Tài chính quốc tế

Hơn 100.000 doanh nghiệp Italy có nguy cơ đóng cửa vì khủng hoảng năng lượng

(VNF) - Theo ông Carlo Sangalli, người đứng đầu Hiệp hội Doanh nghiệp Italy Confcommercio, do hóa đơn năng lượng tăng vọt dẫn tới không thể đảm bảo sản xuất, hơn 100.000 doanh nghiệp ở nước này có nguy cơ phải đóng cửa.

Hơn 100.000 doanh nghiệp Italy có nguy cơ đóng cửa vì khủng hoảng năng lượng

Ông Carlo Sangalli, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Italy Confcommercio.

Trong một buổi họp báo của Confcommercio mới đây, ông Carlo Sangalli đã đưa ra những dữ liệu liên quan tới tình hình giá năng lượng ở Italy hiện tại.

Theo Chủ tịch Confcommercio, giá năng lượng tại quốc gia thành viên EU hiện đang cao hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khối. Cụ thể, “hóa đơn điện mà các khách sạn, quán bar, nhà hàng và cửa hiệu của chúng tôi phải trả trong năm nay nhiều hơn từ 40 - 60% so với ở Đức, và thậm chí gấp 3 lần so với ở Pháp", ông Carlo cho biết.

Theo đó, do hóa đơn năng lượng ngày càng tăng cao, nhiều công ty đang phải cơ cấu lại hoạt động hoặc cắt giảm sản xuất.

“Từ nay đến nửa đầu năm 2023, có ít nhất 120.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực dịch vụ có thể gặp rủi ro. Đây là một ước tính thận trọng của chúng tôi, chưa bao gồm các doanh nghiệp lớn”, người đứng đầu Confcommercio chia sẻ với báo chí.

Theo quan chức Italy, tình trạng này có thể dẫn đến việc mất đi hơn 370.000 việc làm.

Ông Carlo lưu ý rằng cuộc khủng hoảng năng lượng có thể giáng đòn “chốt hạ” vào nhiều doanh nghiệp vốn đã dễ bị tổn thương từ sau đại dịch Covid-19. Quan chức này cho biết đất nước cần đưa ra các biện pháp cải cách và đầu tư khả thi để giúp các doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng khó khăn, đồng thời kêu gọi chính phủ đưa ra một số biện pháp hỗ trợ đã từng được áp dụng trong thời kỳ đại dịch.

“Tình trạng này củng cố cho cảnh báo mà chúng tôi đã đưa ra hồi tháng 6, rằng đại dịch không thể làm ảnh hưởng tới dịch vụ và thương mại trong nước, nhưng khủng hoảng năng lượng thì có thể”, ông Carlo nói.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Italy Confcommercio, do giá năng lượng tăng phi mã, lạm phát tại nước này sẽ đạt mức cao nhất vào tháng 9 với mức 9,2%. Trong khi đó, GDP trong quý III sẽ giảm 0,8%, năm 2022 sẽ khép lại với GDP nửa cuối năm là 3%, giảm mạnh so với mức 5.5% của nửa đầu năm.

Được biết, Italy, cũng như nhiều quốc gia EU khác, đang phải chống chọi với mức lạm phát cao kỷ lục. Lạm phát hàng năm ở nước này đạt 8,4% vào tháng 8, chủ yếu do chi phí năng lượng.

Italy là quốc gia dựa vào năng lượng nhập khẩu, với khoảng 75% tổng nhu cầu đều dựa vào các nguồn bên ngoài. Vào đầu năm nay, quốc gia này nhập khẩu 40% khí đốt từ Nga, nhưng vào tháng 7, lượng mua của Nga đã giảm xuống còn 25% do các lệnh trừng phạt. Đầu tháng này, Italy đã mất nguồn cung khí đốt từ Moscow khi Gazprom ngừng dòng chảy qua đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream 1) do các vấn đề kỹ thuật.

Theo một cuộc khảo sát gần đây, hơn 70% người Italy đang gặp khó khăn hoặc đơn giản là không thể thanh toán hóa đơn năng lượng của mình. Trong số những người tham gia khảo sát, 9/10 người dự định cắt giảm chi tiêu để trang trải năng lượng bằng cách hạn chế đi nhà hàng, quán bar vào các ngày lễ và giảm mua sắm quần áo.

Xem thêm >> Italy muốn thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực hàng không vũ trụ với Việt Nam

Tin mới lên