Công nghệ

ICT tuần qua: Mỹ muốn hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghệ 5G, Thủ tướng gợi ý đổi tên Bộ TT&TT

(VNF) - Thủ tướng gợi ý đổi tên Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thành Bộ Truyền thông và Kinh tế số; Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển 5G... là những tin tức công nghệ thông tin và viễn thông (ICT) đáng chú trong tuần qua.

ICT tuần qua: Mỹ muốn hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghệ 5G, Thủ tướng gợi ý đổi tên Bộ TT&TT

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tiếp ông Ajit Pai, Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Hoa Kỳ

Công bố 10 sự kiện ICT nổi bật trong năm 2019

Ngày 26/12, Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam (ICT Press Club) đã tổ chức lễ công bố 10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2019.

Theo ông Nguyễn Việt Phú, Chủ nhiệm ICT Press Club, bức tranh ICT Việt Nam năm 2019 với 3 điểm nhấn căn bản là việc triển khai các hoạt động để xây dựng Chính phủ điện tử, chiến lược Make in Việt Nam để người Việt tự tin làm chủ công nghệ và Cách mạng 4.0 đem lại sự bứt phá cho nền kinh tế.

Danh sách 10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2019 bao gồm: Bộ Chính trị ra Nghị quyết về Cách mạng 4.0; Xét xử vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG; Viêt Nam tuyên bố chiến lược Make in Vietnam; Việt Nam thử nghiệm mạng 5G; Bộ TT&TT siết chặt quản lý Google và Facebook; Vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia;

Chính phủ đồng ý cho nhà mạng thí điểm Mobile Money; Ra mắt một loạt mạng xã hội Việt Nam; Xét xử giai đoạn 2 vụ đánh bạc nghìn tỷ qua mạng và Chính phủ vận hành hệ thống E-Cabinnet. (Xem thêm)

Bộ TT&TT thực hiện hơn 1.200 cuộc thanh tra trong năm 2019

Thanh tra Bộ TT&TT vừa tổ chức hội nghị tổng kết công tác thanh tra ngành TT&TT năm 2019 và định hướng công tác thanh tra năm 2020.

Theo báo cáo của Thanh tra Bộ TT&TT, năm 2019, thanh tra ngành TT&TT đã chuyển mạnh từ thanh tra sang giám sát, nắm tình hình, thu thập thông tin, phát hiện cảnh báo sớm; chuyển dịch từ thanh tra định kỳ sang thanh tra các vấn đề nóng, phức tạp, nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội. Tiến hành công khai các kết luận thanh tra trên cổng thông tin điện tử của Bộ để cơ quan báo chí và nhân dân biết, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cũng trong năm 2019, thanh tra toàn ngành TT&TT đã triển khai tổng cộng hơn 1.200 cuộc thanh tra tại gần 4.100 đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, đại lý hoạt động trong các lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, tần số vô tuyến điện, báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình và thông tin điện tử... (Xem thêm)

Baomoi.com "thoắt ẩn, thoắt hiện" trong danh sách kết quả tìm kiếm của Google

Sau nhiều ngày bất ngờ "biến mất" trên Google, website thu thập tin tức tự động từ các trang báo và tạp chí điện tử chính thống khác là baomoi.com đã trở lại trong danh sách kết quả tìm kiếm của Google.

Theo đó, người dùng đã có thể tìm kiếm trang baomoi.com trên Google bằng cách nhập các từ khóa liên quan đến trang thông tin này.

Sự trở lại của baomoi.com trên Google xóa tan những lời đồn đoán trong những ngày qua về việc trang thông tin này bị Google "xóa sổ".

Cho đến nay, cả baomoi.com và Google chưa đưa ra bất cứ bình luận nào có liên quan đến sự kiện này.

Trước đó như VietnamFinance đã thông tin, từ ngày 21/11/2019, công cụ tìm kiếm Google đã không còn hiển thị bất kỳ thông tin nào liên quan đến trang thông tin baomoi.com.

Theo đó, khi người dùng gõ bất kỳ từ khóa nào liên quan đến trang baomoi.com trên công cụ tìm kiếm Google đều không ra kết quả nào. Mọi thông tin liên quan đến trang tổng hợp tin tức này đều đã biến mất trên Google. (Xem thêm)

Mỹ muốn hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghệ 5G

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng vừa có buổi tiếp ông Ajit Pai, Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Hoa Kỳ liên quan đến kế hoạch phát triển công nghệ 5G của 2 nước.

