Ngân hàng

Huy động thêm TPCP thời điểm hiện tại là không thực sự cần thiết

(VNF) – Theo đánh giá của SSI, với tốc độ giải ngân vốn ngân sách và vốn trái phiếu chậm (hết 6 tháng vốn TPCP mới giải ngân được 5,2 nghìn tỷ, bằng 10,4% kế hoạch), việc huy động thêm TPCP cũng không thực sự cần thiết bởi vừa gây lãng phí nguồn lực vừa gia tăng nợ công.

Huy động thêm TPCP thời điểm hiện tại là không thực sự cần thiết

SSI nhìn nhận, huy động thêm TPCP ở thời điểm hiện tại không thực sự cần thiết bởi vừa gây lãng phí nguồn lực vừa gia tăng nợ công.

Thanh khoản ổn định, 4 nghìn tỷ tín phiếu quay trở lại hệ thống

Theo bản tin thị trường tiền tệ tuần từ 14-18/8 của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), lãi suất liên ngân hàng tiếp tục nhích tăng tuần thứ hai liên tiếp nhưng mức tăng không lớn. Lãi suất kỳ hạn qua đêm tăng 9 điểm% lên 0,76%, kỳ hạn 1 tuần tăng nhẹ 2 điểm% và vẫn ở dưới ngưỡng 1%, trong khi kỳ hạn 1 tháng giảm nhẹ 2 điểm% giao dịch ở mức 1,67% tại thời điểm cuối tuần.

NHNN phát hành tín phiếu trong cả 5 phiên giao dịch với lãi suất phát hành giữ ở mức 0,3%. Tổng khối lượng phát hành cả tuần đạt 21 nghìn tỷ. Trong khi đó có 25 nghìn tỷ phát hành từ tuần trước, đồng nghĩa đã có 4 nghìn tỷ quay trở lại hệ thống.

Lãi suất đặt thầu tăng mạnh, phát hành TPCP gặp khó khăn

KBNN tiếp tục thận trọng chỉ gọi thầu 3 nghìn tỷ trái phiếu trong tuần qua, bao gồm 3 kỳ hạn 5, 10 và 15 năm. Tuy nhiên, đã không có bất kỳ kỳ hạn nào phát hành thành công. Khối lượng đặt thầu giảm mạnh xuống mức thấp nhất từ đầu năm xấp xỉ 3,48 nghìn tỷ, trong đó kỳ hạn 5 năm chiếm gần 80%, khối lượng đặt thầu cho các kỳ hạn 10 và 15 năm rất thấp, chỉ đat 251 tỷ và 517 tỷ trên 1.000 tỷ chào thầu cho mỗi kỳ hạn. Mặt khác, lãi suất đặt thầu tăng khá mạnh. Lãi suất đặt thầu thấp nhất cho 3 kỳ hạn 5, 10, và 15 năm đã tăng lần lượt 10 điểm%, 17 điểm% và 40 điểm%.

SSI nhìn nhận, biến chuyển về kỳ vọng lãi suất và thanh khoản hệ thống ngân hàng đang gây nhiều khó khăn cho hoạt động huy động vốn trái phiếu của KBNN.

KBNN mới đây đã điều chỉnh kế hoạch phát hành trái phiếu theo hướng giảm kỳ hạn 5 năm từ 80,3 xuống 49,3 nghìn tỷ và tăng lượng phát hành các kỳ hạn dài trên 7 năm. KBNN đã huy động được tổng cộng 204.5 nghìn tỷ và theo kế hoạch thì từ nay tới cuối năm chỉ cần phải huy động thêm 38,8 nghìn tỷ.

Theo đánh giá của SSI, với tốc độ giải ngân vốn ngân sách và vốn trái phiếu chậm (hết 6 tháng vốn TPCP mới giải ngân được 5,2 nghìn tỷ, bằng 10,4% kế hoạch), việc huy động thêm TPCP cũng không thực sự cần thiết bởi vừa gây lãng phí nguồn lực vừa gia tăng nợ công.

Theo ước tính của SSI, lượng TPCP huy động ròng (phát hành mới trừ đáo hạn) trong 7 tháng đầu năm 2017 là khoảng 120 nghìn tỷ, còn trong năm 2016 là gần 200 nghìn tỷ. Đây là một nguyên nhân khiến tỷ lệ nợ công/GDP tăng hàng năm.

Lợi tức trái phiếu tiếp tục tăng, khối ngoại bán ròng mạnh nhất 3 tháng

Trái với diễn biến trên thị trường sơ cấp, thị trường trái phiếu thứ cấp giao dịch khá sôi động. Giá trị giao dịch bình quân duy trì trên 10 nghìn tỷ/phiên, tổng giá trị giao dịch cả tuần đạt 52 nghìn tỷ. Lợi suất trái phiếu tiếp tục tăng khá mạnh, trong đó tăng mạnh nhất là kỳ hạn 1 năm tăng +15điểm% lên 3.49% mức cao nhất trong hơn 1 tháng, kỳ hạn 10 năm tăng 7 điểm% và 15 năm tăng 9 điểm%, các kỳ hạn còn lại tăng ít hơn từ 1 – 5 điểm%.

Giao dịch của khối ngoại cũng gia tăng đáng kể, chiếm 3,6% giao dịch toàn thị trường. Lợi tức trái phiếu chuyển sang xu hướng đi lên khiến áp lực chốt lời tăng mạnh, giao dịch bán ra lấn át khiến khối ngoại quay trở lại bán ròng 1.186 tỷ, mức bán ròng mạnh nhất trong 3 tháng.

CDS trái phiếu Việt Nam không biến động nhiều nhưng phân hóa giữa các kỳ hạn. CDS kỳ hạn 1 năm tăng nhẹ trong khi các kỳ hạn dài hơn đều giảm nhẹ, phản ánh nhà đầu tư đang tỏ ra thận trọng hơn trong ngắn hạn.

USD đi ngang, thị trường ngoại hối ổn định

Thị trường ngoại hối không có nhiều biến động. Giá trị đồng USD tăng nhẹ nhưng vẫn ở mức thấp. Chỉ số DXY tăng 0,39% lên 93,43 điểm trong phiên giao dịch cuối tuần. Tỷ giá các ngoại tệ khác biến động không lớn so với USD, riêng GBP/USD giảm -1,15% trong bối cảnh Anh vẫn đang đối mặt với nhiều vấn đề từ Brexit.

Tại thị trường trong nước, tỷ giá USD tiếp tục đi ngang. Tỷ giá trung tâm được điều chỉnh tăng thêm 8 đồng lên 22.450 đồng, tỷ giá thực tế giữ ở 22.690/22.760 đồng trên thị trường ngân hàng và 22.725/22.740 đồng trên thị trường tự do.

Trên thị trường vàng, giá vàng trong nước và quốc tế cùng điều chỉnh giảm nhẹ. Giá vàng thế giới giảm 0,42% xuống 1.284 USD/ounce, vàng trong nước gần như giữ nguyên và giao dịch tại 36,37/36,43 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá vàng hiện khá thấp, chỉ khoảng 1,2 triệu đồng/lượng (3,3%).

Tin mới lên