Tài chính quốc tế

John McCain - người khổng lồ của chính trường Mỹ

John McCain là một nghị sĩ Cộng hòa không theo khuôn phép, có quan điểm cứng rắn và ủng hộ thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ.

John McCain - người khổng lồ của chính trường Mỹ

John McCain - người khổng lồ của chính trường Mỹ.

Thượng nghị sĩ John McCain chỉ phụng sự một chủ nhân duy nhất trong suốt sự nghiệp của mình: nước Mỹ.

Đó là truyền thống của gia đình ông. McCain là hậu duệ của một đại úy trong quân đội George Washington thời Chiến tranh Cách mạng Mỹ vào thế kỷ 18.

Ông qua đời tại Arizona vào chiều 25/6 (sáng 26/8 giờ Việt Nam) ở tuổi 81. Các lãnh đạo thế giới đã bày tỏ lòng tiếc thương trước sự ra đi của ông. Truyền thông gọi ông là "người khổng lồ" của chính trường Mỹ.

Giống như bố và ông nội - cả hai đều là tướng 4 sao, John McCain cũng từng ở trong quân ngũ. Ông tham chiến ở Việt Nam với tư cách phi công hải quân. Khi thực hiện cuộc ném bom ngày 26/10/1967, máy bay của McCain bị bắn trúng trên bầu trời Hà Nội và ông trở thành tù binh chiến tranh. McCain cùng nhiều tù binh Mỹ khác được trao trả ngày 14/3/1973.

McCain trải qua hai lần kết hôn. Ông chung sống với người vợ đầu, Carol Shepp, người mẫu từ Philadelphia từ năm 1965 đến năm 1980. Ông đi bước nữa với Cindy Lou Hensley, giáo viên từ Arizona vào giữa năm 1980. Ông có tất cả 7 người con, trong đó có ba người con nuôi.

Rời quân ngũ, McCain gia nhập chính trường. Sau khi chuyển đến sống tại quê vợ Arizona, McCain giành được một ghế trong hạ viện Mỹ năm 1982. Tham vọng của ông tăng lên và ông nhanh chóng tiến vào thượng viện - cơ quan chính trị quyền lực nhất ở Mỹ. Nơi đây trở thành ngôi nhà thứ hai của ông trong 30 năm, theo AFP.

McCain không quên về quãng thời gian ở Việt Nam. Ông và thượng nghị sĩ Dân chủ John Kerry, cũng là cựu binh chiến tranh Việt Nam, đã thúc đẩy để chấm dứt cấm vận thương mại của Mỹ, dẫn đến việc bình thường hóa quan hệ song phương. Ông nhiều lần đến Việt Nam, thăm lại di tích nhà tủ Hỏa Lò, nơi ông từng bị giữ làm tù binh trong hơn 5 năm.

Thượng nghị sĩ nổi tiếng là một người Cộng hòa không theo khuôn phép, nhiều lần có ý kiến đối nghịch với đảng của mình trong nhiều vấn đề, từ cải cách tài chính đến nhập cư. 

"Đó là danh hiệu được trao cho tôi từ lâu", McCain năm 2010 nói về việc thường được truyền thông mô tả là không theo khuôn phép. "Tôi không quyết định được những danh hiệu mà họ gán cho tôi. Tôi chỉ có thể nói rằng tôi luôn hành động theo những gì tôi cho là vì lợi ích của đất nước. Và đó là cách mà tôi sẽ luôn cư xử".

Ông ra tranh cử tổng thống Mỹ năm 2000, thu hút cử tri với tầm nhìn ôn hòa, hơi ngả về cánh phải và phong cách thẳng thắn. Tuy nhiên, ông thất bại trong vòng bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa trước George W. Bush.

Sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, McCain ủng hộ mạnh mẽ việc Mỹ sử dụng vũ lực ở nước ngoài như tại Afghanistan và Iraq. Khi nhiều người cho rằng quan điểm "diều hâu" có thể khiến ông mất cử tri trong chiến dịch tranh cử năm 2008, McCain trả lời: "Tôi thà thua trong chiến dịch tranh cử còn hơn là trong chiến tranh".

