Tài chính

Hoàn thành xử lý các dự án thua lỗ trước tháng 6/2018, kể cả cho phá sản

(VNF) – Một loạt "hạn chót" trong tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được Chính phủ đặt ra, trong đó, đáng chú ý, các dự án thua lỗ kéo dài sẽ phải hoàn thành xử lý trước tháng 6/2018, kể cả giải pháp cho phá sản.

Hoàn thành xử lý các dự án thua lỗ trước tháng 6/2018, kể cả cho phá sản

Các dự án thua lỗ kéo dài sẽ phải hoàn thành xử lý trước tháng 6/2016, kể cả giải pháp cho phá sản

Đặt "hạn chót" cho các dự án thua lỗ

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW và Nghị quyết số 24/2016/QH14, trong đó, một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 27 là đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước.

Theo đó, Chính phủ giao các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước rà soát, tập hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền trước tháng 6/2017 về các dự án thua lỗ kéo dài, không có khả năng phục hồi.

Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan liên quan thực hiện xử lý theo thẩm quyền, kể cả giải pháp phá sản và hoàn thành xử lý trước tháng 6/2018.

Dự án thua lỗ PVTex

"Hạn chót" để hoàn thành xử lý các dự án thua lỗ kéo dài là trước tháng 6/2018

Trong một diễn biến liên quan, ngày 22/2, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ xử lý tồn tại, yếu kém của một số doanh nghiệp ngành công thương đã chủ trì buổi làm việc lần thứ 2 của Ban Chỉ đạo sau hơn một tháng thị sát, tìm hiểu trực tiếp 10 dự án yếu kém của ngành công thương.

10 dự án này bao gồm: Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy phân đạm Hà Bắc, Nhà máy DAP Đình Vũ, Nhà máy DAP Lào Cai, dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ, dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Nhà máy đóng tàu Dung Quất, Nhà máy nhiên liệu sinh học ethanol Dung Quất, dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Sa và dự án Nhà máy gang thép Lào Cai.

"Phải xử lý kiên quyết, khẩn trương, Nhà nước không bỏ thêm tiền cho các dự án này", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Bộ Công Thương hoàn thiện báo cáo, các phương án xử lý cả về cơ sở pháp lý, nội dung, so sánh chi phí và lợi ích từng phương án, đề xuất lựa chọn phương án, điều kiện thực hiện, lộ trình thực hiện phương án để Ban Chỉ đạo báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2017.

"Việc không thể chậm trễ, các bộ, ngành, đơn vị liên quan phải bám sát nhiệm vụ, sớm hoàn thiện các phương án xử lý để trình Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định, không để tiếp tục kéo dài tình trạng yếu kém, gây thiệt hại cho Nhà nước", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.

Thêm một loạt "hạn chót" trong tiến trình cơ cấu lại DNNN

Ngoài đặt hạn chót cho các dự án thua lỗ kéo dài, thông qua Nghị quyết 27, Chính phủ cũng đặt thêm một loạt hạn chót khác trong tiến trình cơ cấu lại DNNN.

Theo đó, Bộ Tài chính phải trình Chính phủ đề án cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 206 – 2020 trong quý I/2017.

Với Bộ Kế hoạch Đầu tư, Chính phủ yêu cầu trình Thủ tướng ban hành trong quý I/2017 danh mục cụ thể ngành nghề, lĩnh vực đầu tư nhà nước theo quy định tại Luật quản lý sử dụng vốn đầu tư nhà nước vào sản xuất kinh doanh. Đồng thời, hoàn thiện Đề án thành lập cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với DNNN, trình Chính phủ trong quý I/2017.

EVN

Đề án thành lập cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với DNNN sẽ phải trình Chính phủ trong quý I/2017

Thêm vào đó, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập hợp, trước tháng 6/2017 phải công bố đầy đủ danh mục DNNN không cần nắm giữ trên 50% sở hữu, bao gồm kế hoạch và lộ trình thoái vốn hàng năm, đảm bảo hoàn thành thoái vốn trước năm 2019.

Chính phủ giao các tập đoàn, tổng công ty nhà nước xây dựng kế hoạch và thực hiện cơ cấu lại toàn diện giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025, gồm cơ cấu lại sở hữu, ngành, nghề đầu tư kinh doanh và sản phẩm, cơ cấu lại tài chính và danh mục đầu tư, đổi mới công nghệ và quản lý, áp dụng quản trị hiện đại theo thông lệ quốc tế.

Với Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cùng các bộ, ngành, tỉnh, thành phố liên quan, phải hoàn thành việc chuyển giao các doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao về SCIC trước tháng 12/2017.

Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu thực hiện đúng kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của Nhà nước một cách công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước; có cơ chế kiểm soát phù hợp nguồn vốn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.

Đồng thời, các doanh nghiệp cổ phần hóa phải đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán trong thời hạn một năm kể từ ngày phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO); thu hút nhà đầu tư chiến lược có năng lực, giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống mức đủ để thay đổi quản trị doanh nghiệp một cách thực chất.

Tin mới lên