Bất động sản

HoREA kiến nghị đổi tên Bộ Tài nguyên và Môi trường, xin xây dựng Bộ luật Đất đai

(VNF) – Trong một văn bản góp ý sửa đổi Luật Đất đai 2013, Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) đã kiến nghị bổ sung từ “Đất đai” vào tên gọi của Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện nay.

HoREA kiến nghị đổi tên Bộ Tài nguyên và Môi trường, xin xây dựng Bộ luật Đất đai

HoREA kiến nghị đổi tên Bộ Tài nguyên và Môi trường

Hiệp hội này cũng kiến nghị Chính phủ xây dựng "Bộ Luật Đất đai" với vị trí là một luật gốc, luật cơ bản, chứ không chỉ đơn thuần là một luật như hiện nay.

Cũng trong văn bản này, HoREA đã nêu một loạt kiến nghị bãi bỏ/sửa đổi một số quy định của Luật Đất đai 2013.

Cụ thể, hiệp hội kiến nghị bãi bỏ quy định "Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 05 năm một lần" tại Điều 113 Luật Đất đai; giao toàn quyền cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành "Bảng giá đất”.

Theo hiệp hội, có làm được như vậy thì mới đảm bảo nguyên tắc giá đất "phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường" và phù hợp với thực tế tình hình của địa phương.

HoREA cũng cho rằng 4 phương pháp định giá đất (so sánh trực tiếp; chiết trừ; thu nhập; thặng dư), để xác định "giá đất cụ thể" theo Nghị định 44/2014/NĐ-CP hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập.

“Kết quả thực hiện định giá đất theo phương pháp thu nhập và theo phương pháp thặng dư cho kết quả khá chênh lệch. Riêng cách tính theo phương pháp thặng dư đều cho kết quả theo hướng làm tăng doanh thu dự án, làm giảm chi phí thực mà chủ đầu tư đã bỏ ra, dẫn đến xác định tiền sử dụng đất cao hơn, không đúng với chi phí thực tế đã bỏ ra”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, bình luận.

HoREA đề nghị thay đổi cách tính khấu trừ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng để tính tiền sử dụng đất dự án, đảm bảo công bằng cho chủ đầu tư dự án. Nguyên do là hiện nay, mức khấu trừ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng quá thấp, chỉ chiếm khoảng 20% chi phí bồi thường thực tế mà doanh nghiệp đã bỏ ra. Do vậy, doanh nghiệp gần như đã phải mua lại quyền sử dụng đất lần thứ hai khi nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước.

“Phần chi phí không được khấu trừ này không được tính vào chi phí doanh nghiệp nên doanh nghiệp lại phải chịu thêm thuế thu nhập doanh nghiệp, mà cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu khi mua nhà”, ông Châu phân tích.

Ngoài nội dung này, HoREA cũng nêu các kiến nghị khác về điều chỉnh cách tính hệ số sử dụng diện tích sàn kinh doanh căn hộ của Hội đồng thẩm định giá đất thành phố; xin không tính doanh thu bãi trông xe vào doanh thu dự án; đề nghị tính giá bán căn hộ và doanh thu dự án phù hợp với thực tế thị trường, có tính đến xu hướng và mức độ biến động của giá thị trường và các yếu tố khác hình thành doanh thu, trên cơ sở chỉ số giá bình quân của khu vực, chứ không chỉ căn cứ vào giá giao dịch thành của một trường hợp đơn lẻ…

Tin mới lên