Tài chính quốc tế

Hơn 200 tàu neo đậu bất thường trên Biển Đông, Trung Quốc nói gì?

(VNF) - Theo lý giải của Trung Quốc, thời tiết xấu đã buộc hơn 200 tàu cá Trung Quốc phải thả neo ở rạn san hô trong bãi đá ngầm trên Biển Đông.

Hơn 200 tàu neo đậu bất thường trên Biển Đông, Trung Quốc nói gì?

Tàu Trung Quốc neo đậu tại khu vực Đá Ba Đầu ngày 7/3 (Ảnh: NTF-WPS).

Trung Quốc vẫn thường né tránh cáo buộc của Philippine về hành động gây hấn ở Biển Đông. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo ngày 22/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã lên tiếng về vấn đề này.

“Mới đây, do điều kiện thời tiết trên biển, một số tàu đánh cá của ngư dân Trung Quốc đã phải tránh gió gần khu vực Đá Ba Đầu (Whitsun). Tôi cho rằng đây là chuyện bình thường và hy vọng là tất cả các bên có thể nhìn nhận một cách hợp lý”, bà Hoa Xuân Oánh nói trong cuộc họp báo ngắn.

Trước đó, Lực lượng chuyên trách biển Tây Philippines (NTF-WPS) thông tin về việc khoảng 220 tàu, được cho là điều khiển bởi lực lượng dân quân biển Trung Quốc, xuất hiện tại khu vực Đá Ba Đầu thuộc cụm Sinh Tồn trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào ngày 7/3.

NTF-WPS cho rằng sự việc trên gây quan ngại về khả năng Trung Quốc đánh bắt quá mức và hủy diệt môi trường biển, cũng như gây nguy cơ đối với an toàn hàng hải.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 21/3 đã lên tiếng chỉ trích động thái này, xem đây là “hành động khiêu khích rõ ràng của việc quân sự hóa khu vực”.

“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc ngăn chặn hành vi xâm phạm này và triệu hồi ngay lập tức những tàu này”, ông Lorenzana tuyên bố.

Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin đã viết trên Twitter rằng Philippines đã đưa công hàm ngoại giao phản đối sự hiện diện này của Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã nhiều lần nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Bà Hằng nêu rõ: "Mọi hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà không có sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này, gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ, hòa bình, ổn định, trật tự, an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải trên Biển Đông”.

Xem thêm >> Căng thẳng đỉnh điểm với Mỹ, Nga kêu gọi Trung Quốc ‘tẩy chay’ đồng USD

Tin mới lên