Tiêu điểm

Hơn 70% doanh nghiệp dân doanh Việt Nam 'mù thông tin' về CPTPP và EVFTA

(VNF) – Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có 63% doanh nghiệp dân doanh Việt Nam không biết hoặc lần đầu tiên nghe nói về cộng đồng kinh tế ASEAN. Với Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), con số này lần lượt lên tới 71 và 77%.

Hơn 70% doanh nghiệp dân doanh Việt Nam 'mù thông tin' về CPTPP và EVFTA

Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam "mù" thông tin về CPTPP và EVFTA

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019 (VBF 2019), ông Vũ Tiến Lộc cho biết cộng đồng doanh nghiệp Việt nam đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo lập môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi. Tuy nhiên, ông Lộc cũng chỉ ra các điểm nghẽn đang gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Gánh nặng thủ tục “hậu đăng ký”

Dẫn kết quả điều tra PCI năm 2018, ông Lộc cho hay có 16% doanh nghiệp phải chờ hơn 1 tháng mới có đủ tất cả các giấy tờ cần thiết khác ngoài giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để chính thức đi vào hoạt động.

Cụ thể, có 34% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin các giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện, 30% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy, 29% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin cấp giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật hoặc các loại giấy chứng nhận khác. 

Điều đáng nói các chỉ tiêu này có dấu hiệu gia tăng trong 5 năm trở lại đây.

Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết sự phiền hà trong các lĩnh vực cũng duy trì ở mức cao, như: đất đai (30%), thuế (28%), bảo hiểm xã hội (25%). Với các doanh nghiệp FDI, đó thủ tục xuất nhập khẩu (28%), bảo hiểm xã hội (26%), thuế (25%) và đăng ký đầu tư (24%), phòng cháy chữa cháy (22%).

Bên cạnh các trở ngại trên, việc tiếp cận thông tin của doanh nghiệp vẫn chưa có cải thiện đáng kể theo thời gian. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết gặp khó tiếp cận một số loại thông tin tại cấp địa phương là khá cao, ví dụ: kế hoạch mua sắm công (60%), bản đồ, quy hoạch sử dụng đất (58%), quy hoạch ngành, lĩnh vực (54%), kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mới (54%).

Chỉ 55% doanh nghiệp cho biết có thể tiếp cận thông tin về các gói thầu mua sắm công ở cấp tỉnh. Do vậy, vẫn có tới 69% doanh nghiệp cho biết cần có “mối quan hệ” để có được các tài liệu của tỉnh.

Doanh nghiệp đang ở thời kỳ khó khăn thứ ba

Theo ông Vũ Tiến Lộc, kết quả điều tra PCI 2018 cho thấy có 8,3% doanh nghiệp dân doanh dự kiến giảm quy mô hoặc đóng cửa doanh nghiệp. Đây là con số cao thứ 3 trong 14 năm điều tra PCI của VCCI kể từ năm 2006 (thấp hơn các năm 2012-2014 là giai đoạn nền kinh tế Việt Nam gặp khó khăn).

“Phần lớn các doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô hoặc đóng cửa rơi vào nhóm có quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Điều này cho thấy thực tế có một tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp đang chật vật để duy trì hoạt động, do không thích ứng được với những biến động của thị trường hoặc do cạnh tranh trở nên gay gắt hơn khi Việt Nam ngày càng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu”, ông Lộc nói.

Sự khó khăn của doanh nghiệp còn thể hiện ở khả năng tiếp cận vốn. Điều tra PCI cho thấy có 37% doanh nghiệp trong nước hiện đang gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, phần lớn rơi vào nhóm có quy mô vốn siêu, nhỏ hoặc vừa.

Những doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn chủ yếu là doanh nghiệp mới đi vào hoạt động. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do doanh nghiệp không có tài sản thế chấp (86%), điều kiện cho vay khó khăn (63%), thủ tục vay phiền hà (44%), hoặc bị ngân hàng áp dụng điều kiện tín dụng bất lợi cho doanh nghiệp (40%).

Doanh nghiệp dân doanh cũng gặp khó khăn trong tuyển dụng một số loại nhân lực trình độ cao. Cụ thể, 83% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng cán bộ là Giám đốc điều hành, 72% gặp khó khăn trong tuyển dụng cán bộ quản lý cấp trung, 67% gặp khó khăn trong tuyển dụng cán bộ kỹ thuật.

Các doanh nghiệp FDI cũng gặp khó khăn tương tự: 91% gặp khó khăn trong tuyển dụng giám đốc điều hành, 84% gặp khó khăn trong tuyển dụng quản lý cấp trung và 74% khó khăn trong tuyển dụng cán bộ kỹ thuật.

Doanh nghiệp nước ngoài lo sợ tính hồi tố

Ông Vũ Tiến Lộc cho biết thời gian qua, nhiều nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ sự lo ngại về sự thay đổi nhanh chóng của các quy định pháp luật và mức độ rủi ro trong áp dụng pháp luật của Việt Nam.

Chẳng hạn nhiều nhà đầu tư châu Âu hay Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Việt Nam lo ngại về việc không được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ Việt Nam đối với  dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được cấp phép trước ngày 01/01/2015.

“Mặc dù đã có cơ sở pháp lý rõ ràng tại các văn bản luật, nghị định nhưng sự áp dụng pháp luật chưa phù hợp, chưa nhất quán đã tạo ra hiệu ứng tiêu cực với ngành công nghiệp hỗ trợ và tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Đề nghị không hồi tố khi ban hành các quy định mới về kinh doanh”, ông Lộc đề xuất.

Ông Lộc cũng đề nghị Chính phủ cần chủ động phối hợp với Toà án nhân dân tối cao và các cơ quan tư pháp liên quan đẩy mạnh hơn nữa cải cách tư pháp, bảo đảm thủ tục xét xử các tranh chấp kinh doanh nhanh gọn, minh bạch và hiệu quả.

Bên cạnh đó, khuyến khích, mở rộng giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài và hoà giải thương mại; kiểm soát và giảm thiểu tối đa các vụ việc hình sự hoá các quan hệ kinh tế; thay đổi phương thức thanh tra kiểm tra doanh nghiệp hiện nay bằng phương pháp quản lý rủi ro, giảm chồng chéo.

Ngoài ra, ông Lộc cũng đề nghị cần có thông tin hiệu quả hơn tới cộng đồng doanh nghiệp về các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia ký kết.

Kết quả điều tra cho thấy con số đáng quan ngại khi có 63% doanh nghiệp dân doanh không biết hoặc lần đầu tiên nghe nói về cộng đồng kinh tế ASEAN. Với Hiệp định Đối tác toàn diện Xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU, con số này lần lượt lên tới 71 và 77%.

“Rõ ràng là rất khó để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội từ hội nhập quốc tế, khi mà họ chưa nắm được thông tin gì về các hiệp định quan trọng mà Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực đàm phán trong thời gian vừa qua. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh trên sân nhà lại ngày một gia tăng khốc liệt hơn khi quá trình mở cửa thị trường theo các cam kết quốc tế đang diễn ra nhanh chóng”, Chủ tịch VCCI nói.

Tin mới lên