Bất động sản

HoREA: Dự thảo Luật Nhà ở đang làm khó 'giấc mơ' 1 triệu căn nhà ở xã hội

(VNF) - HoREA cho rằng nếu bỏ quy định các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải thực hiện nghĩa vụ để góp phần phát triển nhà ở xã hội theo quy định thì khó có thể thực hiện được mục tiêu đến năm 2025 phát triển 570.000 căn nhà ở xã hội, đến năm 2030 phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội và sẽ làm cho giấc mơ của đông đảo người dân là người thu nhập thấp muốn được mua, thuê mua nhà ở xã hội ngày càng xa vời.  

HoREA: Dự thảo Luật Nhà ở đang làm khó 'giấc mơ' 1 triệu căn nhà ở xã hội

HoREA: Dự thảo Luật Nhà ở đang làm khó 'giấc mơ' 1 triệu căn nhà ở xã hội

Góp ý sửa đổi, bổ sung một số quy định của dự thảo Luật Nhà ở để thực hiện mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) nhận thấy một số quy định về chính sách nhà ở xã hội của dự thảo chưa phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư của Đảng để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

Theo HoREA, bất cập, hạn chế của Điều 43 và Điều 81 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) là đã không còn quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại góp phần thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Hiệp hội nhận thấy dự thảo đã đúng khi bỏ quy định bắt buộc chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có quy mô diện tích từ 10ha trở lên phải dành 20% diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội trong dự án. Bởi lẽ, không phải dự án nhà ở thương mại nào cũng phù hợp để xây dựng nhà ở xã hội trong cùng dự án, nhất là tại các dự án nhà ở cao cấp, dự án nhà ở trung cấp.

Nếu xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án này thì chi phí tạo lập quỹ đất rất cao (dù được miễn tiền sử dụng đất) và chi phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của dự án phân bổ cho diện tích đất nhà ở xã hội cũng rất cao dẫn đến giá thành, giá bán nhà ở xã hội sẽ rất cao (theo tính toán thì giá bán có thể lên đến trên dưới 40 triệu đồng/m2) vượt quá khả năng tài chính của đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội và sau này thì người mua nhà ở xã hội tại đây còn phải chịu chi phí quản lý, dịch vụ cao hàng tháng do cùng sinh sống trong khu vực nhà ở cao cấp, trung cấp. 

Tuy nhiên, Hiệp hội lại nhận thấy Điều 43 và Điều 81 dự thảo có thể đã không đúng khi không còn quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại góp phần phát triển nhà ở xã hội và Điều 81 lại xác định trách nhiệm của nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng kết nối giao thông của dự án, nhất là thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn vì ngân sách nhà nước cấp tỉnh có hạn.

Để thực hiện thành công chính sách nhà ở xã hội, HoREA cho rằng phải có 2 chính sách quan trọng nhất, trước hết là chính sách tín dụng hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi dài hạn cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội và phải có quỹ đất theo quy hoạch để phát triển nhà ở xã hội, mà muốn tạo quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội phải có sự hợp lực của nhà nước và các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại thông qua 2 kênh.

Một là, nhà nước thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn bằng nguồn vốn ngân sách trích 10% số thu tiền sử dụng đất và nguồn tài chính của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước để phát triển nhà ở xã hội.

Hai là, doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại các khu vực quy hoạch phát triển nhà ở xã hội để có quỹ đất thực hiện dự án nhà ở xã hội, hoặc doanh nghiệp sử dụng quỹ đất sẵn có để thực hiện dự án nhà ở xã hội.

Đối với khoản 5 Điều 13, khoản 2 Điều 16, khoản 4 Điều 26 Luật Nhà ở 2014, Hiệp hội cho biết đã đúng khi quy định các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải dành diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ đã thể chế hóa chủ trương của Đảng về xã hội hóa đầu tư để huy động nguồn lực từ các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại để góp phần thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Nhưng trong thực thi Luật Nhà ở 2014, hiệp hội này chỉ ra bất cập tại văn bản dưới luật, bởi lẽ khoản 1, khoản 2 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP) quy định các phương thức thực hiện nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại phải dành diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội nhưng lại không phù hợp với thực tiễn nên không đi vào cuộc sống, nhà nước không thu được các khoản tiền này vào ngân sách để phát triển nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, Điều 43 và Điều 81 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã bỏ quy định các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải thực hiện nghĩa vụ để góp phần phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ thì ngân sách nhà nước sẽ không còn được bổ sung nguồn vốn xã hội hóa từ các dự án nhà ở thương mại để góp phần cùng nhà nước phát triển nhà ở xã hội, mà thực chất là cả người mua nhà ở thương mại khi trả tiền mua nhà là đã cùng chung tay đóng góp hỗ trợ cho các đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội tạo lập được nhà ở xã hội, vì nghĩa vụ (trên đây) của chủ đầu tư đã được tính vào giá bán nhà ở thương mại. 

Một vấn đề nữa Hiệp hội nêu rằng nếu chỉ trích 10% tiền sử dụng đất thu từ các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn thì số tiền này không lớn, nhất là đối với các tỉnh vùng sâu vùng xa, ngay cả TP. HCM năm 2021 cũng chỉ thu tiền sử dụng đất được 7.560 tỷ đồng nên trích 10% thì cũng chỉ được 756 tỷ đồng.

Với số tiền ít ỏi này, HoREA nhận định khó thể dành để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng kết nối giao thông của các dự án; đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn và đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, nhất là nhà nước không có đủ ngân sách để thực hiện đền bù, tạo quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.

Do vậy, Hiệp hội đề xuất nên bổ sung thêm quy định UBND cấp tỉnh trích 10% tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn để phát triển nhà ở xã hội.

Bất cập thứ 5 mà HoREA phân tích là nếu bỏ quy định các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải thực hiện nghĩa vụ để góp phần phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ thì khó có thể thực hiện được mục tiêu đến năm 2025 phát triển 570.000 căn nhà ở xã hội, đến năm 2030 phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội và sẽ làm cho “giấc mơ” của đông đảo người dân là người thu nhập thấp đô thị, công nhân, lao động, cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ lực lượng vũ trang muốn được mua, thuê mua nhà ở xã hội ngày càng xa vời.  

Bất cập cuối cùng Hiệp hội chỉ rằng rất cần thiết bổ sung quy định các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải có trách nhiệm đóng góp nghĩa vụ tài chính để góp phần phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ vào Điều 43 và Điều 81 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để bổ sung một phần nguồn vốn xã hội hóa từ các dự án nhà ở thương mại để thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư là chủ trương lớn của Đảng nhằm huy động các nguồn lực xã hội của các thành phần kinh tế để góp phần phát triển kết cấu hạ tầng và phát triển nhà ở xã hội trong lĩnh vực nhà ở.

Hiệp hội đề xuất nghị định của Chính phủ sau khi có Luật Nhà ở (mới) sẽ quy định phương thức thực hiện nghĩa vụ của các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải có trách nhiệm đóng góp nghĩa vụ tài chính để góp phần phát triển nhà ở xã hội và sau khi hoàn thành nghĩa vụ với nhà nước, chủ đầu tư được bán toàn bộ sản phẩm của dự án nhà ở thương mại, cụ thể “chủ đầu tư nộp thêm vào ngân sách nhà nước một khoản tiền tương đương 20% tiền sử dụng đất của dự án nhà ở thương mại đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”.

Tin mới lên