Tuy nhiên, McCain sau này thừa nhận trong hồi ký của mình rằng cáo buộc Saddam Hussein có vũ khí hủy diệt hàng loạt là sai.

John McCain trả lời một cuộc phỏng vấn ở Mỹ sau khi được Việt Nam thả năm 1973. Ảnh: Reuters.

Năm 2008, McCain vượt qua vòng bầu cử sơ bộ, trở thành ứng viên đại diện của đảng Cộng hòa. Nhưng ông lại làm nhiều người trong đảng phật lòng khi chọn thống đốc Alaska ít kinh nghiệm Sarah Palin làm ứng viên phó tổng thống. Cuối cùng, McCain bị đánh bại bởi ứng viên đảng Dân chủ Barack Obama. McCain đã nói đùa về sự thất vọng của mình khi hai lần tranh cử thất bại: "Ngủ hai giờ, thức dậy và khóc, rồi lại ngủ hai giờ, thức dậy và khóc".

McCain tin rằng các giá trị của Mỹ nên được chia sẻ và bảo vệ trên toàn thế giới. Ông nhiều lần bay đến các điểm nóng như Baghdad, Kabul hay Kiev và được chào đón nhiệt tình như thể một nguyên thủ thay vì là một nhà lập pháp.

Sau khi Nga lĩnh lệnh trừng phạt của Mỹ vì sáp nhập Crimea năm 2014, Moskva liệt McCain vào danh sách đen. "Tôi đoán điều này có nghĩa là kỳ nghỉ xuân của tôi ở Siberia đã bị hủy", McCain nói đùa khi phản ứng trước động thái này.

Một trong những thành tựu lập pháp lớn nhất của McCain là Luật Cải cách Chiến dịch Tranh cử Lưỡng đảng, ra quy định về cách tài trợ tài chính cho các chiến dịch vận động. Năm 2005, đạo luật về cách đối xử với tù nhân của ông cũng được thượng viện thông qua với sự ủng hộ áp đảo. Ông còn được nhiều người nhớ đến với đề xuất tăng thuế thuốc lá vào năm 1998 để gây quỹ cho các chiến dịch chống hút thuốc và giúp các bang chi trả chi phí y tế liên quan đến hút thuốc.

McCain nổi tiếng là có quan hệ cơm chẳng lành canh chẳng ngọt với Trump. Quan điểm theo chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ của Trump đi ngược với niềm tin của thượng nghị sĩ. Ông cũng thường xuyên lên án việc Trump có lời lẽ tích cực khi nói về Putin.

Tháng 7/2017, McCain bị chẩn đoán mắc ung thư não. Căn bệnh khiến ông vắng mặt ở thượng viện trong nhiều tháng nhưng điều đó không khiến ông muốn rút khỏi chính trường. Ngày 28/7/2017, McCain bước vào khán phòng thượng viện để bỏ phiếu chống lại việc bãi bỏ luật chăm sóc y tế Obamacare, khiến Trump không thể thực hiện được lời hứa tranh cử của mình.

Trong hồi ký được xuất bản vào tháng 6, McCain viết rằng ông ghét phải rời khỏi thế giới, nhưng không có phàn nàn. "Tôi đã biết đến những đam mê lớn lao, thấy nhiều điều kỳ diệu, tham gia một cuộc chiến, và giúp kiến tạo hòa bình", McCain viết. "Tôi đã sống một cuộc sống tốt đẹp và cũng từng bị tước hết mọi sự sung túc. Tôi đã cô đơn như bất kỳ ai cô đơn và từng được sát cánh cùng với những người hùng. Tôi chạm đáy tuyệt vọng nhưng cũng được nếm trải niềm hân hoan cực độ".

"Tôi đã tạo một vị trí nhỏ cho tôi trong câu chuyện nước Mỹ và trong lịch sử thời đại của tôi".

Xem thêm >> Vũ khí Nga ‘đắt hàng’ tại Triển lãm quân sự quốc tế Army 2018

Tin mới lên