Tiêu điểm

Hơn 93.000 tỷ được bố trí cho chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020

(VNF) - Theo báo cáo của Quốc hội, tổng nguồn lực đã được bố trí, huy động chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trong giai đoạn 2016 - 2020 là khoảng 93.289,683 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương đã bố trí cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là 42.334,618 tỷ đồng, vượt 1,02% kế hoạch.

Hơn 93.000 tỷ được bố trí cho chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020

Ngân sách trung ương đã bố trí cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là 42.334,618 tỷ đồng, vượt 1,02% kế hoạch.

Ngân sách trung ương cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đạt 101,02% kế hoạch

Trong báo cáo kết quả 6 năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Quốc hội cho biết tổng nguồn lực đã được bố trí, huy động để thực hiện chương trình trong giai đoạn 2016 - 2020 là khoảng 93.289,683 tỷ đồng.

Trong đó, ngân sách trung ương đã bố trí cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là 42.334,618 tỷ đồng, vượt 1,02% kế hoạch. Trước đó, theo kế hoạch, ngân sách được Quốc hội phê duyệt cho chương trình là 41.449 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, vốn địa phương đối ứng cho chương trình và thực hiện chính sách đặc thù của tỉnh, bao gồm cả vốn huy động từ các nguồn hợp pháp khác 10.065,605 tỷ đồng; vốn xã hội hóa dành cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo của địa phương 22.112 tỷ đồng; vốn ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và các hoạt động an sinh xã hội của MTTQVN các cấp 18.594,434 tỷ đồng; vốn viện trợ Ireland (Irish Aid) 406,746 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo, để thúc đẩy việc kết nối phát triển kinh tế - xã hội giữa vùng khó khăn với vùng phát triển, đến nay, tổng số vốn đã bố trí để thực hiện chính sách liên kết vùng là 87.385,9/189.337 tỷ đồng (đạt 46% kế hoạch), trong đó: ngân sách trung ương là 60.433,2/101.841 tỷ đồng (đạt 59,3%), ngân sách địa phương và vốn lồng ghép từ các nguồn khác là 26.952,7 tỷ đồng.

Đã có 1.036 dự án/1.476 dự án của chương trình đã hoàn thành (chiếm 70% tổng số dự án). Đưa vào sử dụng 5.134 km đường giao thông, 47 cầu, 161.589 ha được tưới chủ động, 39 trường đại học cấp tỉnh được hỗ trợ, 130 dự án trung tâm hành chính của các địa phương, tập trung ở các huyện mới tách đã được đưa vào sử dụng.

Ngoài ra, các lĩnh vực hỗ trợ của chương trình chỉ tập trung vào một số ngành lĩnh vực quan trọng, thiết yếu, có tác động lan tỏa trong phát triển kinh tế xã hội của các địa phương như: giao thông, thủy lợi, giáo dục đại học.

Một số chính sách không có tác động thực sự tới người nghèo trong nâng cao năng lực sản xuất

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như một số địa phương gặp khó khăn trong phân bổ vốn đối ứng thực hiện chương trình.

Một hạn chế khác là cơ chế lồng ghép các nguồn vốn trong một chương trình, dự án khó thực hiện tại các địa phương. Theo báo cáo, nhiều địa phương đã ban hành cơ chế lồng ghép nguồn vốn nhưng khó thực hiện lồng ghép nguồn lực do mỗi chương trình, dự án đều thành lập ban chỉ đạo/ban quản lý riêng, có quy định tài chính riêng.

Hiện nay, cơ chế quản lý ngân sách chú trọng kiểm soát sự tuân thủ trong chi tiêu ngân sách nên các thủ tục phức tạp và khó thanh quyết toán khi lồng ghép nguồn vốn trong một chương trình, dự án.

Ngoài ra, một số chính sách như hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người dân trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn như xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thật sự không phù hợp, vì có nhiều người dân mức thu nhập cao, địa bàn không thật sự khó khăn như các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đặc biệt, một số chính sách ban hành mang tính hỗ trợ “cho không”, tạo tâm lý ỷ lại, không tạo động lực cho người nghèo vươn lên thoát nghèo.

Tin mới lên