Tiêu điểm

HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng trần dư nợ tín dụng năm 2022 lên 1-2%

(VNF) - Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) đã kiến nghị Ngân hàng nhà nước tăng trần dư nợ tín dụng năm 2022 lên mức 15-16% so với mục tiêu cũ (14%), nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường địa ốc.

HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng trần dư nợ tín dụng năm 2022 lên 1-2%

HoREA kiến nghị tăng trần dư nợ tín dụng, gỡ khó cho thị trường địa ốc

Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ kiến nghị một số giải pháp nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.

Tại văn bản này, HoREA cho biết, chính sách tín dụng là một công cụ rất hiệu quả để điều tiết nền kinh tế và thị trường bất động sản, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay Nhà nước đang thực hiện nhiều chính sách để phục hồi và tái phát triển nền kinh tế sau dịch COVID-19.

HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng trần dư nợ tín dụng năm 2022 lên 1-2% so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% đã xác định trước đây. Đồng thời, cho phép ngân hàng thương mại được cho khách hàng vay để chứng minh khả năng tài chính của khách hàng vay trong các quan hệ giao dịch dân sự với bên thứ ba, hoặc cho vay để góp vốn…

Theo HoREA, báo cáo 6 tháng đầu năm 2022 của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tổng dư nợ tín dụng bất động sản là 2,33 triệu tỷ đồng đạt mức tăng trưởng 12,31% cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân của nền kinh tế là 9,35%.

Tuy nhiên, thực chất tăng trưởng tín dụng kinh doanh bất động sản chỉ là 786.000 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 8,4%, thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân của nền kinh tế 9,35%. Điều đó cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người mua nhà khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng hơn so với trước đây.

Do đó, Hiệp hội kiến nghị Ngân hàng Nhà nước thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại “Hội nghị về phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì ngày 14/7/2022, không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý Nhà nước, đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích, tránh rủi ro cho thị trường, với nghệ thuật điều hành mềm dẻo, linh hoạt, có hiệu quả.

Cụ thể, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng thương mại được cho khách hàng vay “để chứng minh khả năng tài chính của khách hàng vay trong các quan hệ giao dịch dân sự với bên thứ ba”, hoặc cho vay “để góp vốn, hợp tác đầu tư”, hoặc “cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống, trong đó có xây nhà, sửa chữa nhà, mua nhà” trong trường hợp “khách hàng có tài sản bảo đảm cho khoản vay”.  

Đồng thời, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng trần dư nợ tín dụng năm 2022 thêm 1-2% so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% đã xác định trước đây, trong đó xem xét tăng trần dư nợ tín dụng cho 4 ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất (Big 4) và các ngân hàng thương mại đạt chuẩn Basel 2.

Trước đó, chia sẻ tại Hội Nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bà Nguyễn Thị Hồng cho biết Ngân hàng Nhà nước đề xuất Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương thực hiện một số giải pháp như tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến lĩnh vực bất động sản theo hướng phát triển thị trường lành mạnh, hiệu quả.

Rà soát, xem xét, đề xuất sửa đổi các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất, nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá đất để đầu cơ, thổi giá. Công khai minh bạch thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản tại địa phương, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi giá, đầu cơ.

Với vai trò là ngân hàng trung ương điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, Thống đốc cho biết ngay từ đầu năm đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là những lĩnh vực ưu tiên theo chủ chương của Chính phủ; kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán, bất động sản.

Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước định hướng tín dụng tăng khoảng 14%, cao hơn mức tăng 13,61% trong năm 2021 và 12,17% năm 2020. Tính đến 30.6.2022, tín dụng đã tăng 9,35%, là mức cao hơn so với mức tăng của 6 tháng đầu năm của cả những năm trước đại dịch COVID-19. Cho tới thời điểm hiện nay, dù lạm phát đang chịu sức ép gia tăng trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 là 14%.

Trong 6 tháng cuối năm, Thống đốc đánh giá tình hình kinh tế thế giới bất trắc, khó lường, tác động tới kinh tế, tiền tệ trong nước. Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ yêu cầu thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ để phục hồi kinh tế nhưng tại các nghị quyết này, mục tiêu bao trùm vẫn phải bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Bởi vậy, trong nửa cuối năm 2022, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống các tổ chức tín dụng triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ được giao của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển - xã hội.

Ngân hàng Nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thành lập các công ty xếp hạng tín nhiệm uy tín, nâng cao sự minh bạch trong hoạt động huy động vốn trên thị trường chứng khoán.

Tin mới lên