Thị trường

IJC xin giảm 50% vốn điều lệ: Chỉ là chiêu trò?

Thông tin CTCP Becamex IJC (mã IJC) làm việc với tư vấn để đưa ra phương án giảm 50% vốn điều lệ đang được thị trường quan tâm. Xin giảm vốn, nhưng IJC lại đặt kế hoạch tăng gấp đôi lợi nhuận, khiến thị trường đặt câu hỏi: đây có phải là một chiêu trò?

IJC xin giảm 50% vốn điều lệ: Chỉ là chiêu trò?

IJC đang suy tính điều gì với dự định chưa từng diễn ra trước đó, giảm 50% vốn điều lệ?

Vốn giảm một nửa, lợi nhuận tăng 58%

Theo Nghị quyết HĐQT ngày 7/3/2016, IJC dự kiến kế hoạch kinh doanh tăng trưởng khá mạnh với doanh thu tăng 48% so với thực hiện năm 2015 lên 1.043 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 58% lên 193 tỷ đồng, thay vì 122 tỷ đồng năm 2015 và đặc biệt, vốn điều lệ dự kiến giảm từ 2.741 tỷ đồng về 1.350 tỷ đồng (xấp xỉ giảm 50%). Với phương án này, tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ của IJC sẽ lên mức 14,3% thay vì con số 4,45% như thực hiện năm 2015.

Với mức giá hiện nay là 7.600 đồng/CP, P/E dự kiến năm 2016 của IJC sẽ chỉ ở mức chưa đến 1,9 lần, thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung.

Tuy nhiên, nhà đầu tư đừng vội mừng nếu nhìn vào phương án này. Ba năm qua, IJC chưa có khi nào hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra.

Năm 2013, tỷ lệ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm là 70%; năm 2014, tỷ lệ hoàn thành nhích lên một chút là 74%; nhưng đến năm 2015, con số này rơi thẳng về 48%. Trong khi đó, IJC dự tính kế hoạch giảm 50% vốn điều lệ, là phương án chưa từng có tiền lệ trên TTCK Việt Nam.

Không khả thi

Trong suốt những ngày gần đây, vấn đề được thị trường quan tâm nhất trong câu chuyện IJC là cơ sở pháp lý nào để IJC giảm 50% vốn điều lệ.

Khoản 5, Điều 111, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định 3 trường hợp có thể thay đổi vốn điều lệ. Bao gồm: a) Theo quyết định của ĐHCĐ, công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty, nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục trong hơn 2 năm kể từ ngày đăng ký doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác, sau khi đã hoàn trả cho cổ đông; b) Công ty mua lại cổ phần đã phát hành quy định tại Điều 129 và Điều 130 của Luật này; c) Vốn điều lệ không được các cổ đông thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 112 của Luật này.

Trong số các quy định trên, IJC không rơi vào trường hợp c là vốn điều lệ thực góp thấp hơn vốn điều lệ đăng ký. Thị trường cũng đã đưa ra phương án IJC có thể mua lại vốn cổ phần và thực hiện giảm vốn điều lệ, song chưa nói đến khả năng tài chính để thực hiện phương án này, thì phương án này có thể không khả thi ngay từ đầu, khi Điều 130, Luật Doanh nghiệp quy định, công ty chỉ có thể mua lại tối đa 30% vốn điều lệ, trong khi IJC muốn tỷ lệ giảm vốn là 50%.

Với phương án mua lại theo yêu cầu của cổ đông (Điều 129), thì ở đây, đề án được HĐQT IJC đưa ra, chứ không phải đến từ yêu cầu của cổ đông, sau khi công ty có phương án tái cấu trúc hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ cổ đông theo quy định tại Điều lệ công ty. Do đó, IJC cũng không rơi vào quy định của trường hợp này.

Như vậy, cách đầu tiên mà IJC có thể làm theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, đó là hoàn trả lại một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu tại Công ty. Tuy nhiên, IJC có khả năng trả tiền cho cổ đông?

Báo cáo tài chính 2015 của IJC cho thấy, phần lớn tài sản của Công ty vẫn ở dạng hàng tồn kho (4.390 tỷ đồng), khoản phải thu (gồm phải thu khách hàng 1.235 tỷ đồng và phải thu khác 470 tỷ đồng) và tài sản cố định hữu hình (588 tỷ đồng).

Với thực trạng tài sản này, cộng thêm dòng tiền thu về khá eo hẹp, xác suất để IJC có thể trích tiền mua lại cổ phần/trả lại phần vốn góp cho cổ đông tương đương 50% vốn điều lệ là khó khả thi. 

Chia tách doanh nghiệp?

Để giảm vốn điều lệ, theo quy định tại Điều 111 Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp phải có tiền. Nhưng muốn giảm vốn điều lệ, doanh nghiệp có thể lựa chọn cách khác, đó là chia, tách doanh nghiệp.

Trong tình huống này, với đặc trưng cổ đông Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp – Công ty TNHH MTV nắm tới 74% vốn điều lệ, IJC có thể sẽ đưa ra một tình huống khác, là thực hiện giảm vốn bằng chia/tách doanh nghiệp.

Khi đó, việc chia tách sẽ được thực hiện bằng cách, chuyển 1 phần cổ phần của tất cả các cổ đông cùng tài sản tương ứng với giá trị cổ phần được chuyển sang công ty mới bị tách/chia sang công ty tương ứng, hoặc tách toàn bộ phần vốn góp của một hoặc một số cổ đông cùng tài sản tương ứng với giá trị cổ phần sang công ty mới.

Các công ty thành lập, hoạt động sau chia/tách cùng chịu trách nhiệm về nợ và tư cách pháp nhân, công ty cũ được giữ lại nếu doanh nghiệp thực hiện tách doanh nghiệp, không phải chia.

Tuy nhiên, trong tình huống này, câu hỏi đặt ra là, cổ đông nhỏ lẻ IJC có bị rủi ro, khi họ khó có thể nắm chính xác chất lượng tài sản mà mình được giữ lại?

ĐTCK đã liên lạc với Ban lãnh đạo IJC để trao đổi thêm về phương án giảm vốn điều lệ, song không nhận được phản hồi. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật đến bạn đọc khi có thêm thông tin mới. 

Tin mới lên