Tài chính quốc tế

IMF bi quan hơn về triển vọng hồi phục kinh tế

Nền kinh tế toàn cầu đang đi theo chiều hướng thu hẹp đáng kể so với những ước tính của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vào tháng 4.

IMF bi quan hơn về triển vọng hồi phục kinh tế

IMF dự báo về kịch bản hồi phục kinh tế tồi tệ hơn.

Khi các quốc gia châu Âu đang trong những tuần đầu tiên bị phong toả, IMF cho biết, nền kinh tế toàn cầu sẽ phải chịu cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930. Vào thời điểm đó, IMF đã dự báo kinh tế toàn cầu sẽ giảm 3% vào năm 2020.

Nhưng hiện tại, mặc dù một số nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại, IMF cảnh báo rằng sự sụt giảm có thể còn tồi tệ hơn.

“Lần đầu tiên kể từ Đại suy thoái, cả nền kinh tế thị trường phát triển và thị trường mới nổi đều sẽ suy thoái vào năm 2020. Trong bản cập nhật triển vọng kinh tế thế giới trong tháng 6 cho thấy tốc độ tăng trưởng thậm chí còn tồi tệ hơn so với ước tính trước đó”, bà Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng của IMF cho biết hôm thứ Ba (16/6).

IMF cũng cho biết, cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ không giống bất cứ điều gì thế giới đã thấy trước đây.

Đại dịch bắt đầu như một căn bệnh khẩn cấp về sức khỏe nhưng lại sớm gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế, do các biện pháp giãn cách xã hội và các biện pháp hạn chế đi lại.

Nhiều quốc gia đã bắt đầu dỡ bỏ phong toả nhưng điều này lại gặp các thách thức khác và trong một số trường hợp, quá trình này đã bị làm chậm lại khi một số quốc gia lại tiếp tục vật lộn với các trường hợp gia tăng nhiễm Covid-19.

Hiện tại đã có hơn 8 triệu ca nhiễm virus được xác nhận trên toàn thế giới. Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, Mỹ, Brazil, Nga, Ấn Độ và Anh hiện là năm quốc gia có số lượng ca nhiễm cao nhất.

Thị trường chứng khoán đã đạt đến mức cao mới tại thời điểm các nền kinh tế, chính phủ, dịch vụ y tế và công dân vẫn đang phải vật lộn với đại dịch. Trên thực tế, S&P 500 đã lấy lại được phần lớn tổn thất kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu. Đồng thời, với sự can thiệp của ngân hàng trung ương, thị trường trái phiếu cũng đã được làm dịu đi phần nào.

“Với một số trường hợp ngoại lệ, sự gia tăng trong mức độ chênh lệch giữa lợi tức trái phiếu của các quốc gia so với lợi tức trái phiếu của các thị trường lớn như Mỹ hay Đức và sự mất giá của các đồng tiền tại các thị trường mới nổi đang nhỏ hơn so với những gì mà chúng ta từng thấy trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đây là điều đáng chú ý nếu xem xét trên quy mô lớn hơn của các cú sốc đối với thị trường mới nổi trong cuộc khủng hoảng Covid-19”, bà Gopinath cho biết.

Do đó, bà cũng cảnh báo rằng, nếu điều kiện sức khoẻ và kinh tế trở nên xấu đi, thị trường chứng khoán có thể đối diện với một sự điều chỉnh mạnh.

Tin mới lên