Tiêu điểm

Họp báo chính phủ nóng chuyện Mobifone, Formosa, Trịnh Xuân Thanh

(VNF) - Chiều 02/8, buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016 đã diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn.

Họp báo chính phủ nóng chuyện Mobifone, Formosa, Trịnh Xuân Thanh

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Các vấn đề nóng hiện nay trên công luận cũng là những vấn đề nóng trong cuộc họp báo này.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thông báo vắn tắt về nội dung phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016 diễn ra trong hai ngày 1 và 2/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: Đây là phiên họp đầu tiên của Chính phủ khóa XIV vừa mới được Quốc hội bầu, phê chuẩn các thành viên tại kỳ họp thứ nhất với sự tín nhiệm rất cao sau hơn 3 tháng làm việc với tinh thần tích cực, khẩn trương. 

Trước khi họp chính thức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao quyết định bổ nhiệm của Chủ tịch nước cho các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và các thành viên Chính phủ khác. Đây là vinh dự lớn, nhiệm vụ nặng nề của các thành viên Chính phủ.

Thủ tướng cũng quán triệt một số định hướng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của Chính phủ. Thủ tướng đã nhiều lần nói với báo chí cũng như phát biểu tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội và tại các kỳ họp Chính phủ.

Theo đó, Chính phủ thống nhất phương thức lãnh đạo, chỉ đạo theo quan điểm quyết tâm xây dựng "Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp", chuyển từ quản lý sang phục vụ người dân và doanh nghiệp. 

"Một Chính phủ kiến tạo là dựa trên nền tảng thể chế, thượng tôn pháp luật, từ đó Chính phủ tập trung xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, lấy nền tảng là người dân và doanh nghiệp để phát triển kinh tế-xã hội. Như vậy, tinh thần của Thủ tướng và Chính phủ là phấn đấu xây dựng Chính phủ trong sạch, vững mạnh, không để xảy ra tham ô, tiêu cực, không để gây mất niềm tin trong nhân dân", ông Dũng nói.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu đến tháng 10, các bộ, ngành phải hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng bộ, ngành. 

Tại phiên họp, Chính phủ cũng thảo luận về dự thảo Nghị định khung về cơ cấu tổ chức của các bộ. Trong tháng 8, VPCP trình Chính phủ quy chế làm việc của Chính phủ.

VietnamFinance giới thiệu một số nội dung hỏi đáp quan trọng trong cuộc họp báo này:

- Xin hỏi cơ sở nào để quyết định thanh tra thương vụ Mobifone mua lại AVG và cụ thể sẽ tập trung thanh tra vấn đề gì, khi nào tiến hành thanh tra và quá trình này sẽ diễn ra trong bao lâu?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Chúng ta đều biết Mobifone là doanh nghiệp viễn thông hàng đầu Việt Nam, và cũng là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên thực hiện quá trình cổ phần hóa. 

Việc mua cổ phần nêu trên là hoạt động đầu tư lớn của doanh nghiệp, cho nên rất cần sự thận trọng. Ngày 22/7, Văn phòng Trung ương Đảng có văn bản số 1621 thông báo ý kiến của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, giao cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện việc Mobifone mua cổ phần (95%) của AVG. 

Từ đó, Thủ tướng Chính phủ giao cho Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ký văn bản giao cho Thanh tra Chính phủ thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng. Đây là những chỉ đạo của Đảng và khối Chính phủ. Tuy nhiên, thanh tra gì, thanh tra như thế nào, thì đây là chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư và của Thủ tướng. Sau này có kết quả thanh tra thì mới được công bố.

- Liên quan đến vụ việc AVG, có thông tin AVG chỉ giá trị hơn 2.000 tỷ đồng nhưng Mobifone lại mua với giá hơn 8.000 tỷ đồng? Xin được hỏi thông tin này có đúng không?

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn:  Về giá của AVG bao nhiêu và Mobifone mua bao nhiêu. Về việc này, các cơ quan thẩm định giá được Bộ Tài chính cấp phép sẽ định giá cụ thể và việc mua-bán này liên quan đến việc đàm phán giữa các đối tác với nhau. Chúng ta không thể dự đoán hoặc áng chừng giá bao nhiêu được. 

