Tài chính tiêu dùng

HSBC: Sinh viên đại học làm thêm nhiều hơn đi học

(VNF) - Báo cáo mới nhất của Tập đoàn HSBC về đề tài giáo dục nhan đề “Giá trị của giáo dục - Cái giá của thành công” cho thấy, sinh viên đại học trên khắp thế giới đang chăm chỉ làm thêm bên cạnh việc học để bù đắp cho khoản chênh lệnh đáng kể giữa chi phí thực tế với số tiền được hỗ trợ từ cha mẹ.

HSBC: Sinh viên đại học làm thêm nhiều hơn đi học

Ảnh minh hoạ.

Cuộc nghiên cứu của HSBC có sự tham gia của hơn 10.000 bậc cha mẹ và 1.500 sinh viên ở 15 quốc gia/ lãnh thổ. Theo kết quả nghiên cứu, sinh viên trên thế giới ước tính chi trung bình 34.658 USD cho học phí, ăn ở, chi trả các hóa đơn và các tiêu dùng cá nhân trong suốt thời gian học đại học hoặc sau đại học.

Vì vậy, mặc dù được cha mẹ hỗ trợ 16.338 USD, họ vẫn phải đối mặt với sự thiếu hụt tài chính đáng kể vào khoảng 18.320 USD và phải tìm cách bù đắp từ các nguồn khác.

Chỉ có 7% các bậc cha mẹ tham gia khảo sát cho biết ông bà của các sinh viên đã giúp bù đắp phần nào khoản thiếu hụt này, trong khi phần lớn dựa vào bạn bè, các chương trình học bổng, cho vay học tập và thu nhập của chính sinh viên. Đáng lo là, trong suốt thời gian đi học, sinh viên dành trung bình 1.101 USD để trả nợ (thẻ tín dụng, vay tiêu dùng, vay học tập). Số tiền này nhiều hơn mức chi cho sách vở (780 USD).

Ngoài các khoản hỗ trợ từ gia đình, nhiều sinh viên đã tìm đến các công việc bán thời gian. Có 30% sinh viên tham gia khảo sát nói rằng họ đi làm thêm để trang trải một phần chi phí học tập.

Tỷ lệ sinh viên trên thế giới đi làm rất cao, cứ 5 sinh viên thì có 4 người (83%) vừa học vừa làm, hầu hết là do họ cần kiếm thêm tiền (53%).

Sinh viên dành phần lớn thời gian để kiếm thêm thu nhập - trung bình là 3,4 giờ mỗi ngày, nhiều hơn thời gian họ lên giảng đường và học nhóm (2,7 giờ), học ở nhà (2,5 giờ) hoặc ở thư viện (1,6 giờ).

Một nghiên cứu riêng về chủ đề này cho thấy làm thêm vượt quá 20 giờ mỗi tuần sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến điểm số của sinh viên. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng cho thấy sinh viên có số giờ làm thêm từ 10-19 giờ mỗi tuần có kết quả học tập tốt hơn những sinh viên khác.

Mỹ là nơi sinh viên phải đương đầu với thử thách tài chính lớn nhất. Chênh lệch giữa tổng số tiền họ cần để trang trải cho toàn bộ thời gian học và mức hỗ trợ từ cha mẹ là 82.103 USD. Khoản chênh lệch cũng đáng kể tại Canada (46.923 USD), Vương quốc Anh (42.275 USD) và Australia (25.450 USD)

Hầu hết các bậc cha mẹ không muốn con cái họ đi làm trong thời gian đi học, với 77% dự trù sẽ chi trả cho các chi phí sống thiết yếu để con cái họ có thể chuyên tâm học tập. Dưới áp lực về tài chính và sự thiếu vắng một kế hoạch tài chính dài hạn, nhiều bậc cha mẹ buộc phải hy sinh một số nhu cầu cá nhân để hỗ trợ cho việc học hành của con cái.

Trong số này, hơn phân nửa (53%) nói rằng thời điểm con cái bước chân vào đại học là khởi đầu những ngày vất vả, khiến họ phải tiết giảm các hoạt động giải trí như ăn uống tại các nhà hàng hay đi xem phim. Có 47% trong số họ phải giảm bớt các kì nghỉ và 35% phải làm thêm giờ hoặc nhận thêm một công việc khác.  

Dù có mong muốn chính đáng và sự sẵn lòng hy sinh, nhiều bậc cha mẹ không biết rõ về chi phí thực tế của đời sống sinh viên. Hơn 1/4 (26%) không biết họ phải chi bao nhiều cho việc học đại học của con cái.

Ngoài ra, gần phân nửa các bậc cha mẹ trong cuộc khảo sát (49%) đều ước rằng giá mà họ bắt đầu tiết kiệm sớm hơn cho ngân sách học tập của con cái. Hơn 1/4 (26%) các bậc cha mẹ ước rằng giá mà họ đã dạy cho con cái nhiều hơn về cách quản lý tiền bạc, trong khi 17% nói rằng lẽ ra họ nên trao đổi với con về các vấn đề tài chính cá nhân sớm hơn.

Tuy nhiên, không phải tất cả sinh viên đều đi làm với mục đích kiềm tiến trang trải việc học. Nhiều người xem công việc bán thời gian là cách giúp họ nâng cao kỹ năng làm việc trong một thị trường lao động ngày càng cạnh tranh.

Có 43% trong số các sinh viên nói rằng họ vừa học vừa làm để tích lũy kinh nghiệm nhằm có được công việc tốt hơn sau khi tốt nghiệp. Trung Quốc dẫn đầu về xu thế này, với 75% sinh viên đi làm để tích lũy kinh nghiệm, so với chỉ 24% tại Vương quốc Anh.

Nghiên cứu của HSBC đã cho thấy rõ rằng nhiều bậc cha mẹ sẵn sàng lo liệu chi phí học đại học cho con cái, nhưng trong thực tế, tổng chi phí thường cao hơn nhiều so với dự kiến của họ. Về phía sinh viên, khi đương đầu với các thách thức về tài chính, nhiều người đang tìm kiếm các nguồn thay thế như đi làm thêm và vay mượn từ bạn bè, gia đình hoặc các chương trình cho vay cá nhân.

“Ngoài ra, hơn 1/4 cha mẹ không biết rõ về chi phí thực tế khi lên kế hoạch tài chính cho việc học của con cái và gần 1/3 nói rằng giá mà họ tính toán ngân sách học đại học cho con từ sớm. Những con số này cho thấy tầm quan trọng của việc lên kế hoạch và những cuộc thảo luận thẳng thắn trong gia đình về ngân sách học tập để giúp giảm bớt các áp lực tài chính cho cả sinh viên và cha mẹ”, ông Jonathan Nabrotzky, Giám đốc toàn cầu phụ trách Mạng lưới chi nhánh, Tập đoàn HSBC, đánh giá.

Cũng theo ông Jonathan Nabrotzky, kết quả nghiên cứu cũng đưa ra những lời khuyên thiết thực nhằm giúp các bậc cha mẹ lập kế hoạch tài chính cho việc học tập của con cái: Bắt đầu lập kế hoạch từ sớm; Thực tế về các khoản chi phí; Rèn luyện các thói quen tài chính tốt; Trau dồi nhiều kỹ năng.

Tin mới lên