Bất động sản

Hơn 27.700 tỷ đồng khôi phục đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt

(VNF) - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cùng đoàn công tác Bộ GTVT đã làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận về dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt (đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt).

Hơn 27.700 tỷ đồng khôi phục đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt

Hơn 27.700 tỷ đồng khôi phục đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt. (Ảnh minh họa)

Tại cuộc họp, đại diện Công ty Cổ phần TMDV Khách sạn Bạch Đằng (đơn vị lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư) đã trình bày báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với dự án.

Theo đó, dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm- Đà Lạt có chiều dài khoảng 83,5km, trong đó đoạn qua tỉnh Ninh Thuận 49km, với số lượng 17 ga và trạm khách (12 ga cũ, bổ sung mở mới 2 ga và 3 trạm; có 7 ga thuộc địa bàn Ninh Thuân).

Bên cạnh đó, dự án có 64 cầu, 5 hầm và 16km lắp đặt đường ray răng cưa; dự kiến giải phóng mặt bằng đoạn qua Ninh Thuận khoảng 130ha, chủ yếu là đất nông nghiệp.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 27.780 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Dự kiến tiến độ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, từ nay đến năm 2024 để triển khai thực hiện đầu tư từ năm 2024 đến năm 2029 và hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác thương mại từ năm 2030.

Đại diện đơn vị đầu tư cũng đã kiến nghị, đề xuất phương án hướng tuyến, cấu trúc tuyến và các vị trí ga, trong đó có các đoạn tuyến điều chỉnh, trạm khách mới cần được cập nhật, điều chỉnh trong các quy hoạch liên quan của địa phương; bố trí quỹ đất quy hoạch, các khu vực phát triển dịch vụ, gắn với khu vực ga; các hình thức ưu đãi, thu hút đầu tư, giải phóng mặt bằng.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam đánh giá cao tâm huyết đầu tư, ý tưởng đề xuất của đơn vị chủ đầu tư, nhằm khôi phục tuyến đường sắt leo núi di sản độc đáo, tạo ra sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, tăng tính kết nối giao thông, vận tải hành khách của khu vực và giữa 2 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng; đồng thời phát triển các khu vực xung quanh ga, khai thác tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhấn mạnh dự án cũng đã được Bộ GTVT cho chủ trương lập hồ sơ đề xuất đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, do đó tỉnh ủng hộ, tạo điều kiện thực hiện dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị chủ đầu tư cần nghiên cứu sâu kỹ, có phương án đầu tư phù hợp, khả thi, đảm bảo tính kết nối, phù hợp với quy hoạch phát triển.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đánh giá đây là dự án lớn, nhiều tham vọng, có thể coi đây là “con đường di sản”, độc đáo theo ý tưởng đề xuất của chủ đầu tư. Thứ trưởng đề nghị đơn vị tư vấn, chủ đầu tư cần lấy ý kiến góp ý của các đơn vị, địa phương liên quan nhằm tăng tính kết nối, thu hút du lịch; làm rõ tính khả thi của dự án, bám sát mục tiêu theo hướng phát triển bền vững vừa khôi phục di sản, gắn với vận tải, phục vụ cộng đồng, phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp hỗ trợ, có phương án bố trí hạ tầng, quy hoạch, kết nối phát triển phù hợp và phối hợp tổ chức thực hiện chặt chẽ, thống nhất, có thỏa thuận cụ thể đảm bảo đầu tư đồng bộ, phát huy hiệu quả của dự án.

Vào tháng 3/1899, Toàn quyền Pháp Paul Doumer đã tiến hành một cuộc khảo sát tại cao nguyên Lang Biang với mục đích xây dựng Đà Lạt thành một khu nghỉ dưỡng. Hai năm sau, Paul Doumer ký sắc lệnh lập tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt. Song sau đó 10 năm, dự án này mới bắt đầu được xúc tiến.

Năm 1932, tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt với tổng chiều dài 84km, hành trình qua 9 nhà ga, 5 đường hầm xuyên núi, 2 cầu lớn, 2 đèo cao là đèo Ngoạn Mục và đèo D’Ran, chính thức hoàn thành. Toàn tuyến có ba đoạn (tổng 16km) phải chạy trên những cung đường sắt răng cưa với độ dốc 12%, gồm: đèo Sông Pha - Eo Gió, đoạn Đơn Dương - Trạm Hành, đoạn Đa Thọ - Trại Mát.

Đây là tuyến đường sắt răng cưa dài và độc đáo, không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới, ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử ngành công nghiệp đường sắt thế giới đầu thế kỷ XX.

Vào những năm cuối thập niên 60 đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, do chiến tranh diễn ra khốc liệt nên tuyến đường sắt này tạm ngừng hoạt động. Sau tháng 4/1975, tuyến được khôi phục và hoạt động, chủ yếu là chuyên chở nông sản tiếp tế xuôi ngược Phan Rang – Lâm Đồng…

Năm 1986, gần như toàn bộ đường ray, tà vẹt trên tuyến đường này được tháo gỡ. Hiện chỉ còn đoạn Trại Mát - Đà Lạt dài khoảng 7km đang khai thác tàu du lịch.

 

Tin mới lên