Diễn đàn VNF

Hoạt động từ thiện: Sửa quy định để phát huy hết vai trò?

Hiện nay, trên cả nước có rất nhiều cá nhân trực tiếp thực hiện các hoạt động kêu gọi cũng như phân phối tiền, hiện vật cứu trợ đồng bào miền trung do ảnh hưởng lũ lụt. Tuy nhiên, soi chiếu vào các quy định của pháp luật hiện hành thì các hoạt động này lại chưa hợp pháp. Nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét, sửa đổi Nghị định 64/2008/NĐ-CP để phù hợp với thực tiễn, phát huy hết được vai trò, ý nghĩa nhân đạo trong hoạt động thiện nguyện.

Hoạt động từ thiện: Sửa quy định để phát huy hết vai trò?

Trao tặng nhu yếu phẩm cho người dân miền Trung.

Ba nhóm tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối 

Cụ thể, tại Điều 2 Nghị định 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ về việc vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng của Chính phủ nêu rõ: “Nhà nước khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách trong việc đóng góp và tổ chức vận động đóng góp để nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất; giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”.

Việc đóng góp tiền, hàng khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, giúp đỡ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện với lòng hảo tâm. Nghị định yêu cầu các cơ quan, tổ chức không tự đặt ra mức huy động đóng góp tối thiểu để ép buộc người dân thực hiện.

“Nhà nước nghiêm cấm, cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo; báo cáo sai sự thật, gian lận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng do các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước ủng hộ, đóng góp. Lợi dụng hoạt động cứu trợ để vụ lợi.”- Nghị định 64/2008/NĐ-CP quy định. 

Tuy nhiên, theo nghị định, chỉ có ba nhóm tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ. Gồm có: (1) Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; báo, đài của trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương. (2) Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập, hoạt động theo quy định. (3) Các tổ chức, đơn vị ở trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép. “Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ”, nghị định nêu.

Cần sớm sửa đổi quy định để phù hợp thực tiễn

Theo Luật sư Nguyễn Đức Tùng - Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội, những quy định trên nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân hỗ trợ khắc phục khó khăn, từ đó tạo dựng niềm tin, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân khi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng.

Mục đích cũng nhằm đảm bảo sự quản lý, giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch, tránh những tranh chấp gây mất ổn định trật tự xã hội và hạn chế các hành vi vụ lợi từ hoạt động cứu trợ.

Luật sư Nguyễn Đức Tùng - Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội 

Tuy nhiên, theo Luật sư Tùng, việc kêu gọi, tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ phải tuân theo các quy định cũng như các trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật nêu trên có thể sẽ không phát huy được các nguồn lực xã hội, giải quyết nhanh chóng các vấn đề cấp bách của bà con miền Trung.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc kêu gọi vận động đóng góp đã có từ lâu và chúng ta đã làm trên cả mọi miền trên cả nước, không riêng gì Miền Trung như hiện nay.

“Nếu bị thiên tai, hỏa hoạn thì mọi sự ủng hộ, những tấm lòng thơm thảo của các cá nhân trong và ngoài nước đều là cần thiết và trân quý”, Đại biểu Hòa nói.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp

Phó trưởng Đoàn Đại biểu tỉnh Đồng Tháp đánh giá, hiện tại chúng ta đã có quy định khá chi tiết về việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng.

Theo đó, từ việc vận động đến phân phối tiền, hiện vật cho người dân đang khó khăn đều phải thông qua Mặt trận Tổ quốc và một số đoàn thể. Nhưng thực tiễn, nhiều người cũng rất muốn trực tiếp đến tận nơi để phân phát tiền và hiện vật hỗ trợ cho bà con miền trung.

“Tôi cho rằng, Chính phủ cần xem xét và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 64 này để phù hợp với tình hình thực tiễn, nhu cầu của người dân. Chúng ta cần có cơ chế thoáng hơn nữa”, Đại biểu Hòa nói.

Cũng theo Đại biểu Hòa, việc Chính phủ xây dựng Nghị định 64 còn để phòng ngừa những đối tượng lợi dụng làm cứu trợ để thực hiện những việc làm sai trái không đúng chính sách, đường lối của của Đảng, Nhà nước. Còn việc người dân nào đến phát quà, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện.

