M&A

JP Morgan: Thị trường M&A Việt Nam hấp dẫn hàng đầu châu lục

(VNF) - Một khảo sát của Ngân hàng JP Morgan (Mỹ) cho thấy tình hình kinh tế bất ổn của khu vực châu Á đã không thể ngăn chặn các doanh nghiệp thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) cả trong khu vực và trên toàn cầu.

JP Morgan: Thị trường M&A Việt Nam hấp dẫn hàng đầu châu lục

Đối với hầu hết các doanh nghiệp hàng đầu châu Á, M&A được xem là chiến lược phát triển lâu dài.

Theo kết quả khảo sát của JP Morgan, trong 12 tháng qua, khối lượng giao dịch các thương vụ M&A tại khu vực châu Á đã tăng 60% lên mức 1,05 nghìn tỷ USD, theo số liệu của Dealogic sử dụng trong báo cáo, trong khi tốc độ tăng toàn cầu 40%, và đã bắt kịp với khối lượng giao dịch M&A tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi.

Các doanh nghiệp châu Á tham gia khảo sát đều nhìn nhận tăng trưởng kinh tế thông qua mua lại là chìa khóa chiến lược trong 5 năm tới. Trong đó, 90% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Á mong muốn thực hiện M&A để mở rộng thị trường, khảo sát cho biết. Các công ty châu Á lạc quan vào triển vọng M&A và muốn thúc đẩy nhanh các thương vụ.

Ông Chris Ventresca, đồng Trưởng bộ phận nghiên cứu M&A toàn cầu tại JP Morgan cho biết: "Trong tổng giá trị các thương vụ M&A năm nay, 50% đến từ Bắc Mỹ, trong khi châu Á chiếm hơn 25%. Châu Á góp mặt đáng kể trong M&A toàn cầu".

Các doanh nghiệp châu Á sẽ tiếp tục thúc đẩy M&A trong khu vực, đặc biệt tại các thị trường mục tiêu như Trung Quốc đại lục, Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam cũng như các thị trường M&A quốc tế. Mỹ đã được xác định là thị trường trọng điểm, Đức, Anh và Pháp cũng nằm trong top điểm M&A hấp dẫn trong 5 năm tới.

Các thị trường M&A hấp dẫn nhất trong 5 năm tới. (Màu xanh lá: Hấp dẫn nhất, Màu vàng: Mức độ hấp dẫn cao, Màu xanh biển: Mức độ hấp dẫn trung bình). Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có mức độ hấp dẫn M&A hàng đầu khu vực châu Á.

Mặc dù tăng trưởng doanh thu đóng vai trò quan trọng nhất đối của doanh nghiệp, tuy nhiên, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng thông qua M&A để thay đổi mô hình tiêu thụ, mở rộng thị trường quốc tế và củng cố quản lý doanh nghiệp có ý nghĩa hơn đối sự phát triển trong dài hạn.

Đối với hầu hết các doanh nghiệp châu Á được khảo sát, M&A được xem như là một quá trình tạo ra giá trị lâu dài, có nghĩa là các giao dịch được coi là thành công hay không với phải xem xét trong khoảng thời gian đầu tư hơn 5 năm.

* Nghiên cứu dựa trên kết quả khảo sát 55 tập đoàn hàng đầu châu Á tại 9 thị trường và thuộc 7 ngành công nghiệp trọng điểm.

Tin mới lên