Diễn đàn VNF

'Kênh đối trọng cần thiết và khách quan'

(VNF) - Ông Trần Tuấn Việt - Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tiếp thị VPBank nói: "Báo chí là kênh đối trọng cần thiết và khách quan trước những tin đồn khó kiểm chứng trên mạng xã hội. Khi mạng xã hội xuất hiện và trở thành một kênh thông tin quen thuộc với đại đa số dân chúng thì báo chí chính thống lại càng thể hiện rõ vai trò không thể thay thế của mình".

'Kênh đối trọng cần thiết và khách quan'

Ông Trần Tuấn Việt - Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tiếp thị VPBank.

- Ông đánh giá thế nào về vai trò và vị trí của báo chí đối với sự phát triển của doanh nghiệp nói chung và với VPBank nói riêng?

Ông Trần Tuấn Việt: Tôi cho rằng vai trò của báo chí với các doanh nghiệp nói chung và Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) nói riêng là vô cùng quan trọng. Báo chí là kênh thông tin hai chiều, giúp doanh nghiệp đưa ra tiếng nói của mình đến với công chúng, và ngược lại, truyền tải những mong muốn của người dùng đến với doanh nghiệp để doanh nghiệp có cơ hội liên tục hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ của mình.

Những năm gần đây, khi mạng xã hội xuất hiện và trở thành một kênh thông tin quen thuộc với đại đa số dân chúng thì báo chí chính thống lại càng thể hiện rõ vai trò không thể thay thế của mình, khi là đối trọng cần thiết và khách quan trước những tin đồn khó kiểm chứng trên mạng xã hội.

- Theo ông, bí quyết thành công của VPBank có dấu ấn gì từ công tác truyền thông và sự hỗ trợ từ báo chí?

Kể từ năm 2010, VPBank đặt ra mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ, đồng nghĩa với việc hướng tới phục vụ đa dạng về số lượng cũng như về đối tượng các khách hàng. Tính tới cuối năm 2018, VPBank đang phục vụ gần 10 triệu khách hàng với hàng loạt các sản phẩm, dịch vụ đa dạng, từ các khoản vay cá nhân tiêu dùng nhỏ lẻ, tới việc phát hành thẻ tín dụng phục vụ nhu cầu mua sắm thời hiện đại, đến những khoản vay lớn như mua ô tô, mua nhà, bảo lãnh...

Với việc đa dạng hóa sản phẩm và đối tượng khách hàng như vậy, báo chí là kênh truyền thông có thể coi là sống còn với ngân hàng, bởi nếu thiếu đi kênh liên lạc quan trọng này thì thông tin truyền tải giữa hai bên khó có thể thông suốt, liên tục và đảm bảo khách quan, minh bạch như hiện nay.

- Để góp phần phát triển hệ thống ngân hàng, ông kỳ vọng và mong muốn gì từ cộng đồng báo chí? Theo ông, báo chí cần phải làm gì để hỗ trợ ngày thật nhiều hơn nữa để ngành ngân hàng phát triển bền vững, qua đó đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước?

Chúng tôi cho rằng tài chính ngân hàng và báo chí là hai ngành có điểm chung nhất định, đó là đặt niềm tin và tính minh bạch lên hàng đầu.

Ngành ngân hàng nói riêng và một số ngành trọng yếu khác, trong đó có báo chí, đang đứng trước cơ hội và cũng là thách thức phải chuyển mình trước làn sóng cách mạng 4.0.

Cuộc cách mạng này có thể khiến một số ngành gặt hái thành công ngoài mong đợi, nhưng cũng có thể khiến một số ngành biến mất mãi mãi. Riêng đối với ngành tài chính ngân hàng, nền kinh tế số sẽ cùng lúc đưa xã hội đến với xu thế tiêu dùng không dùng tiền mặt, việc này đòi hỏi cần có sự truyền thông của báo chí để giúp người dân hiểu được những tiện ích, an toàn của các dịch vụ ngân hàng số, tạo lập thói quen tiêu dùng mới, hướng tới xã hội hiện đại, văn minh và minh bạch hơn.

Tin mới lên