Bất động sản

Hơn 1.400 tỷ nâng cấp tuyến quốc lộ nối Bình Thuận - Lâm Đồng

(VNF) - Dự án nói trên có chiều dài khoảng 69 km, tổng mức đầu tư khoảng 1.435 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách nhà nước, và dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Hơn 1.400 tỷ nâng cấp tuyến quốc lộ nối Bình Thuận - Lâm Đồng

Hơn 1.400 tỷ đồng nâng cấp tuyến quốc lộ nối Bình Thuận và Lâm Đồng. (Ảnh minh họa)

Theo tỉnh Bình Thuận, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Quyết định số 1754/QĐ-BGTVT phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B đoạn qua tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng.

Mục tiêu của dự án là từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông vận tải trên địa bàn các tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng theo quy hoạch; giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông, tăng cường liên kết vùng, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang Đông - Tây kết nối khu vực Tây Nguyên đến các tỉnh miền Trung; hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên và vùng duyên hải miền Trung.

Dự án có điểm đầu tại Km0+000, giao Quốc lộ 1A tại Km1656+900, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận; điểm cuối dự án tại Km68+100 - ngã ba Tahine giao với Quốc lộ 20 tại Km185+690, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng; chiều dài tuyến khoảng 69 km. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.435 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách nhà nước; dự kiến dự án sẽ hoàn thành trong năm 2025.

Quốc lộ 28B là tuyến đường đối ngoại quan trọng của các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, là trục giao thông theo hướng Đông – Tây ngắn nhất nối liền địa phận giữa tỉnh Bình Thuận với tỉnh Lâm Đồng (phía tây QL1A), kết nối tuyến Quốc lộ 1, đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Quốc lộ 20 và các đường liên huyện ĐT.724, ĐT. 729, phát triển kết nối giữa các vùng ven biển tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, cảng tổng hợp quốc tế Vĩnh Tân với các tỉnh Tây Nguyên, vùng kinh tế Đông Bắc Campuchia (thông qua cửa khẩu Buprăng và cửa khẩu Đăk Peur).

Đây cũng là trục giao thông trọng yếu để phát triển kinh tế biển, kinh tế vùng, giúp các tỉnh trong khu vực phát huy hết các tiềm năng, lợi thế hiện có, đặc biệt phát triển “tam giác du lịch” Đà Lạt – Phan Thiết – TP. HCM.

Tuyến đường được đầu tư xây dựng kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi giảm chi phí vận doanh của hàng hóa, phát triển sảm xuất, tiêu dùng của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, đồng thời tăng cường năng lực vận chuyển alumin, than đá và các vật tư thiết yếu cho 2 nhà máy của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam thông qua Cảng tổng hợp Vĩnh Tân.

Đầu tư tuyến tạo nên mạng lưới giao thông đồng bộ, chia sẻ, giảm áp lực giao thông cho tuyến Quốc lộ 20, rút ngắn cự ly lưu thông giữa Nam Tây Nguyên với Nam Trung Bộ.

Tin mới lên