Tiêu điểm

Hơn 1.000 doanh nghiệp bất động sản thành lập mới chỉ trong 2 tháng đầu năm

Số liệu thống kê từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố cho thấy, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 2 năm 2021 là 8.038 doanh nghiệp và số vốn đăng ký là 179.737 tỷ đồng, giảm 12,3% và tăng 85,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020, giảm 20,3% về số doanh nghiệp và tăng 15,9% về vốn đăng ký so với tháng 1/2021. Mặc dù vậy vẫn có những tín hiệu tích cực.

Hơn 1.000 doanh nghiệp bất động sản thành lập mới chỉ trong 2 tháng đầu năm

Hơn 1.000 doanh nghiệp bất động sản thành lập mới chỉ trong 2 tháng đầu năm

Doanh nghiệp bất động sản thành lập mới tăng mạnh

Luỹ kế 2 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp thành lập mới là 18.129 doanh nghiệp, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2021 là 720.407 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Có 11/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, các lĩnh vực có mức tăng mạnh là: Sản xuất, phân phối điện, nước, gas tăng 60,7%; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 39%; Kinh doanh bất động sản tăng 33,6%; Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 19,2% và Khai khoáng tăng 19%.

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, sự tăng trưởng với tỉ lệ cao của số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập ở các ngành kinh doanh này một phần do đây là những ngành nghề kinh doanh thiết yếu.

Thêm vào đó là sự chuyển dịch xu hướng kinh doanh trong thời điểm hiện tại từ các ngành bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh sang những ngành nghề kinh doanh chịu ít rủi ro và nhiều tiềm năng hơn, như lĩnh vực kinh doanh bất động sản, với bất động sản công nghiệp là điểm sáng của thị trường trong thu hút vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài nhờ các hiệp định thương mại tự do và xu hướng dịch chuyển chuỗi sản xuất trên thế giới.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Ngay từ tháng đầu năm, nhiều lô hàng nông, thủy sản đã xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng như châu Âu, Nhật Bản, Australia, Canada, Singapore…

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam có nhiều triển vọng tăng trưởng ở hầu hết các ngành hàng trong năm 2021 bởi các hiệp định thương mại tự do đã ký như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) sẽ mang đến những cơ hội lớn cho xuất khẩu nông sản nhờ các lợi thế về thuế quan.

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 2 tháng đầu năm 2021 là 11.033 doanh nghiệp, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng

Trong 2 tháng đầu năm 2021, có 33.611 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: 21.636 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 8.380 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể, 3.595 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Một số lĩnh vực mà các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao so với cùng kỳ năm 2020 là: Giáo dục và đào tạo tăng 78,6%; Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 66,3%; Dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác tăng 50,4%; Kinh doanh bất động sản tăng 49,2%; Nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 49%.

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhấn mạnh, tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế vẫn còn dai dẳng, phản ánh qua việc số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao, đặc biệt là các ngành nghề liên quan tới du lịch, lĩnh vực có sự tác động rất lớn đến nhiều ngành nghề dịch vụ khác.

Bên cạnh đó, theo kết quả khảo sát của Vietnam Report đối với các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành bán lẻ, gần 42% doanh nghiệp đang chịu tác động nghiêm trọng của Covid-19; 50% doanh nghiệp đánh giá tác động nghiêm trọng vừa phải và hơn 8% doanh nghiệp bị tác động ít, không đáng kể.

Do vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn chọn giải pháp tiếp tục chờ đợi, tạm ngừng hoạt động để nghe ngóng, xem xét diễn biến của thị trường, tìm kiếm những ý tưởng, hướng đi mới hoặc chờ đợi triển khai các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, rồi mới quyết định tiếp tục kinh doanh hay giải thể doanh nghiệp, chưa “đóng cửa” doanh nghiệp hoàn toàn ở thời điểm này.

Tin mới lên