- Về việc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh, hiện tại Bộ Nội vụ đang tiến hành kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, có một chi tiết cơ bản là Chỉ đạo của Thủ tướng về việc không đồng ý cho Hậu Giang tăng số lượng Phó Chủ tịch lại không được đưa vào hồ sơ vụ việc. Người phát ngôn Chính phủ đánh giá như thế nào về thông tin này? Có phải Bộ Nội vụ đang cát cứ rất nhiều về công tác cán bộ, không tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ hay không?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Có thể nói, vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang được dư luận, các cơ quan báo chí rất quan tâm. Có thể nói đây là điển hình cho việc bất cập, tồn tại kéo dài trong công tác cán bộ. Những bất cập, tồn tại này cần được xử lý, chấn chỉnh, đặc biệt cần điều tra, xem xét rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan.

Từ vụ việc trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp chỉ đạo, giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại thông báo ngày 26/7/2016. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã giao trực tiếp Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, giao Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp các bộ, ngành liên quan kiểm tra để kết luận đúng sai vụ việc theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác thuyên chuyển, tiếp nhận, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đối với ông Trịnh Xuân Thanh. 

Đồng thời giao Bộ Nội vụ phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong việc kiểm tra, kiểm điểm, xử lý vi phạm theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/8/2016. Hiện nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Nội vụ đang tiến hành triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao. 

Đặc biệt, Bộ Nội vụ đang tiến hành kiểm điểm, xem xét quy trình thực hiện đối với công tác cán bộ. Sau khi có kết quả xác minh chính xác sẽ thông báo cho các cơ quan báo chí. Như vậy, công tác cán bộ phải được xử lý nghiêm minh, xem xét rất kỹ, nếu ai, cá nhân nào, tổ chức nào vi phạm, lợi dụng công tác đề bạt, luân chuyển, bổ nhiệm đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

- Theo thông cáo báo chí của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có hơn 390 tấn chất bùn thải đất đá có chứa chất thải nguy hại. Xin hỏi đó là những chất thải nguy hại gì, có phả kim loại nặng không?  Nếu có chất cyanide nguy hại hàng đầu thì xử lý thế nào, trong bao lâu? Ngoài Công ty Kỳ Anh và Formosa thì đơn vị cấp  phép cho vận chuyển chất độc hại này trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh phải chịu trách nhiệm thế nào? Đây mới là 2 trong số hàng chục điểm chôn cất bùn thải chứa chất thải nguy hại, tức là còn nhiều công ty khác như công ty Kỳ Anh vận chuyển. Biện pháp của Chính phủ thế nào để xử lý triệt để tình trạng này?

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà:  Đến ngày hôm nay, Tổng cục Môi trường đã có thông cáo đến cơ quan báo chí về kết quả  phân tích bùn thải, chất thải phát hiện trong thời gian vừa qua do Công ty  Formosa (FMS) thuê doanh nghiệp xử lý của Hà Tĩnh chôn lấp trái phép. Trong phân tích đại diện các mẫu chôn lấp trái phép, đã phát hiện 3 nơi chôn lấp chất thải.

Việc lấy mẫu thu gom bảo quản nhằm bảo đảm giữ cho môi trường không tiếp tục bị ảnh hưởng. Kết quả là có một số mẫu cho thấy nồng độ chất cyanide vượt quá quy chuẩn chất thải nguy hại.

Theo quy định, trong chất thải thông thường, nếu có lẫn chất thải nguy hại thì việc quản lý phải thực hiện như đối với chất thải nguy hại. Vì vậy, Bộ TN&MT đã lấy mẫu bùn thải và môi trường xung quanh, nước ngầm, mẫu đất quanh khu vực chôn lấp để phân tích xem việc chôn lấp tác động gì đến môi trường. Rất may do phát hiện sớm nên chất thải chưa tác động môi trường, môi trường ở đó vẫn đạt tiêu chuẩn bình thường cho phép.

Còn với toàn bộ 390 tấn chất thải được coi là chất thải nguy hại, buộc FMS cũng như  DN môi trường Kỳ Anh có trách nhiệm phải lựa chọn cơ quan, trung tâm xử lý có năng lực được cấp phép.

Được biết, trên địa bàn Hà Tĩnh chưa có cơ quan nào xử lý chất thải nguy hại được cấp phép, vì vậy việc chọn DN xử lý phải từ cấp Trung ương do Bộ TN&MT cho phép, kể cả vận chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác.

Thường xử lý quy mô nhỏ có nhiều cách, nhưng trường hợp này chúng tôi cho rằng cách xử lý dùng phương án đốt, thiêu hủy để hợp chất này phân hủy, bùn đất không gây ô nhiễm môi trường. Đó là phương pháp phù hợp, hiệu quả nhất.

