Tiêu điểm

Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế: Các ĐBQH kiến nghị gì?

(VNF) - Ngày 30/10, tại Kỳ họp thứ 2 – Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025. Các đại biểu cũng đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết để tái cơ cấu kinh tế hiệu quả, bền vững.

Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế: Các ĐBQH kiến nghị gì?

ĐBQH Trần Hoàng Ngân. Ảnh: quochoi.vn

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP.HCM): "Cần có kịch bản ứng phó"

Nhấn mạnh rằng nền kinh tế của Việt Nam rất mở, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị Chính phủ cần có kịch bản ứng phó, không để kinh tế vĩ mô bất ổn trước những tác động từ kinh tế thế giới.

Ông Trần Hoàng Ngân cho biết, hiện thế giới đã tung nhiều gói kích thích kinh tế làm tăng tổng cầu. Bên cạnh đó, việc đứt gãy các chuỗi cung ứng do dịch bệnh làm cho giá cả hàng hóa tăng cao, trong đó giá xăng dầu có khả năng tác động đến lạm phát nước ta trong thời gian tới, đặc biệt là các chi phí, dự toán đầu tư có thể thay đổi.

Vì vậy ông kiến nghị: “Chính phủ sớm xem xét can thiệp bình ổn giá xăng dầu vì hiện nay xăng dầu tăng nhanh, chúng ta còn dư địa, công cụ như các loại thuế, phí cần phải được sử dụng khi giá xăng dầu tăng lên”.

Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, đây là “một điểm nghẽn, một điểm yếu” mà chúng ta cần rà soát, chỉ ra các nguyên nhân để tập trung xử lý; đề nghị Chính phủ duy trì tổ hỗ trợ phản ứng nhanh giúp cho các địa phương.

Phân bổ vốn đầu tư cần thực hiện theo đúng mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế; ưu tiên phân bổ vốn cho hạ tầng, liên kết vùng, liên kết ngành, hạ tầng kinh tế số, chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội): "Phải thay đổi các phương thức đầu tư"

ĐBQH Hoàng Văn Cường

Đại biểu Hoàng Văn Cường khẳng định, cơ cấu lại nền kinh tế “không chỉ cần thiết mà là rất cần thiết”. Ông đưa ra 3 lý do:

Thứ nhất là hiện nay việc phân bổ nguồn lực nội địa đang mất cân đối. Ví dụ vốn trong các doanh nghiệp nhà nước chiếm giữ rất lớn nhưng không sử dụng hiệu quả, trong khi các khu vực tư nhân lại không có khả năng tiếp cận. Nhiều vùng tiềm năng tốt nhưng chưa quan tâm đầu tư tương xứng như ĐBSCL, vùng kinh tế ven biển.

Nền kinh tế thiếu trụ cột tạo nên phát triển tự chủ và bền vững. Dẫn số liệu FDI chiếm phần lớn trong xuất khẩu, “tăng trưởng hộ các nước khác chỉ để nhận giá trị gia tăng rất nhỏ”, ông Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, muốn đạt mục tiêu trở thành quốc gia hùng cường phải có trụ cột như các tập đoàn mạnh để không chỉ làm chủ trong nước mà còn vươn ra thế giới.

Cũng theo đại biểu, tác động của đại dịch và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải cơ cấu lại nền kinh tế và thực tế các lĩnh vực, thậm chí từng hộ gia đình cũng đang có sự thay đổi từ chi tiêu đến phương thức hoạt động.

“Đương nhiên nền kinh tế đặt ra thay đổi nhiều hơn. Chúng ta muốn là nước đi đầu trong thời đại 4.0 nhưng làm chủ được gì trong công nghệ? Hội họp, học hành online vẫn dùng Team, Zoom. Tôi nghĩ hoàn toàn làm chủ được nếu đặt hàng doanh nghiệp trong nước. Tái cơ cấu nền kinh tế cần cơ chế đột phá để tạo lập ra các chỗ đứng, thay đổi các phương thức đầu tư chứ không phải giải pháp thông thường”, ông Hoàng Văn Cường nói.

BĐQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị): "Tập trung nguồn lực cho những đối tượng chọn lọc" 

ĐBQH Hà Sỹ Đồng

Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, với những diễn biến phức tạp, khó lường, đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề và sâu rộng tới nền kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, đại dịch cũng mang lại nhiều cơ hội và động lực mới.

Ông phân tích, nhìn ra thế giới, chính đại dịch Covid-19 là một nhân tố quan trọng thúc đẩy xu hướng phát triển mới là tăng trưởng xanh, thương mại điện tử và kinh tế số, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi nghề tại nhiều quốc gia.

Chính phủ cũng nhìn nhận đây là cơ hội cho những nước đi sau. Việc lựa chọn đầu tư, sắp xếp lại chuỗi cung ứng và mạng lưới sản xuất toàn cầu là cơ hội cho Việt Nam có điều kiện tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là chuyển đổi số, thu hút hợp tác về cơ sở hạ tầng, mở rộng thị trường xuất khẩu.

“Phải chăng chúng ta nên chấp nhận một cuộc lột xác cho nền kinh tế. Chúng ta sẽ không phải giải cứu, hỗ trợ đại trà, dàn trải cho mọi doanh nghiệp. Thay vào đó, Chính phủ cần tập trung nguồn lực hạn hẹp cho những đối tượng thật chọn lọc nhằm đạt được những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể mà kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đã đặt ra.

Chặng đường mới của cơ cấu kinh tế đứng trước nhiều khó khăn nhưng cuộc khủng hoảng này cũng là một cơ hội để quyết tâm sàng lọc, đào thải và phát triển mới để thúc đẩy các cuộc cách mạng mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực liên quan đến 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà kế hoạch đề ra”, ông Đồng nhấn mạnh.

Tin mới lên