Tiêu điểm

Ì ạch tìm lối thoát cho các đại dự án thua lỗ

Tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương là một trong 6 nhiệm vụ đặt ra trong Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 -2020.

Ì ạch tìm lối thoát cho các đại dự án thua lỗ

Dự án Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ (PVTex) nhiều năm không thoát khỏi khó khăn, đắp chiếu. Ảnh: Nguyễn Bằng

Sau gần 4 năm triển khai tái cơ cấu, xử lý triệt để các vấn đề mà 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương, đến nay hầu hết các dự án vẫn trong cảnh “bị treo” dù Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều chỉ đạo với hàng loạt các cuộc họp để giải quyết.

Theo các số liệu được cập nhật tại cuộc họp của Chính phủ về các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương hồi tháng 3/2021, đã có 3 dự án (DAP-1 Hải Phòng, Nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Nhiên liệu sinh học Bình Phước) ra khỏi diện theo dõi, chỉ đạo xử lý của Ban Chỉ đạo.

Một số dự án đã duy trì vận hành sản xuất, có sản phẩm, giải quyết việc làm cho người lao động nhưng còn nhiều khó khăn, lỗ lũy kế lớn. Một số dự án còn dở dang hoặc dừng hoạt động. Có 5 dự án tranh chấp hợp đồng EPC đã đàm phán nhiều lần nhưng không thành công. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, do việc chưa quyết toán được hợp đồng EPC nên các dự án trên không đủ cơ sở pháp lý để thoái vốn.

Còn theo báo cáo của Chính phủ, cho đến cuối năm 2020, chỉ có nhà máy Sản xuất phân bón DAP1 - Hải Phòng được đưa ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ vì đã có lãi. Nhà máy thép Việt Trung đã bắt đầu có lãi nhưng sau đó cũng lại quay lại cảnh khó khăn chồng chất. Có 2 dự án giảm được lỗ nhưng chưa xét tổng thể việc giảm lỗ vẫn dựa vào khoanh nợ, tái cơ cấu thời hạn trả nợ hoặc giảm lãi suất.

Theo báo cáo, việc xử lý các dự án thua lỗ này vẫn đang bế tắc do không xác định, phân định rõ trách nhiệm và cơ quan khiến xử lý không đúng thẩm quyền, thậm chí đùn đẩy, không dám làm. Bên cạnh đó yêu cầu xử lý lại cố hữu, thường bám lấy nguyên tắc “bảo toàn vốn nhà nước” theo cách cố lấy lại giá trị như giá trị sổ sách, trong khi thực tế ở nhiều dự án đã âm vốn, khiến các dự án không thể thoát được vòng luẩn quẩn.

Cũng theo báo cáo của Chính phủ cho đến cuối năm 2020, tổng nợ phải trả của 12 dự án thua lỗ, yếu kém chậm tiến độ lên đến hơn 63.300 tỷ đồng, tổng vốn chủ sở hữu đã âm tới 7.200 tỷ đồng.

Số liệu cập nhật của các dự án cho thấy, các dự án Gang thép Thái Nguyên, Thép Việt Trung và Xơ sợi Đình Vũ đang được tiếp tục xử lý tái cơ cấu các dự án. Trong đó, dự án mở rộng Tisco giai đoạn II có tổng mức đầu tư điều chỉnh hơn 8.100 tỷ đồng đến nay vẫn trong tình trạng “án binh bất động” do thiếu vốn. Tổng dư nợ phải trả của Tisco đến hết quý I/2021 lên hơn 7.733 tỷ đồng trên tổng tài sản 9.682 tỷ đồng. Bình quân mỗi ngày công ty phải trả tới hơn một tỷ đồng tiền lãi.

Dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ đã dừng thi công và đóng băng từ năm 2011 không khác gì đã phá sản, nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng. 2 dự án Ethanol Bình Phước, Ethanol Quảng Ngãi đã dừng hoạt động theo quyết định của cổ đông đa số đầu tư 70% vốn. 5 dự án đang bế tắc vì tranh chấp hợp đồng EPC với nhà thầu (DAP số 2 - Lào Cai, Đạm Hà Bắc, Dự án Đạm Ninh Bình, Công nghiệp tàu thủy Dung Quất, Gang thép Thái Nguyên).

Bế tắc nhất trong số 12 dự án là dự án nhà máy bột giấy Phương Nam (Vinapaco), đã 4 lần đấu giá nhưng không có ai quan tâm, trong khi theo các chuyên gia trong ngành, bên cạnh tính hiệu quả của dự án, không ai dại gì đổ tiền vào dự án này với quá nhiều thủ tục thanh quyết toán và pháp lý cần giải quyết nếu sang tên.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị khẩn trương giải quyết công việc tồn đọng, liên quan 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương. Theo đó, cần lựa chọn phương án tốt nhất trong các phương án có thể, nhìn thẳng vào sự thật và đối mặt sự thật để giải quyết, chọn một vài dự án để xử lý khắc phục, vừa làm vừa mở rộng, rút kinh nghiệm.

 

Tin mới lên