Tôi cảm ơn các cơ quan báo chí, thời gian qua phát hiện sự việc, thể hiện tinh thần dũng cảm, trách nhiệm lớn với người dân. Về phía cơ quan quản lý nhà nước về môi trường Hà Tĩnh, chúng tôi đã chỉ đạo kiểm điểm, nói gì thì nói đây là thiếu sót lớn của các cơ quan quản lý môi trường địa phương, cấp xã, huyện.

Chúng tôi sẽ kiểm kê lại toàn bộ chất thải FMS thông qua số vừa rồi đã thu gom, qua số còn trong nhà kho, số trong hợp đồng ký kết và xử lý. Từ đấy tiếp tục tìm ra xem, còn ở đâu không, còn DN Hà Tĩnh nào đã nhận chất thải công nghiệp này cố tình đổ chất thải ra môi trường không đúng quy định không? Chúng tôi đang yêu cầu kiểm tra chặt chẽ dựa trên số liệu thống kê chất thải FMS.

Về xử lý, tôi cho rằng hành vi một DN cố tình đưa chất thải công nghiệp đã quy định cần có nơi chôn đúng điều kiện quy chuẩn đổ ra môi trường, như trường hợp công ty môi trường Kỳ Anh,  là nghiêm trọng. Tôi cho rằng đây không phải lần đầu, mà là cố ý, có nhiều người thực hiện. Đánh giá đây là vi phạm nghiệm trọng, chúng tôi đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho Công an Hà Tĩnh kiểm tra xem xét. Nếu đúng là hành vi cố ý, có tổ chức, sẽ xử lý nghiêm khắc nhất theo quy định pháp luật. Còn với FMS thực hiện không đúng, chưa phân loại kiểm đếm, thống kê chất thải, cung cấp cho nhà xử lý chưa đủ năng lực vận chuyển như vậy cũng là vi phạm.

Hiện nay được biết, chất thải FMS gồm nhiều nguồn, chất nguy hại lưu giữ trong kho, trong bể công nghiệp, sinh hoạt… Chúng tôi rất thận trọng trong việc phân tích, qua vài phòng thí nghiệm đối chứng, qua kết quả của Hà Tĩnh phân tích lại. Vì nếu làm sai sẽ liên quan đến nhiều chuyện, người ta hoàn toàn kiểm chứng được. Hiện nay, chúng tôi khẳng định phải xử lý đúng mức độ, hành vi vi phạm.  

Chúng tôi cũng yêu cầu ngay từ giờ phải thống kê toàn bộ chất thải, đồng thời với loại chất thải, kể cả chất thải từ bể công nghiệp thông thường, cũng như là nguy hại. Chúng tôi đề nghị đến thời điểm này coi như là chất thải nguy hại, phải có kế hoạch lựa chọn DN có năng lực vận chuyển xử lý, đồng thời có báo cáo thường kỳ với cơ quan quản lý nhà nước. Ở đây, chúng tôi yêu cầu  FMS phải báo cáo trực tiếp Bộ TN&MT. 

Để giải quyết, Bộ TN&MT đã tăng cường lực lượng đáng kể. Việc này rất khó, nhưng hiện đã có 2 phòng thí nghiệm di động kiểm soát toàn bộ chất thải FMS, đồng thời cùng họ lên kế hoạch khắc phục sự cố trước đây liên quan đến công nghệ, liên quan đến hệ thống xử lý, đến công trình để phòng ngừa ô nhiễm môi trường, hệ thống giám sát môi trường như các bể lắng…, có đủ thông số, đặc biệt thông số ô nhiễm môi trường biển.

Lần này, chúng tôi tiếp tục yêu cầu họ có kế hoạch rõ ràng trong thống kê, kê khai rất cụ thể xử lý chất thải thông thường cũng như nguy hại. Hiện nay, FMS cũng có những khó khăn khách quan, đó là Hà Tĩnh phải có quy hoạch khu xử lý chất thải công nghiệp, nhưng hiện tại ở Hà Tĩnh chưa tìm được DN có năng lực, chưa có sức hút đưa các DN môi trường vào. Do đó, buộc FMS phải tìm DN có năng lực ngoài tỉnh. Chúng tôi yêu cầu Hà Tĩnh cùng  Bộ TN&MT giám sát từ khâu đưa chất thải đi đến các khâu xử lý cuối cùng. Còn về sau trong kế hoạch xử lý chất thải của FMS phải có kế hoạch cụ thể để giám sát xử lý chất thải.