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã giới thiệu về kế hoạch phát triển 5G của Việt Nam, theo đó Việt Nam sẽ thương mại hóa 5G vào năm 2020 và hiện tại đã thí điểm triển khai 5G tại một số thành phố trong năm 2019.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng rất quan tâm sản xuất thiết bị hạ tầng và điện thoại 5G. Việt Nam cũng là nước tích cực nhất trong ASEAN về phát triển 5G với việc tổ chức một số hội nghị, hội thảo trong lĩnh vực này tại Việt Nam có sự tham gia của tất cả các nước thành viên ASEAN.

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất phía Hoa Kỳ chia sẻ các tiêu chuẩn đánh giá thiết bị 5G và tổ chức xem xét đánh giá các thiết bị 5G Việt Nam có đạt tiêu chuẩn vào thị trường Mỹ hay không.

Tại buổi tiếp, phía Hoa Kỳ khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển 5G thông qua các hoạt động như chia sẻ về các tiêu chuẩn an ninh mạng với các đơn vị hữu quan của Bộ, hỗ trợ đánh giá các thiết bị có bảo đảm về an toàn thông tin hay không, hỗ trợ đào tạo cán bộ trong lĩnh vực an ninh mạng… (Xem thêm)

Bộ TT&TT muốn 'khai tử' mạng 2G vào năm 2022

Hướng tới mục tiêu thương mại hóa mạng di động 5G vào năm 2020, Bộ TT&TT đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án dừng công nghệ di động cũ 2G vào năm 2022.

Lý do tắt sóng mạng 2G theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng là do hiện nay trên mạng viễn thông Việt Nam đang tồn tại đồng thời 3 công nghệ di động mặt đất là GSM (2G) triển khai năm 1990, IMT 2000 (3G) triển khai từ năm 2009 và LTE-A (4G) triển khai từ 2016 và dự kiến triển khai thương mại 5G trong năm 2020.

"Như vậy thì từ 2021, trên mạng viễn thông Việt Nam tồn tại đồng thời 4 công nghệ di động. Việc duy trì cùng lúc 4 công nghệ này bắt buộc các doanh nghiệp phải duy trì vận hành, khai thác 4 mạng di động riêng biệt, gây tốn kém cho doanh nghiệp, tài nguyên tần số bị chia nhỏ và doanh nghiệp không tập trung nguồn lực để tham gia vào công nghệ di động mới", người đứng đầu Bộ TT&TT nói.

Theo lãnh đạo Bộ TT&TT, việc loại bỏ công nghệ 2G cho phép giải phóng băng tần cho các công nghệ di động mới, giúp doanh nghiệp tiết kiệm và giảm chi phí khai thác, dành hạ tầng thụ động để phát triển các trạm phát sóng 5G.

Cùng với việc đưa ra lộ trình tắt sóng 2G, Bộ TT&TT cho biết đã cấp phép thử nghiệm 5G cho các doanh nghiệp viễn thông di động gồm Viettel, VNPT và MobiFone. Trong năm 2020, Bộ sẽ thúc đẩy quá trình thương mại hóa công nghệ 5G. (Xem thêm)

Thủ tướng gợi ý đổi tên Bộ Thông tin và Truyền thông thành Bộ Truyền thông và Kinh tế số

Phát biểu chị đạo tại hội nghị tổng kết công tác Bộ TT&TT năm 2019 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2020, tổ chức ngày 28/12, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của Bộ trong việc xây dựng được cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam làm nền tảng để phát triển nền kinh tế số.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ TT&TT phải trình Chính phủ ban hành Chỉ thị ngay trong tháng 1 để tiến tới trình Chính phủ chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh “Make in VietNam” là một định hướng lớn, là tuyên bố về sự chuyển dịch từ gia công sang làm chủ và sáng tạo về công nghệ tập trung các giải pháp phát triển Việt Nam.

Sắp tới, trong nhiệm kỳ mới, Bộ TT&TT mang tên gì cho xác đáng thì sẽ được thảo luận trong Chính phủ nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất một tên mới để thảo luận là "Bộ Truyền thông và Kinh tế số".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ coi kinh tế số là động lực quan trọng phát triển quan trọng để đưa Việt Nam tiến nhanh, đi tắt trong phát triển. Do đó, Bộ TT&TT phải đặt vấn đề phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nói chung và doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nói riêng là định hướng quan trọng để xây dựng Việt Nam thành nước công nghệ phát triển.

Từ đó, Thủ tướng gợi ý Bộ TT&TT nghiên cứu về tên gọi mới là Bộ Truyền thông và Kinh tế số với hàm ý này. (Xem thêm)

Tin mới lên