn đầu ngành về trình độ công nghệ hiện đại, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, nhiều đơn vị đạt mức năng suất và hiệu quả hoạt động vượt trội trong ngành, với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu rất cao, đạt từ 15 - 35%/năm.

Trong các thời điểm đất nước gặp khó khăn do các biến động từ môi trường quốc tế hay do thiên tai, dịch bệnh, các DNNN luôn là công cụ mạnh để Nhà nước, Chính phủ điều tiết, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội trong nước.

Trong năm 2020, cùng cả nước chống đại dịch Covid-19, các DNNN trong Khối đã thực hiện các nhiệm vụ giải cứu đồng bào từ các vùng dịch trên thế giới, cung cấp hoá chất, vật tư, thiết bị phòng chống dịch, đặc biệt đã thực hiện miễn, giảm các loại phí, giá dịch vụ, sản phẩm để ổn định thị trường, hỗ trợ đời sống nhân dân và hoạt động của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế với tổng giá trị trên 37 nghìn tỷ đồng.

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đại hội lần thứ III của Đảng bộ Khối xác định mục tiêu là: Tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy ý chí, sức mạnh đoàn kết và năng lực đổi mới sáng tạo; tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh thực hiện chủ trương cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả để doanh nghiệp nhà nước giữ vững vai trò nòng cốt và dẫn dắt trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phấn đấu đến năm 2025, các doanh nghiệp nâng cao một bước quan trọng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh; phấn đấu có 1-2 ngân hàng thương mại nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản trong khu vực Châu Á và có ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài; tất cả các ngân hàng thương mại áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn. Các tập đoàn, tổng công ty hoàn thành cơ bản mục tiêu, nhiệm vụ về cổ phần hóa và thoái vốn.

Vẫn theo ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương nhất trí cao với nội dung các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt là các quan điểm về DNNN: “Tiếp tục thực hiện sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, tập trung giữ vững những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế… Nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hoá. Hình thành đội ngũ quản lý doanh nghiệp nhà nước chuyên nghiệp, có trình độ cao”.

Kiện toàn siêu ủy ban

Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương xin đề xuất với Đảng, Nhà nước một số định hướng, giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy DNNN phát triển bền vững, góp phần bảo đảm tính chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước, cụ thể như sau:

(1) Nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng đối với DNNN trong thời gian tới. Nghiên cứu hoàn thiện mô hình tổ chức đảng, mô hình các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, nhất là cán bộ chủ chốt doanh nghiệp, nâng cao tính Đảng và ý thức tuân thủ pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong DNNN đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng.

(2) Sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật, tạo khuôn khổ và hành lang pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất để cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN. Nghiên cứu, rà soát sửa đổi cơ chế quản lý, giám sát và thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan và người đại diện sở hữu nhà nước, hoàn thiện mô hình quản lý, giám sát DNNN và vốn, tài sản của nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp một cách rõ ràng hơn, phù hợp với bối cảnh tình hình hiện nay, làm cơ sở cho DNNN hoạt động, tận dụng được thế mạnh của các doanh nghiệp lớn, phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt của DNNN.

Rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách hoặc các quy định cụ thể để tách bạch việc thực hiện sản xuất, kinh doanh của DNNN với các hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ công ích Nhà nước đặt hàng cho doanh nghiệp. Trên cơ sở đó thực hiện việc giám sát và đánh giá doanh nghiệp trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng chuẩn mực quốc tế và bảo đảm hoạt động kinh doanh của DNNN bình đẳng như các doanh nghiệp khác.

(3) Rà soát và hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp. Tăng cường minh bạch thông tin đối với tất cả các DNNN theo các tiêu chuẩn áp dụng đối với các công ty đại chúng; nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về DNNN; có chế tài xử lý nhằm bảo đảm tính hiệu quả trong việc phối hợp quản lý, sắp xếp doanh nghiệp giữa các bộ, ngành, địa phương.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán kịp thời phát hiện các vi phạm, xử lý nghiêm minh đối với các vi phạm tạo sự “răn đe” để nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

(4) Kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, có các cơ chế đặc thù để Ủy ban thực sự hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đây là một trong những giải pháp trọng tâm trong việc thay đổi phương thức quản lý vốn nhà nước đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

(5) Nghiên cứu việc Thành lập cơ quan thực hiện chức năng đầu tư vốn của Nhà nước vào các DNNN vì việc thực hiện đầu tư và tái đầu tư vào các DNNN sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, phù hợp kinh nghiệm quốc tế và các quy định của pháp luật.

Tin mới lên