“Những tổ chức cá nhân lợi dụng việc vận động này để trục lợi hay đả kích chế độ, đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước thì không được. Trong thời gian qua cũng đã có những đối tượng này rồi” – Đại biểu Hòa nói. 

Vị đại biểu này đồng quan điểm là cần xem lại những điều nào ràng buộc, những quy định nào gây khó khăn cho đồng bào, cho những người hảo tâm vận động để chỉnh sửa cho phù hợp.

“Nhiều tổ chức cá nhân đã có ý kiến Nghị định đã 12 năm rồi, gây khó khăn cho việc vận động hỗ trợ đồng bào, Chính phủ cần sớm sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Trong thời điểm này chưa sửa đổi được thì cũng cần có công văn hoặc văn bản hướng dẫn cụ thể cho phép cá nhân, tổ chức vận động tài trợ để việc vận động được công minh bạch về tài chính để không dẫn đến tiêu cực, hệ lụy sau này”, Đại biểu Hòa nói.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng 

Đồng quan điểm, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng cho rằng cần phát huy vai trò của tổ chức cá nhân để huy động, phân phối tiền và hiện vật cho đồng bào đang gặp khó khăn. Nhà nước cũng cần chuyển dần cách thức làm từ thiện chuyển sang cho cá nhân, tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp, các đoàn thể thì phù hợp hơn.

* Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa:

"Tôi biết rất nhiều tổ chức đơn vị, cá nhân đồng bào của chúng ta ở trong nước cũng như ở nước ngoài rất mong muốn và có điều kiện đến trực tiếp phát tiền cho người dân vùng lũ. Nhưng theo tôi vẫn nên thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan Mặt trận Tổ quốc ở nơi đó. Chứ không phải anh có tiền anh đến vùng lũ, anh muốn làm gì anh làm.

Anh vẫn có thể cầm số tiền anh đi phát cho từng người, từng gia đình chứ chính quyền không ngăn cản. Nhưng thông qua chính quyền địa phương, qua Mặt trận Tổ quốc, anh có thể biết gia đình này khó khăn hơn và anh cho bao nhiêu thì đó là quyền của anh".

* Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội:

"Quan trọng hơn tôi thấy cần quản lý được nguồn tiền từ thiện, nếu không cẩn thận thì sẽ rơi vào nhóm lợi ích, những cá nhân trục lợi thì nguy hại vô cùng. Thậm chí tiền từ thiện gửi về cho bà con lũ lụt nhưng bà con nhận được rất ít mà những người không bị lũ lụt lại nhận nhiều".

* Luật sư Nguyễn Đức Tùng, Công ty TNHH Luật Đông Hà Nội:

"Để huy động nhanh, được nhiều nhất nguồn lực trong xã hội, ứng cứu kịp thời cho người dân đang gặp thiên tai, phát huy mạnh mẽ và nhanh chóng tinh thần đoàn kết, hỗ trợ, tương thân, tương ái của người dân trước các vấn đề mà xã hội gặp phải, theo tôi, Chính phủ cần nhanh chóng sửa đổi bổ sung Nghị định 64/2008/NĐ-CP theo hướng:

Thứ nhất, quy định chủ thể có quyền huy động ủng hộ, tiếp nhận phân phối tiền, hàng cứu trợ không nhất thiết các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội, mà các cá nhân cũng có quyền. Để thực các công việc nêu trên, cá nhân, tổ chức thực hiện đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại địa phương và chịu trách nhiệm với công việc thực hiện, không nhất thiết phải qua trình tự thủ tục hành chính phức tạp.

Thứ hai, Quy định chặt chẽ về việc tiếp nhận, phân phối tiền, hàng cứu trợ để tránh những trường hợp lợi dụng tình hình thiên tai, bão lũ để trục lợi hoặc vì mục đích xấu. Thứ 3, để đảm bảo minh bạch, công khai trong vận động, phân bổ tiền, hàng cứu trợ, cần phải có chế tài xử phạt nặng đối với các trường hợp sai phạm, ăn chặn tiền cứu trợ".

 

Tin mới lên