Tài chính quốc tế

IMF: Các nước châu Á cần đưa ra chính sách tiền tệ thân thiện hơn

(VNF) - Chủ tịch IMF chỉ ra những thách thức mà nền kinh tế toàn cầu hiện đang phải đối mặt là các thị trường và luồng vốn dễ biến động, việc siết chặt giao dịch kinh tế và tài chính ở nhiều nước, giá hàng hóa giảm mạnh, trong đó có dầu mỏ.

IMF: Các nước châu Á cần đưa ra chính sách tiền tệ thân thiện hơn

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde

Sáng 12/3, Hội nghị "Châu Á tiến lên: Đầu tư cho tương lai" đã chính thức khai mạc tại khách sạn Taj Palace nằm ở trung tâm thủ đô của Ấn Độ. 

Hội nghị này do Chính phủ Ấn Độ và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tổ chức với sự tham dự của các quan chức cấp cao, trong đó có Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde và Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley cùng nhiều giám đốc điều hành công ty, học giả và đại diện hội dân sự đến từ hơn 30 nước ở châu Á và Thái Bình Dương. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Giám đốc IMF Lagarde hối thúc các nước châu Á đưa ra các chính sách tiền tệ và tài chính thân thiện hơn với tăng trưởng để đối phó với những thách thức trong bối cảnh kinh tế toàn cầu mong manh. Tổng Giám đốc IMF nhận định châu Á hiện là khu vực năng động nhất thế giới và chiếm tới 40% nền kinh tế toàn cầu. 

Tuy nhiên, bà Lagarde cũng chỉ ra những thách thức mà nền kinh tế toàn cầu hiện đang phải đối mặt là các thị trường và luồng vốn dễ biến động, việc siết chặt giao dịch kinh tế và tài chính ở nhiều nước, việc giá hàng hóa giảm mạnh, trong đó có dầu mỏ, và căng thẳng địa chính trị leo thang. 

Bà Lagarde đánh giá cao tiến trình cải tổ đang diễn ra ở Ấn Độ khi khẳng định New Delhi là "ngôi sao đang tỏa sáng" trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều thách thức, rằng nền kinh tế lớn đang phát triển nhanh nhất thế giới này có nguồn nhân lực lớn nhất và trẻ nhất và trong một thập niên tới sẽ trở thành nước có số dân đông nhất thế giới. 

Về phần mình, Thủ tướng Modi cho rằng việc cải tổ các thế chế toàn cầu phải là quá trình diễn ra liên tục và phải phản ánh được những thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu. Ông nhấn mạnh: "Tất cả chúng ta cần theo đuổi các chính sách mang lại nền kinh tế vĩ mô ổn định, thúc đẩy tăng trưởng và IMF có thể giúp xây dựng năng lực hoạch định chính sách". Thủ tướng Ấn Độ khẳng định châu Á là niềm hy vọng cho phục hồi kinh tế toàn cầu và thế kỷ thứ 21 là thế kỷ châu Á. 

Hội nghị lần này là diễn đàn cho các nhà lãnh đạo châu Á - Thái Bình Dương thảo luận về những bài học thành công liên quan tới kinh tế trong những thập niên qua. Ngoài ra, hội nghị sẽ thăm dò khả năng của khu vực này có thể đối phó như thế nào đối với những thách thức về tăng trưởng thông qua những khoản đầu tư cho tương lai. 

Hội nghị sẽ có 6 phiên thảo luận với các chủ đề "Các mô hình tăng trưởng của châu Á"; "Bất bình đẳng thu nhập, thay đổi giới và nhân khẩu học"; "Đầu tư cơ sở hạ tầng, không gian tài chính và tăng trưởng: Châu Á cần thêm nguồn tài chính chính thức cho đầu tư?", "Châu Á đang phát triển: Những thách thức của biến đổi khí hậu và khả năng phục hồi kinh tế", "Quản lý luồng vốn" và "Tài chính, vấn đề liên quan tới tài chính và tăng trưởng: Thách thức cho thập niên tới."

Hội nghị trên sẽ kết thúc vào ngày 13/3.

Tin mới lên