Tài chính quốc tế

Italia sẽ là quân bài domino tiếp theo gục ngã tại châu Âu?

(VNF) - Sau khi các cử tri Anh chọn rời EU, ngành ngân hàng và kinh tế Italia bộc lộ rõ nhiều điểm yếu. Nhiều người lo ngại rằng, quốc gia Nam Âu này có khả năng là quân bài domino tiếp theo sẽ gục ngã tại châu Âu ngay sau Brexit.

Italia sẽ là quân bài domino tiếp theo gục ngã tại châu Âu?

Sự lao dốc của các mã cổ phiếu ngân hàng Italia đã gây rung lắc cho hệ thống tài chính của nền kinh tế lớn thứ ba Khu vực đồng euro.

Cổ phiếu ngân hàng lao dốc không phanh

Giá cổ phiếu của ngân hàng lâu đời nhất thế giới Banca Monte dei Paschi Di Siena trên thị trường chứng khoán Milan (Italia) đã lao dốc 45% chỉ trong vòng 10 ngày, buộc các nhà quản lý phải tạm thời cấm bán khống cổ phiếu này. 

Theo đó, cuối ngày 5/7, Cơ quan điều hành thị trường tài chính Italy Consob cho biết việc bán khống cổ phiếu của ngân hàng Monte dei Paschi đã bị cấm trong phiên giao dịch 6/7 nhằm ngăn chặn đà lao dốc cả của chứng khoán. Đồng thời, ngân hàng buộc phải nhanh chóng đệ trình kế hoạch cắt giảm 40% nợ xấu trước năm 2018.

Không riêng Monte dei Paschi, cổ phiếu các ngân hàng khác của nước này đã giảm khoảng 30% kể từ ngày 23/6, khi cử tri Anh chọn rời Liên minh châu Âu (EU).

Theo tờ Wall Street Journals, hiện có 17% khoản nợ ngân hàng ở Italia là nợ xấu. Con số này tương đương khoảng 401 tỷ USD nợ xấu, cao hơn ba lần so với khoản nợ xấu ở Mỹ vào thời điểm khủng hoảng tài chính.

Các chuyên gia nhận định "rắc rối" của ngành ngân hàng có thể đẩy Italia rơi vào tình trạng suy thoái. Trong kịch bản xấu nhất, nước này có thể trở thành một "Hy Lạp thứ hai" và châu Âu gần như không thể giải cứu các ngân hàng Italia khỏi núi nợ xấu.

Hiện nay, Chính phủ Italia đang đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) về kế hoạch tái cấp vốn cho các ngân hàng nước này. Kế hoạch này có thể sẽ "bẻ cong" quy định được EU thông qua năm 2014 nhằm buộc các nhà đầu tư và một số người gửi tiền phải chia sẻ gánh nặng nợ với ngân hàng.

Thông tin này được đưa ra ngay khi các nhà đầu tư đang ở thế lưỡng lự trước cuộc trưng cầu dân ý tháng 10 tới được tổ chức tại Italia, và cùng trùng với thông tin rằng Italia có thể đã chuẩn bị bỏ qua những quy tắc ngân hàng của châu Âu.

Lợi nhuận ngân hàng yếu

Triển vọng kinh tế yếu đi có thể khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giảm lãi suất vốn đang ở mức thấp kỷ lục xuống sâu hơn nữa. Đây sẽ là tin xấu cho các nhà băng. "Việc ECB hạ lãi suất có thể khiến ngân hàng Italia thậm chí yếu hơn nữa trong ngắn hạn", chuyên gia kinh tế Jack Allen thuộc Capital Economics nhận định.

Cổ phiếu ngân hàng Banca Popolareg lao dốc 28% kể từ sự kiện Brexit. Cổ phiếu Unicredit và Intesa Sanpaolo hạ nhiều hơn, lần lượt đi xuống 34% và 30%.

Chính phủ Ý đang xem xét việc bơm hàng tỷ euro vào hệ thống ngân hàng, tuy nhiên các lựa chọn còn rất hạn chế. Quy tắc cứu trợ ngân hàng của EU yêu cầu giới đầu tư (những người sở hữu trái phiếu và cổ phiếu), không phải người nộp thuế, mới là những người chịu gánh nặng giải cứu.

Kinh tế suy thoái

Trong khi nền kinh tế Italia đã bộc lộ rõ những khó khăn, thì cuộc bỏ phiếu Brexit ở Anh đã bơm thêm những bất ổn lớn vào nền kinh tế châu Âu, bao gồm cả Italia. 

Kể từ khi gia nhập khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu euro vào năm 2002, nền kinh tế Italia gần như không tăng trưởng. GDP chỉ đạt mức tăng khiêm tốn 0,3% trong quý I vừa qua, tương đương một nửa mức tăng trưởng của cả khu vực. Doanh số bán lẻ sụt giảm 6 tháng liên tiếp và trong tháng trước ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2013.

Kinh tế trì trệ gây sức ép lớn cho hệ thống ngân hàng, khi nhiều người dân và doanh nghiệp đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Các ngân hàng nước này đáng gánh trên vai khoản nợ 396 tỷ USD.
 
Bất ổn chính trị

Khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng cùng sự kiện Anh rời EU có thể thổi bùng tâm lý chống EU. Niềm tin của người dân quốc gia Nam Âu vào khu vực đồng tiền chung euro đã giảm sút và ngày càng nhiều người kêu gọi tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý tương tự như những gì nước Anh đã làm.

Thủ tướng Italy Matteo Renzi đối mặt với nguy cơ không đủ số phiếu cần thiết để thông qua kế hoạch cải cách Hiến pháp. Nếu trường hợp này xảy ra, ông Renzi có thể buộc phải từ chức. Việc này dẫn đến các cuộc bầu cử mới trong bối cảnh đảng chống châu Âu đang ngày càng chiếm ưu thế.

"Đất nước vốn ủng hộ châu Âu đã ngày càng trở nên hoài nghi về khối này sau nhiều năm kinh tế trì trệ và phải trải qua các biện pháp thắt lưng buộc bụng khắc khổ. Do đó, nguy cơ xảy ra hiệu ứng domino trên toàn EU và khu vực đồng tiền chung đang lớn hơn bao giờ hết",  chuyên gia Holger Schmieding thuộc ngân hàng Berenberg kết luận.

Tin mới lên