Diễn đàn VNF

Hợp tác công-tư và khả năng cạnh tranh điểm đến trong ngành du lịch

(VNF) - Chuyên gia về du lịch nêu quan điểm về vấn đề "cạnh tranh điểm đến" như là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch.

Hợp tác công-tư và khả năng cạnh tranh điểm đến trong ngành du lịch

"Để có thể cạnh tranh hiệu quả, các điểm đến du lịch phải mang tới những trải nghiệm và giá trị tuyệt vời cho du khách. Việc kinh doanh của ngành du lịch rất phức tạp và bị phân mảnh, từ thời điểm du khách đến cho tới khi đi, chất lượng chuyến du lịch của họ sẽ phụ thuộc vào nhiều loại dịch vụ và trải nghiệm, bao gồm chuỗi dịch vụ công cộng và tư nhân, môi trường du lịch và sự chào đón của người dân bản xứ.

Để có thể mang tới giá trị tuyệt vời cho du khách, các tổ chức nên cùng hợp tác thống nhất, cần thành lập một liên minh quản lý điểm đến hướng tới một mục đích chung: đảm bảo tính khả thi và toàn vẹn của điểm đến trong hiện tại và tương lai. Đây là một thách thức lớn trong lĩnh vực du lịch với nhiều hạn chế trong hợp tác và trao đổi giữa khu vực công - tư và giữa các công ty tư nhân cạnh tranh với nhau.

Hầu hết các vấn đề quản lý điểm đến phát sinh trong khu vực cần được giải quyết, tăng cường và củng cố ở cấp tỉnh. Do đó, cơ cấu quản lý du lịch hiệu quả tại cấp địa phương rất quan trọng. Các dịch vụ cần thiết cho du lịch được cung cấp tại các địa phương, nơi mà cả sự tích cực và tiêu cực của kinh tế xã hội và môi trường đều ảnh hưởng tới ngành du lịch một cách rõ ràng, việc này đặt ra yêu cầu cho việc lập kế hoạch và tổ chức quản lý hợp lý tại địa phương. 

Quản lý điểm đến hiện nay phần lớn thuộc trách nhiệm của các Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch ("DCSTs") báo cáo cho Ủy ban nhân dân, và đôi khi là báo cáo cho Tổng cục Du lịch Việt Nam (VNAT). Nói chung, chưa có sự phân chia trách nhiệm rõ ràng giữa nội bộ các cơ quan nhà nước, hoặc giữa các Sở và cộng đồng doanh nghiệp. Các Sở không gặp gỡ trao đổi một cách chính thức với các doanh nghiệp du lịch, và các tổ chức đại diện ngành du lịch ở các tỉnh còn yếu kém. Nguồn ngân sách dành cho quảng bá du lịch còn hạn chế và không minh bạch. 

Để cải thiện chất lượng phục vụ khách du lịch tại Việt Nam và đẩy mạnh phát triển và quản lý điểm đến, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (MCST) và Tổng cục Du lịch đã bắt đầu kế hoạch chiến lược tăng cường cấu trúc quản lý điểm đến. Chương trình phát triển năng lực Du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh Châu Âu tài trợ (ESRT) cho Tổng cục Du lịch đang hỗ trợ sự hợp tác của các cấp tỉnh và các bên liên quan để cùng nhau giải quyết vấn đề quản lý điểm đến. Với sự hỗ trợ này, Ủy ban chỉ đạo các tỉnh hiện đã được tăng cường củng cố và phát triển chương trình nghị sự thiết thực cho họ.

Tuy nhiên, vẫn còn những lo ngại về tổng thể hoạt động của ngành du lịch. Hiện đang có một sự sụt giảm nhu cầu chỗ ở trong khi nguồn cung lại ngày càng tăng. Sự sụt giảm lớn về lượng khách từ thị trường Trung Quốc và Nga trong năm 2014 đã cho thấy sự cần thiết của việc thiết lập một cơ chế quản lý điểm đến tốt hơn về nguồn cung cấp chỗ ở, và một kế hoạch quảng bá mang tính chiến lược và rộng khắp. 

