Thị trường

iPhone sắp có nhà máy sản xuất tại Việt Nam?

Apple tính đến bài toán giảm chi phí nếu muốn tiếp tục tăng trưởng và né các tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại.

iPhone sắp có nhà máy sản xuất tại Việt Nam?

Dây chuyền lắp ráp iPhone tại Foxconn.

Lợi thế cho Việt Nam

Theo 9to5mac, đối tác gia công các sản phẩm iPhone lớn nhất của Apple là hãng Foxconn đang xem xét xây dựng một nhà máy tại Việt Nam để hạn chế sự ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Trang Reuters cho biết Tập đoàn Foxconn và Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội đang thảo luận về việc xây dựng một cơ sở sản xuất iPhone tại Việt Nam.

Hiện nay, hầu hết iPhone được lắp ráp bởi hai công ty Foxconn hoặc Pegatron tại các nhà máy đặt ở Thâm Quyến và Thượng Hải (Trung Quốc). Một lượng nhỏ các model đời cũ được sản xuất tại Brazil và Ấn Độ. Điều này cho phép Apple có thể tránh được thuế nhập khẩu cao trong khu vực vì các sản phẩm này sẽ được coi là sản xuất trong nước.

Theo phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump trên Wall Street Journal, mức thuế quan mới sẽ áp lên tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có iPhone. Điều này sẽ khiến cho giá bán lẻ của mỗi sản phẩm tăng lên từ 10%.

Việc xây dựng nhà máy lắp ráp iPhone tại Việt Nam có thể giúp Foxconn tránh được thuế nhập khẩu này và giữ chân Apple không quay sang các nhà sản xuất khác để giảm chi phí.

Động thái này của Foxconn có thể cho thấy Việt Nam đang dần là nơi “trú bão” an toàn cho cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Phát biểu tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2018 vừa diễn ra ngày 4/12,  nhiều chuyên gia chia sẻ, Việt Nam có thể đón nhận những dòng vốn đầu tư, chuyển dịch sản xuất mới.

Nơi trú bão an toàn

PGS. TS Nguyễn Văn Lịch (Học viện Ngoại giao), cho biết: “Việc Mỹ áp thuế lên hàng hoá Trung Quốc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và xuất khẩu Việt Nam. Khi Mỹ áp thuế vào hàng hoá Trung Quốc thì lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc sẽ yếu hơn của Việt Nam. Hệ quả tất yếu là các nhà đầu tư sẽ tìm nơi sản xuất thay thế, Việt Nam là một trong những điểm đến ưu tiên hàng đầu”.

Trên thực tế theo chuyên gia này, do căng thẳng thương mại, đến nay đã có nhiều công ty, doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc đã và đang tìm cách rời khỏi nước này, chuyển sang thị trường mới trong đó có Việt Nam. Có thể nêu ra một số ví dụ như đầu năm 2018, “hai gã khổng lồ” của Nhật Bản là Nitto Denko và Nikon đã rời khỏi Tô Châu; Panasonic, Sharp, Toshiba, Sony… cũng lần lượt rút khỏi Trung Quốc. Samsung sau đó cũng đóng cửa vào tháng 6/2018.

Foxconn được thành lập vào năm 1974 tại Đài Loan. Tháng 3/2007, công ty bắt đầu xây dựng nhà xưởng tại Bắc Ninh, Bắc Giang, và một số tỉnh của Việt Nam. Các nhà máy tại Việt Nam hiện sản xuất những sản phẩm như tai nghe, thiết bị mạng, dây cáp kết nối.

iPhone được xem là “con gà đẻ trứng vàng” cho các hệ thống bán lẻ Việt Nam vào các dịp cuối năm. Sản phẩm này đóng góp rất nhiều doanh thu cho các hệ thống bán lẻ trong nước. Tuy nhiên, năm nay có vẻ mọi chuyện không suôn sẻ khi sức mua giảm chóng mặt. Hầu hết những phiên bản cũ được người tiêu dùng mua nhiều hơn vì mức giá các sản phẩm này đang dần rẻ đi.

Thực tế, trong bộ ba iPhone mới thì mẫu được người dùng Việt ưu chuộng là XS Max nhưng giá quá cao, bắt đầu từ 33,9 triệu đồng. Một mức giá không thực tế so với mức chi tiêu của người dùng Việt. Trong khi đó một mẫu khác có mức giá tốt hơn là iPhone XR 22,9 triệu đồng thì cấu hình và các trang bị không nhỉnh hơn thế hệ cũ iPhone X khiến cho người dùng quay lưng với bộ ba sản phẩm mới”. Trong khi iPhone X, iPhone 8 Plus, iPhone 6S Plus… lại đang khá đắt khách.

Hãng Apple sẽ phải tính đến bài toán giảm chi phí nếu muốn tiếp tục tăng trưởng và cạnh tranh với Samsung - một hãng liên tục cho ra sản phẩm mới với giá phải chăng hơn.

Tin mới lên