Tiêu điểm

HSBC: Kinh tế đang 'vượt khỏi vòng nguy hiểm' nhưng 'vẫn cần cẩn trọng'

(VNF) - HSBC cho rằng kinh tế Việt Nam đang "vượt khỏi vòng nguy hiểm" nhưng những yếu tố hỗ trợ kinh tế vĩ mô vẫn còn mỏng, thâm hụt ngân sách cao và vẫn cần "một chính sách tài chính và tiền tệ cẩn trọng hơn".

HSBC: Kinh tế đang 'vượt khỏi vòng nguy hiểm' nhưng 'vẫn cần cẩn trọng'

Báo cáo Triển vọng Kinh tế Việt Nam - tháng 6/2016 của Khối Nghiên cứu kinh tế - Ngân hàng HSBC nhận định, những chỉ số khả quan trong tháng 5 vừa qua đã phần nào minh chứng nền kinh tế Việt Nam đang vượt khỏi vòng nguy hiểm, tăng trưởng có thể đạt mức 6,3% trong năm 2016. 

Số liệu tháng 5 cho thấy GDP tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước trong quý II/2016. Trái ngược với chỉ số PMI suy yếu của cả khu vực, chỉ số Nhà quản trị mua hàng PMI vẫn liên tục tăng trong tháng 5 và đạt mốc cao nhất trong 10 tháng trở lại đây là 52,7 điểm. Số lượng đơn hàng mới tăng mạnh, cho thấy hoạt động sản xuất vẫn có thể tiếp tục phát triển trong tháng 6.

Trong khi đó, cả sản xuất công nghiệp lẫn xuất khẩu vẫn đang không ngừng gia tăng trong quý II/2016. HSBC kỳ vọng sản lượng nhóm ngành sản xuất và dịch vụ phát triển mạnh sẽ giúp GDP quý II/2016 tăng từ 5,6% trong quý I lên 6,1% so với cùng kỳ năm trước

Tuy nhiên, HSBC bày tỏ lo ngại về các mục tiêu vĩ mô. "Cơ quan quản lý mới của Việt Nam đã khẳng định mục tiêu GDP cho năm 2016 vẫn sẽ là 6,7%. Chúng tôi nghĩ mục tiêu này sẽ khó đạt được trong bối cảnh tăng trưởng quý I/2016 thể hiện không tốt cùng với những khó khăn vượt mức kỳ vọng đối với hoạt động xuất khẩu", báo cáo viết.

"Điều khiến chúng tôi lo ngại là các cơ quan quản lý sẽ cố nới lỏng điều kiện tín dụng hơn nhằm kích thích chi tiêu trong khối tư nhân. Chính phủ dường như sẽ đưa ra chính sách khuyến khích tăng trưởng kinh tế, nhiều khả năng sẽ cho phép Ngân hàng Nhà nước tăng tăng trưởng tín dụng mà đang ở mức 17,3% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 4/2016 lên gần mốc 20% trong nửa cuối năm nay", HSBC cho biết.

Ngoài ra, HSBC nhận định  thâm hụt ngân sách của Việt Nam đang tăng do tỷ lệ nợ công của Việt Nam đã thực sự cao. Ngân hàng này ước tính nợ công Việt Nam (bao gồm nợ nước ngoài và trong nước - đáng chú ý là của chính quyền trung ương và địa phương, cộng với bảo lãnh chính phủ) đã tăng từ 59,6% nằm 2014 lên 63,3% GDP vào cuối năm 2015.

Vấn đề nợ ngày càng trầm trọng hơn do lạm phát chậm lại (ảnh hưởng đến GDP danh nghĩa) và đồng tiền Việt Nam mất giá (làm tăng giá trị nợ nước ngoài).

Trong năm 2016, khối nghiên cứu này dự đoán thâm hụt ngân sách một lần nữa bị nới rộng đến mức 6,6% trên GDP, dẫn đến tỷ lệ nợ công trên GDP đạt ngưỡng giới hạn do Quốc hội đề ra là 65%.

HSBC lo ngại khi chính sách khuyến khích tăng trưởng kinh tế càng lớn, càng nhiều rủi ro đang chờ đón Việt Nam vì các yếu tố hỗ trợ kinh tế vĩ mô vẫn còn khá mỏng. Theo đó, những nguy cơ Việt Nam phải đối mặt bao gồm: yếu tố hỗ trợ dự trữ ngoại hối thấp, ngành ngân hàng vẫn đang phải vật lộn với hậu quả khủng hoảng tài chính trong nước năm 2011, lạm phát tuy nằm trong vòng kiểm soát nhưng vẫn tăng đều.

"Để giành lại cơ hội tài chính, Việt Nam cần nỗ lực mở rộng cơ sở doanh thu và giảm thiểu chi tiêu hiện tại, nhưng những cải cách này không thể thực hiện một sớm một chiều. Hiện tại, chúng tôi nghĩ tăng trưởng tuy chậm nhưng bền vững là điều cần hướng đến", HSBC khuyến nghị.

Tin mới lên