Tài chính quốc tế

Iran 'trông chờ' EU cứu vãn thỏa thuận hạt nhân

(VNF) - Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh vừa cho biết rằng quyết định từ bỏ một thỏa thuận hạt nhân đa quốc gia của ông Trump sẽ không ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu của Tehran nếu EU có thể cứu vãn hiệp ước này.

Iran 'trông chờ' EU cứu vãn thỏa thuận hạt nhân

Iran 'trông chờ' vào EU để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân JCPOA

"Tôi tin rằng nếu Liên minh châu Âu giúp chúng tôi duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA), sản lượng xuất khẩu dầu của Iran sẽ không thay đổi", Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh nói với các phóng viên sau cuộc họp với Ủy viên châu Âu về vấn đề năng lượng Miguel Arias Canete.

Sau quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào ngày 8/5, Bộ Tài chính Mỹ cho biết Washington sẽ tái thiết lập một loạt các lệnh trừng phạt liên quan đến Iran sau khi hết thời hạn chờ 90 và 180 ngày, bao gồm cấm vận nhắm vào ngành dầu lửa của Iran và các giao dịch với ngân hàng trung ương của nước này.

Trong khi đó, EU lại muốn cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran, bởi châu Âu coi đây là một yếu tố quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc tế. Theo các điều khoản của thỏa thuận, Iran sẽ hạn chế chương trình thử nghiệm hạt nhân của mình để đổi lại các biện pháp trừng phạt kinh tế được dỡ bỏ.

Vì lo ngại và cảnh giác với các lệnh trừng phạt của Mỹ, phần lớn các công ty châu Âu đã tạm dừng việc kinh doanh, hợp tác với Tehran, trong khi chính phủ Iran cần thu hút hơn 100 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài để có thể tăng trưởng sản lượng dầu thô.

Bộ trưởng Zanganeh nói với các phóng viên: “Không có gì nghi ngờ rằng những biện pháp trừng phạt ngoại giao từ Hoa Kỳ sẽ có tác động đến đầu tư nước ngoài ở Iran. Nó sẽ không ngăn cản được chúng tôi, nhưng chắc chắn sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng".

Trong bối cảnh trừng phạt mới của Hoa Kỳ, một số khách hàng của nhà sản xuất dầu lớn thứ ba của OPEC cho biết họ sẽ tìm cách yêu cầu quyền miễn trừ từ phía Hoa Kỳ để có thể tiếp tục mua dầu thô của Iran. "Khách hàng chính của chúng tôi là các quốc gia châu Á ... nhưng chúng tôi hy vọng sẽ bảo vệ được  cả lượng xuất khẩu sang châu Âu và châu Phi," ông Zanganeh nói.

Về phía châu Âu, ông Arias Canete đã trình bày với chính phủ Iran một loạt các biện pháp tiềm năng do EU soạn thảo trong tuần này để giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt Mỹ. Đây là một trong những nỗ lực tăng cường của Tổng thống Hassan Rouhani trong việc giữ thương mại cởi mở với phương Tây.

Zanganeh nói rằng Iran đặc biệt quan tâm đến việc Ủy ban châu Âu hành động theo đề nghị kêu gọi các chính phủ EU thực hiện các khoản thanh toán trực tiếp bằng đồng EUR cho xuất khẩu dầu sang Ngân hàng trung ương Iran, thay vì phải thông qua hệ thống tài chính Hoa Kỳ.

Các biện pháp khác bao gồm gia hạn ngăn chặn trừng phạt để bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu tại Iran, và cho phép Ngân hàng Đầu tư Châu Âu kinh doanh tại Iran.

Đầu tư của EU vào Iran, chủ yếu là từ Đức, Pháp và Ý, đã tăng lên hơn 20 tỷ EUR kể từ năm 2016, trong các dự án từ hàng không vũ trụ đến năng lượng.

Nhưng một số công ty đã bắt đầu báo hiệu ý định rút lui khỏi Iran. Tập đoàn Total cho biết hôm thứ Tư rằng họ sẽ rút khỏi một dự án khí đốt trị giá hàng tỷ USD ở Iran nếu họ không thể bảo đảm một quyền miễn trừ các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Trước đó, Iran đã từng nói rằng dự án này là biểu tượng cho sự thành công của hiệp ước.

Ông Zanganeh cũng bỏ ngỏ rằng các nước khác như Nga và Trung Quốc rất muốn lấp đầy khoảng trống nếu các nhà đầu tư châu Âu rút khỏi nước này. “Người Trung Quốc thể hiện thiện chí rất muốn đầu tư vào Iran. Hai công ty lớn là SINOPEC và CNPC là những đối tác lớn của chúng tôi. Họ sẵn sàng tham gia vào lĩnh vực thế mạnh của chúng tôi một khi châu Âu không còn muốn hợp tác”, ông nói.

Tháng 7/2015, Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức) đã ký vào một thỏa thuận có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Thỏa thuận này chấm dứt 12 năm bế tắc về chương trình hạt nhân của Iran. JCPOA về cơ bản buộc Iran phải minh bạch và giảm việc làm giàu uranium - công đoạn quan trọng để chế tạo vũ khí hạt nhân. Đổi lại, Tehran có thể được tháo gỡ cấm vận.

>>> Đối đầu Mỹ, EU "đi đêm" để cứu thỏa thuận hạt nhân Iran

Tin mới lên