Khách du lịch không chỉ giới hạn ở trong địa phận một tỉnh khi họ đi du lịch. Họ tham quan và du lịch khắp các khu vực theo các sản phẩm được quảng bá. Các cấp quản lý tại điểm đến cần đưa ra những hướng dẫn kỹ càng để phát triển và triển khai các dự án dựa trên các kế hoạch du lịch chiến lược theo từng địa điểm hoặc từng khu vực.

Chúng tôi tin rằng sẽ rất hữu ích nếu quy hoạch và sản phẩm du lịch được cải thiện hơn nữa. Đặc biệt, việc phát triển sản phẩm du lịch liên kết giữa các tỉnh (vượt ra ngoài biên giới của một tỉnh) sẽ khuyến khích khách du lịch ở lại lâu hơn cũng như quay trở lại các vùng khác nhau trên đất nước. 

Sự tham gia hiệu quả các bên liên quan, các cơ chế hợp tác như quan hệ đối tác công-tư, và sự phối hợp của các cơ quan quản lý điểm đến trong các khu vực này sẽ góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, góp phần đưa Việt Nam trở thành một điểm đến chất lượng cao, mang lại những trải nghiệm bền vững, có lợi cho người dân địa phương và giúp bảo tồn các nguồn tài nguyên quốc gia.

Theo quan điểm của chúng tôi, sự tham gia tích cực của Bộ và Chính phủ trong việc tạo điều kiện và hỗ trợ sự phát triển của cơ chế quản lý điểm đến ở các tỉnh trọng điểm là điều cần thiết. Hơn nữa, chúng tôi tin rằng ngành du lịch tư nên sát nhập cùng các cơ quan quản lý điểm đến với vai trò đối tác chủ chốt. 

Chúng tôi cũng đề xuất một số biện pháp cụ thể sau đây:

•    Thiết lập các cơ chế nâng cao giúp cho việc giao tiếp – hợp tác giữa các doanh nghiệp, các hiệp hội du lịch và các cơ quan nhà nước; tăng cường làm việc một cách thường xuyên với các nhóm và các hiệp hội du lịch dưới hình thức các nhóm công tác; phối hợp các cơ cấu tổ chức

•    Đưa ra các cấu trúc phối hợp trong toàn khu vực để tập trung thúc đẩy và tối đa hóa hoạt động hợp tác của các tỉnh 

•    Củng cố hợp tác giữa các Hiệp hội Du lịch và đại diện cộng đồng doanh nghiệp, cùng đóng góp vào các vấn đề quan trọng trong lĩnh vực du lịch

•    Tăng cường hợp tác công-tư trong việc quảng bá và tiếp thị ở các cấp điểm đến để hỗ trợ các sản phẩm và dịch vụ du lịch có trách nhiệm

•    Đưa ra và triển khai thực hiện các chương trình du lịch xanh và có trách nhiệm với môi trường và xã hội

•    Cải thiện sản phẩm du lịch theo từng tỉnh và liên tỉnh để đáp ứng nhu cầu tương lai của thị trường và cung cấp nhiều sản phẩm đa dạng hơn cho du khách 

•    Phát triển mạnh mẽ hơn các sản phẩm địa phương làm nổi bật các đặc trưng thu hút; đồng thời phát triển các sản phẩm du lịch dựa trên mối liên kết vùng miền

•    Áp dụng các chương trình khuyến mãi và tiếp thị có trách nhiệm với môi trường và xã hội, nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh, gia tăng giá trị - nhu cầu - sự trung thành, hài lòng của khách hàng, và hỗ trợ tương tác tốt hơn tại các điểm đến

•    Chuyên nghiệp hóa hoạt động marketing, tập trung vào các thị trường mục tiêu cụ thể và giải quyết các vấn đề như nâng cao nhận thức, marketing trên phương tiện truyền thông điện tử và tính thời vụ để cải thiện khả năng kinh doanh".

Tin mới lên