Tiêu điểm

Kết quả giám sát việc sử dụng, quản lý đất đai sẽ được công bố vào tháng 5/2019

(VNF) - Tại “Báo cáo tổng hợp trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 5” mà Ban Dân nguyện vừa gửi các đại biểu Quốc hội, cử tri Đà Nẵng kiến nghị Quốc hội cần tăng cường công tác giám sát trong lĩnh vực quản lý đất đai và nhà công sản vì đây là lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng.

Kết quả giám sát việc sử dụng, quản lý đất đai sẽ được công bố vào tháng 5/2019

Kết quả giám sát việc sử dụng, quản lý đất đai sẽ được công bố vào tháng 5/2019

Trả lời cử tri, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết ngày 15/6 vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 61 thành lập đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”.

Theo Uỷ ban Kinh tế, mục đích của việc giám sát là xem xét, đánh giá kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, công tác quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị;

Qua đó, phát hiện vướng mắc về chính sách, pháp luật cũng như những tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện, xác định rõ nguyên nhân và đề ra những giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị trong thời gian tới.

“Kết quả giám sát sẽ được báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019), Quốc hội khóa XIV” – Uỷ ban Kinh tế trả lời cử tri Đà Nẵng.

Cử tri Tiền Giang thì kiến nghị Quốc hội tiến hành giám sát việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của kiểm toán trong việc kịp thời phát hiện các vụ việc có dấu hiệu vi phạm về tài chính, kinh tế, việc chuyển cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu có). Cùng với đó, xem xét trách nhiệm ở các cơ quan trên tại các thời điểm đã xảy ra vi phạm nhưng qua thanh tra, kiểm tra lại không phát hiện.

Với thẩm quyền trả lời của Uỷ ban Tài chính – ngân sách, Uỷ ban này cho biết hàng năm, Tổng Kiểm toán đều ban hành kế hoạch kiểm toán làm căn cứ để triển khai thực hiện nhiệm vụ

Công tác kiểm toán trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, qua đó đã kiến nghị tăng thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng, chuyển hồ sơ có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra (giai đoạn 2011-2017 Kiểm toán nhà nước đã chuyển 13 vụ việc sang cơ quan cảnh sát điều tra).

Tuy nhiên, Uỷ ban Tài chính – ngân sách cũng thừa nhận công tác kiểm toán hiện nay chủ yếu dựa trên hình thức chọn mẫu, chọn điểm nên trong một số trường hợp chưa thể tiến hành một cách đồng bộ, sâu rộng trên tất cả các ngành, lĩnh vực.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Ủy ban Tài chính - ngân sách cho biết sẽ giám sát việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán nhà nước trong năm 2019 và sẽ đi sâu giám sát việc chuyển hồ sơ có dấu hiệu tội phạm cho các cơ quan chức năng xử lý, đồng thời có kiến nghị với Kiểm toán nhà nước khi ban hành kế hoạch kiểm toán hàng năm cần tập trung, tăng cường kiểm toán các lĩnh vực bức xúc được dư luận và xã hội quan tâm.

Trong khi đó, cử tri các tỉnh Thanh Hóa, Khánh Hòa và Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị Quốc hội tăng cường vai trò giám sát việc thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng, phòng chống lợi ích nhóm; giám sát việc xử lý hành vi vi phạm của một số cán bộ cấp cao trong Quân đội, Công an.

Trả lời kiến nghị này, Ủy ban Tư pháp cho biết thời gian qua, hoạt động giám sát nói chung, giám sát về công tác phòng, chống tham nhũng nói riêng của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã được tăng cường, không ngừng cải tiến, đổi mới về phương thức giám sát nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác này.

Việc giám sát đã góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng; công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử được tăng cường, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, gây thất thoát lớn vốn và tài sản nhà nước tiếp tục được phát hiện và xử lý kịp thời; nhiều vụ việc liên quan đến vi phạm của những cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, tướng lĩnh trong Quân đội, Công an nhân dân... kể cả những cán bộ đã về hưu cũng đều được đưa ra xử lý nghiêm minh.

Việc này tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và nhà nước.

Tuy nhiên, cũng theo Uỷ ban Tư pháp, hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội vẫn còn có mặt hạn chế, tình hình tham nhũng vẫn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp.

Do đó, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ tiếp tục tăng cường triển khai nhiều phương thức giám sát việc phòng, chống tham nhũng như tăng cường các hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát chuyên đề liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng.

Riêng Ủy ban Tư pháp sẽ tăng cường giám sát việc xử lý đối với một số vụ án tham nhũng cụ thể, theo dõi, giám sát việc điêu tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến cán bộ cấp cao...;

Trên cơ sở đó có đánh giá, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, các cấp, các ngành, các địa phương đối với các hạn chế, yếu kém trong công tác phòng, chống tham nhũng, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực để đạt được mục tiêu “từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng”.

Cử tri mong Tổng bí thư, Chủ tịch nước đi các tỉnh tiếp xúc cử tri

Cử tri Đồng Nai kiến nghị, mong muốn đại biểu Quốc hội là Chủ tịch nước, Tổng Bí thư nên thay phiên đi các tỉnh ngoài địa bàn ứng cử để tiếp xúc cử tri và lắng nghe ý kiến của cử tri trong cả nước.

Trả lời cử tri, Ban Dân nguyện dẫn khoản 2, Điều 27 Luật Tổ chức Quốc hội quy định: “đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri ở nơi ứng cử theo chương trình tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội. đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri ở nơi cư trú, nơi làm việc; tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu quan tâm”.

Bên cạnh đó, tại khoản 1, Điều 27 Nghị quyết liên tịch số 525 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định: “Trong trường hợp cần thiết để nâng cao chất lượng, hiệu quả đóng góp của mình vào xây dựng luật, hoạt động giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, đại biểu Quốc hội có thể tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi mình ứng cử”.

Như vậy, theo Ban dân nguyện, việc tiếp xúc cử tri ngoài địa phương nơi đại biểu Quốc hội ứng cử là căn cứ vào yêu cầu thực tế công tác của mỗi đại biểu Quốc hội, nhằm đáp ứng tốt hơn việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình.

Việc các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước (Chủ tịch nước, Tổng Bí thư) về các địa phương tiếp xúc cử tri và nhân dân là thực tế đã được các đồng chí lãnh đạo thực hiện từ trước đến nay.

Trong trường hợp Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nhận thấy, địa phương và cử tri kiến nghị cần lãnh đạo Đảng, Nhà nước về tiếp xúc cử tri để giải quyết công việc được tốt hơn, đề nghị Đoàn gửi trực tiếp kiến nghị đến đồng chí lãnh đạo. Đồng thời, nắm tình hình thực tế của địa phương, để phục vụ lãnh đạo về địa phương tiếp xúc cử tri, vừa thể hiện tính dân chủ, mối quan hệ gần gũi giữa đại biểu Quốc hội với cử tri, phù hợp với thực tế và đúng theo quy định của pháp luật.

Tin mới lên