Học thuật

Ích lợi cận biên là gì?

(VNF) - Cùng VietnamFinance tìm hiểu Ích lợi cận biên (marginal utility) là gì?

Ích lợi cận biên là gì?

Ích lợi cận biên (marginal utility) là mức tăng ích lợi của một cá nhân nhận được khi sử dụng hay tiêu dùng thêm một đơn vị hàng hóa hay dịch vụ.

Ích lợi cận biên (marginal utility) là mức tăng ích lợi của một cá nhân nhận được khi sử dụng hay tiêu dùng thêm một đơn vị hàng hóa hay dịch vụ. Đôi khi nó còn được gọi là ích lợi tăng thêm. Chẳng hạn, tổng ích lợi (hay mức thỏa mãn) của một người tăng khi anh ta có thêm một đôi giày. Ích lợi cận biên mang dấu dương, nhưng giảm dần. Ví dụ, một người có hai đôi giày sẽ có thêm ích lợi nếu mua thêm một đôi giày nữa, nhưng mức ích lợi tăng thêm này thấp hơn mức ích lợi tăng thêm khi anh ta đang có một đôi giày và mua thêm một đôi giày nữa. Hiện tượng này được gọi là quy luật ích lợi cận biên giảm dần.

Không nên nhầm lẫn giữa ích lợi cận biên và tổng ích lợi. Tổng ích lợi là tổng số ích lợi thu được từ tất cả các đơn vị hàng hóa tiêu dùng, còn ích lợi cận biên là tổng số ích lợi thu được khi sử dụng hay tiêu dùng thêm một đơn vị hàng hóa. Sự khác biệt này cho phép chúng ta lý giải được cái gọi là nghịch lý của giá trị. Nước có giá trị cao, tổng ích lợi của nó lớn, nhưng do rất sẵn nên có ích lợi cận biên rất thấp. Kim cương có tổng ích lợi thất, nhưng do khan hiếm nên có ích lợi cận biên cao. Cùng với hàm cung cho trước của nước và kim cương, thực tế này góp phần xác định giá của chúng. Những mặt hàng có ích lợi cận biên thấp (nước) đòi hỏi giá thấp, còn mặt hàng có ích lợi cận biên rất cao (kim cương) đòi hỏi giá rất cao.

Khi có sự thay đổi ích lợi, chẳng hạn do sự thay đổi từ hai đôi giày lên ba đôi giày, người ta có thể sử dụng toán học để tính toán mức thay đổi. Trong quá trình tính toán, những thay đổi như thế được gọi là đạo hàm (hay vi phân) bậc nhất, và ích lợi cận biên chính là đạo hàm (hay vi phân) bậc nhất của hàm tổng ích lợi, còn tốc độ thay đổi của những thay đổi đó là đạo hàm bậc hai.

(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Tin mới lên