Diễn đàn VNF

JCCI 'xin' ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp đầu tư lũy kế trên 6.000 tỷ đồng

(VNF) - Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đề xuất Chính phủ Việt Nam ưu đãi thuế đối với trường hợp doanh nghiệp thực hiện đầu tư trên 6.000 tỷ đồng tính theo lũy kế bao gồm cả số tiền đầu tư tăng thêm sau khi đã đăng ký dự án đầu tư, hoặc sau khi đã thực hiện đầu tư cho cùng lĩnh vực trong thời gian trước đây.

JCCI 'xin' ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp đầu tư lũy kế trên 6.000 tỷ đồng

Toàn thể Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2020

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2020 (VBF) diễn ra sáng 22/12, ông Tetsu Funayama, đại diện JCCI, cho biết tính theo vốn đầu tư của từng nước, Nhật Bản là quốc gia có vốn đầu tư lớn thứ 2 tại Việt Nam. Tính riêng từng năm, Nhật Bản là quốc gia có vốn đầu tư lớn nhật tại Việt Nam trong năm 2017 và năm 2018.

Ông Tetsu Funayama cho biết, theo chính sách hiện hành của Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ được nhận ưu đãi về thuế bằng cách nộp đơn cho cơ quan có thẩm quyền để đăng ký đầu tư dự án từ 6.000 tỷ đông trở lên trong vòng 3 năm.

“Đầu tiên họ sẽ đầu tư vào dự án có quy mô vừa và nhỏ, sau đó mới đưa ra quyết định chuyển sang đầu tư quy mô lớn dựa trên đánh giá thực tế phản ứng thị trường dựa trên khoản đầu tư ban đầu. Bởi vậy, chúng tôi tin tưởng rằng, nếu chính phủ cho phép doanh nghiệp được chứng nhận đầu tư quy mô lớn tính theo lũy kế thì Việt Nam sẽ có thêm nhiều dự án lớn hơn 6.000 tỷ đồng hơn nữa”.

Đại diện JCCI đề xuất Chính phủ Việt Nam cho phép áp dụng chính sách ưu đãi thuế đối với trường hợp doanh nghiệp thực hiện đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên (tính theo lũy kế bao gồm cả số tiền đầu tư tăng thêm sau khi đã đăng ký dự án đầu tư hoặc sau khi đã thực hiện đầu tư cho cùng lĩnh vực trong thời gian trước đây).

Ông Tetsu Funayama cho biết thêm, các doanh nghiệp Nhật Bản hiện đang gặp phải một số vấn đề để được hưởng ưu đãi thuế cho doanh nghiệp chế xuất (EPE). Sau khi Nghị định 82/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, đã có một số trường hợp doanh nghiệp không được cấp giấy phép EPE cho đến khi nhà máy được xây dựng xong, và phải chịu các loại thuế phí liên quan đến việc lấy đất, xây dựng nhà xưởng và nhập khẩu thiết bị mà những loại thuế này đáng lẽ ra được miễn.

Ông nhận định đây là gánh nặng trong quá trình hoạt động kinh doanh đối với doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam.

Đề xuất về vấn đề này, đại diện JCCI bày tỏ sự mong muốn khi thực hiện cấp giấy phép EPE, Chính phủ Việt Nam quy định rõ trong văn bản việc sẽ miễn một phần chi phí liên quan đến việc lấy đất, xây dựng nhà xưởng, nhập khẩu thiết bị mà doanh nghiệp đã trả trước khi được cấp giấy phép.

“Hơn nữa, chúng tôi đặc biệt rất mong chính phủ sẽ cấp giấy phép EPE cùng lúc khi xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như trước đây”, ông Tetsu Funayama chia sẻ trong bài báo cáo của mình.

Một vấn đề khác mà đại diện JCCI đề cập là vấn đề cải thiện môi trường nhằm thúc đẩy M&A. Luật Chứng khoán của Việt Nam nghiêm cấm giao dịch nội gián khi mua bán cổ phiếu của công ty niêm yết. Tuy nhiên, phía JCCI cho rằng các quy định của Luật Chứng khoán Việt Nam còn mang tính trừu tượng, chưa làm rõ trường hợp nào được coi là thông tin nội bộ.

Vì vậy, JCCI đề xuất Chính phủ Việt Nam “làm rõ tiêu chí vận hành quy định giao dịch nội gián liên quan đến việc mua bán cổ phiếu của công ty niêm yết”. Cụ thể là làm rõ tiêu chí vận hành quy định giao dịch nội gián trong thông tư hoặc các hình thức tài liệu chính thức khác.

Ông Tetsu Funayama cho biết khi doanh nghiệp Nhật Bản xem xét việc tham gia góp vốn vào một công ty niêm yết tại Việt Nam, có trường hợp việc xử lý các thông tin không công khai thu được thông qua thẩm định chi tiết doanh nghiệp trở thành điểm nghẽn làm cho việc tham gia góp vốn trở nên không thực hiện được.

Luật Chứng khoán Việt Nam quy định tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 49% đối với các ngành nghề đáp ứng các điều kiện thuộc “lĩnh vực đầu tư có điều kiện” của Luật Đầu tư. Với việc sửa đổi Nghị định chính phủ năm 2015, việc nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 100% vốn đã được chấp thuận ở một số ngành, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều ngành nghề bị giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn.

Phía JCCI bày tỏ hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ nởi lỏng giới hạn đối với "giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong công ty niêm yết".

Ông Tetsu Funayama nhận định việc Chính phủ Việt Nam đề xuất về trường hợp bắt buộc pháp nhân Việt Nam là công ty con phải lập báo cáo lợi nhuận liên quốc gia là một yêu cầu không thực tế và sẽ tạo nên gánh nặng và rủi ro quá sức đối với công ty con.

Theo đề xuất của JCCI, do công ty con ít khi có được thông tin về công ty mẹ và các công ty con ở các quốc gia khác nên quy định này làm tăng rủi ro không cần thiết cho doanh nghiệp khi đầu tư vào Việt Nam và thành lập pháp nhân tại Việt Nam.

“Vì vậy chúng tôi mong chính phủ xóa bỏ quy định này”, đại diện JCCI cho biết.

Tin mới lên