Tài chính quốc tế

Kênh đào Suez: Tổng thiệt hại của vụ ‘tắc đường đắt đỏ nhất lịch sử’ là bao nhiêu?

(VNF) - Tổng thiệt hại từ vụ tắc nghẽn Kênh đào Suez do con tàu container Ever Given mắc cạn có thể lên tới gần 1 tỷ USD, Giám đốc Cơ quan quản lý Kênh đào Suez (SCA) Osama Rabie cho biết.

Kênh đào Suez: Tổng thiệt hại của vụ ‘tắc đường đắt đỏ nhất lịch sử’ là bao nhiêu?

Con tàu Ever Given bị mắc cạn tại Kênh đào Suez từ ngày 23-29/3.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục thống kê, sẽ tính đến tất cả các khoản tiền đã sử dụng từ ngày đầu tiên xảy ra sự cố, chi phí để tàu lai dắt và tàu nạo vét hoạt động suốt ngày đêm, đó là một số tiền đáng kể", ông Rabie nói với kênh truyền hình Sada el-Balad của Ai Cập ngày 31/3.

Khi được hỏi về tổng thiệt hại sơ bộ của vụ tắc nghẽn, ông Rabie cho biết khoảng “1 tỷ USD hoặc xấp xỉ con số đó”.

“Đó là số tiền nhà nước có quyền được lĩnh", người đứng đầu SCA nhấn mạnh.

Trước đó, ông Rabie từng nói rằng vụ ách tắc giao thông ở Kênh đào Suez đã khiến chính phủ Ai Cập phải thiệt hại 14 triệu USD tiền phí cầu đường mỗi ngày. Trong trường hợp này, khoản bồi thường chính sẽ do các công ty bảo hiểm chi trả.

Cũng theo ông Rabie, tổng số tiền thiệt hại còn bao gồm cả chi phí cho quá trình điều tra vụ việc bắt đầu từ ngày 30/3. Thành phần của đoàn điều tra bao gồm luật sư hàng hải, thành viên ban quản lý kênh đào, kỹ sư và chuyên gia về vấn đề bồi thường.

Ông Rabie cho biết hiện có khoảng 179 tàu vẫn đang chờ tới lượt đi qua kênh, những con tàu này được lên kế hoạch được di chuyển qua kênh từ ngày 2/4.

Trước đó, con tàu container Ever Given, dài 400m và có tải trọng khoảng 224.000 tấn, có hành trình đi từ Trung Quốc đến Rotterdam (Hà Lan), đã bị mắc cạn ở km thứ 151 của Kênh đào Suez từ ngày 23/3, chắn ngang kênh và gây tắc nghẽn lưu thông hàng hải.

Hoạt động vận tải trên Kênh đào Suez của Ai Cập đã được nối lại vào tối 29/3, sau khi các tàu kéo giải cứu thành công Ever Given. Hiện tàu Ever Given đang được neo đậu tại hồ Great Bitter, điểm nằm giữa kênh đào Suez về hai đầu bắc, nam và là nơi có chiều ngang rộng nhất trên tuyến kênh này.

Theo Giám đốc SCA Osama Rabie, từ sáng 30/3, các chuyên gia đã lên tàu để điều tra nguyên nhân vụ mắc cạn.

"Cuộc điều tra nhằm xác định những người chịu trách nhiệm cho vụ việc và chỉ rõ các bên sẽ trả tiền bồi thường. Kênh đào Suez không có lỗi trong vụ tai nạn mà là bên bị ảnh hưởng", ông Rabie nêu rõ.

Theo đó, các chuyên gia sẽ tập trung làm rõ những hư hại mà tàu Ever Given gặp phải, cũng như nguyên nhân khiến tàu mắc cạn.

Cũng theo giám đốc SCA, cuộc điều tra sẽ không chỉ chú trọng vào yếu tố thời tiết mà còn tập trung cả vào yếu tố con người và kỹ thuật dù phần đông cho rằng gió lớn và bão cát là nguyên nhân chính khiến Ever Given mắc cạn.

Trước đó, hãng tàu Evergreen Line (Đài Loan), công ty thuê và vận hành tàu Ever Given, cho biết phía chủ sở hữu con tàu, công ty Shoei Kisen Kaisha (Nhật Bản), sẽ chịu trách nhiệm cho bất cứ thiệt hại nào.

Xem thêm >> Kênh đào Suez: Bắt đầu điều tra nguyên nhân của ‘vụ tắc đường đắt đỏ nhất lịch sử’

Tin mới lên