- Liên quan đến việc cho Formosa thuê đất đến 70 năm, Đảng, Nhà nước và Chính phủ có xem xét lại việc cho thuê đất lâu đến như vậy không? Nếu xem xét việc cho thuê đất trái với luật thì sẽ xử lý thế nào, có thu hồi giấy phép và hồi tố không?

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu: Theo các luật hiện hành, nhất là Luật Đất đai, việc cho thuê đất có thể kéo dài đến 70 năm. Tuy nhiên, việc cho phép thời gian hoạt động của dự án vẫn theo Luật Đầu tư. Trong Luật Đầu tư hiện hành (năm 2014), tại Điều 47 đã quy định về việc ngừng, tạm ngừng hoạt động của các dự án đầu tư, có 5 trường hợp sẽ bị các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư tạm ngừng hoạt động của dự án, trong đó có 1 trường hợp là để khắc phục vi phạm về môi trường theo đề nghị của cơ quan nhà nước về quản lý môi trường. 

Trong Luật Đầu tư, Điều 48 có quy định về việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư. Theo đó, Khoản 1 Điều 48 quy định dự án đầu tư bị chấm dứt hoạt động nếu thuộc một trong các điều quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 47 của Luật này mà nhà đầu tư không thể khắc phục điều kiện ngừng hoạt động thì cơ quan quản lý đầu tư có thẩm quyền có thể quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư.

Có nghĩa là đầu tiên phải tạm ngừng và yêu cầu khắc phục vi phạm môi trường nhưng nếu không thể khắc phục được thì theo quy định của pháp luật, sẽ bị ngừng hoạt động

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà: Theo Luật Đất đai năm 2003 cũng như Luật Đất đai năm 2013, việc cho thuê đất đối với các nhà đầu tư cũng căn cứ theo các tiêu chí như khu vực khó khăn để đầu tư…. Vũng Áng (Hà Tĩnh) theo quy chế hoạt động được Thủ tướng Chính phủ ban hành là khu vực thuộc tiêu chí được xem xét ưu tiên. 

Như vậy, theo cả Luật Đất đai 2003 và 2013 thì thẩm quyền cho thuê đất đối với UBND tỉnh, thành phố là được 70 năm. Như Thứ trưởng Bộ KH&ĐT đã nêu, đối với việc cấp giấy phép đầu tư, đặc biệt cho doanh nghiệp nước ngoài theo Luật Đầu tư 2005 thì thẩm quyền của UBND tỉnh cho phép thuê được 50 năm, còn trên 50 năm thuộc thẩm quyền của Chính phủ, báo cáo Chính phủ để xem xét trên các góc độ: nguồn vốn đầu tư, điều kiện khó khăn… 

Sau đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và người có thẩm quyền cho phép. Trong trường hợp các bạn nêu, việc này thanh tra Chính phủ cũng đã thanh tra, kiểm tra rồi. Đối với Hà Tĩnh, tôi cho rằng, việc cấp giấy phép đầu tư với thời hạn 70 năm ở đây là sai thẩm quyền vì UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã cho doanh nghiệp thuê với thời hạn đáng nhẽ phải do Chính phủ quyết định.

- Gần đây một số Ngân hàng đưa ra báo cáo tài chính của mình trong đó tỉ lệ nợ xấu tăng, ví dụ ngân hàng Eximbank tăng gấp đôi, Sacombank tăng gần 1 nửa, BIDV mặc dù trong ngưỡng cho phép dưới 2% nhưng  vẫn tăng hơn 3.000 tỷ đồng nợ xấu. Vậy xin hỏi Ngân hàng Nhà nước, tình hình nợ xấu ngân hàng có đáng lo không?

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Theo số liệu các tổ chức tín dụng (TCTD) báo cáo NHNN, nợ xấu cuối tháng 5/2016 ở mức 2,78%. Đây là mức dưới 3 theo mục tiêu NHNN đề ra cuối năm 2015, vấn đề xử lý nợ xấu vẫn là trọng tâm trong chỉ đạo điều hành NHNN 6 tháng cuối năm.

NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD nợ xấu trên 3% có kế hoạch báo cáo NHNN. NHNN cũng chỉ đạo các TCTD xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2016, Thống đốc chỉ đạo các TCTD mở rộng tín dụng đi đôi với tránh nợ xấu mới phát sinh.

NHNN cũng chỉ đạo các TCTD thực hiện các biện pháp trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng để xử lý nợ xấu, xử lý nợ qua Công ty VAMC vẫn đang được thực hiện để kiểm soát nợ xấu dưới 3%.

Tin mới lên