Ngân hàng

Khả năng thanh toán suy yếu, Sacombank bị hạ tín nhiệm trước thềm ĐHCĐ

(VNF) - Theo Moody’s, việc hạ điểm tín nhiệm của Sacombank chủ yếu xuất phát từ khả năng thanh toán của ngân hàng này đã suy yếu, phản ánh qua lượng lớn tài sản có vấn đề của ngân hàng này.

Khả năng thanh toán suy yếu, Sacombank bị hạ tín nhiệm trước thềm ĐHCĐ

Ngày 13/6, tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Services đã thông báo cắt giảm điểm tín nhiệm Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Đây là sự kiện nối tiếp, sau nhiều xáo trộn trong hoạt động và thông tin bên lề tập trung vào ngân hàng này thời gian gần đây.

Thông báo hạ tín nhiệm Sacombank của Moody's ngày 13/6.

Cụ thể, Moody đã hạ một bậc xếp hạng phát hành nợ và tiền gửi dài hạn của Sacombank xuống mức Caa1 từ mức B3. Triển vọng xếp hạng của Sacombank được Moody's đánh giá là tiêu cực. Triển vọng tiêu cực đồng nghĩa với việc Sacombank có thể tiếp tục bị hạ điểm tín nhiệm trong thời gian tới.

Đồng thời, Moody's cũng hạ bậc xếp hạng tín dụng cơ sở (BCA) của Sacombank từ caa1 xuống caa2, đánh giá rủi ro hợp tác dài hạn từ B2 (cr) xuống B3 (cr). Xếp hạng nợ và tiền gửi ngắn hạn, đánh giá rủi ro hợp tác ngắn hạn của Sacombank được giữ nguyên.

Theo Moody’s, việc hạ điểm tín nhiệm của Sacombank chủ yếu xuất phát từ khả năng thanh toán của ngân hàng này đã suy yếu, phản ánh qua lượng lớn tài sản có vấn đề của ngân hàng này. Moody’s cũng cho biết việc hạ BCA của Sacombank phản ánh rủi ro lớn hơn đối với trạng thái tài chính độc lập của Sacombank.

Khó đảm bảo việc thu hồi tài sản có vấn đề của Sacombank

Tháng 5/2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phê duyệt đề án tái cấu trúc Sacombank từ 2017 tới năm 2025. Theo Sacombank, kế hoạch này là kết quả của việc ngân hàng sáp nhập với ngân hàng có vấn đề là Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) vào cuối năm 2015.

Kế hoạch này xác định các tài sản có vấn đề cần được giải quyết trước năm 2025. Kế hoạch cũng cho phép ngân hàng linh hoạt trong việc tạo trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong những năm tới, mà không cần phải tạo ra các khoản dự phòng trước mắt. Điều này giúp Sacombank có thời gian dần dần giải quyết các tài sản có vấn đề thông qua thu hồi và xử lý tài sản thế chấp.

Đề án tái cấu trúc này không nhắc tới việc cung cấp vốn hay hỗ trợ thanh khoản từ Chính phủ hay NHNN. Moody's cũng hiểu rằng các cổ đông lớn của Sacombank đã ủy thác cổ phần của mình cho NHNN thông qua Công ty Quản lý Tài sản (VAMC), doanh nghiệp hiện đang quản lý số cổ phần này.

Tổng số tài sản có vấn đề của Sacombank đứng ở mức khoảng 90 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2016, tương đương khoảng 27% tổng tài sản. Theo ngân hàng này, tài sản có vấn đề bao gồm các khoản nợ xấu, trái phiếu VAMC, giao dịch repo, và các khoản lãi chậm trả.

Theo Moody's, ngân hàng có bộ đệm bảng cân đối tài sản thấp so với một lượng lớn tài sản có vấn đề. Bộ đệm bao gồm khoản dự phòng tín dụng là 4,8 nghìn tỷ đồng và vốn cấp 1 (vốn chủ sở hữu) là 19,6 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2016. Theo Moody's, sẽ mất nhiều năm để ngân hàng giải quyết những tài sản có vấn đề.

Theo kế hoạch tái cơ cấu của Sacombank, Sacombank sẽ thu hồi và bán lại tài sản thế chấp nhằm khôi phục tài sản có vấn đề. Theo ngân hàng, giá trị tài sản thế chấp - chủ yếu là bất động sản - lên đến 77 nghìn tỷ vào cuối năm 2016, và lãnh đạo ngân hàng kỳ vọng cao vào việc khôi phục các tài sản có vấn đề trong những năm tới. 

Moody's cho rằng thành công trong việc thu hồi các tài sản có vấn đề của Sacombank "khó có thể được đảm bảo" bởi vì việc thu hồi các tài sản thế chấp có thể kéo dài tại Việt Nam, trong khi việc chuyển đổi thành tiền mặt phụ thuộc nhiều vào diễn biến thị trường bất động sản.

Lợi nhuận Sacombank tiếp tục ở mức thấp trong những năm tới

Vị thế vốn của Sacombank được báo cáo ở mức khiêm tốn, với tỷ lệ vốn cổ phần trên tài sản hữu hình đã điều chỉnh rủi ro là 8,5% vào cuối năm 2016. Vị thế vốn kinh tế của ngân hàng thực sự thấp hơn theo quan điểm của Moody's, bởi khoảng chênh lệch dự phòng lớn, thậm chí nếu ngân hàng có thể bán tài sản thế chấp gần với mức giá trị dự kiến.

Hơn nữa, Moody's dự báo rằng Sacombank sẽ theo đuổi chiến lược phát triển nhanh chóng để tăng tỷ trọng tài sản hiện hữu, điều này sẽ tạo ra áp lực tiêu cực hơn tới vị thế vốn của ngân hàng.

Khả năng sinh lời sẽ vẫn rất thấp trong những năm tới, khi phần lớn thu nhập trước lãi vay sẽ được chuyển thành dự phòng rủi ro tín dụng. Năm 2016, hiệu quả hoạt động tài chính của ngân hàng gần đạt tới mức hòa vốn.

Khả năng thanh khoản và cung cấp vốn của Sacombank tương đối ổn định trong năm 2016 và đầu năm 2017, tuy nhiên ở mức độ thấp sau khi xấu đi trong năm 2015 sau khi sáp nhập với Southern Bank. Tài sản thanh khoản chiếm tới 14% tổng tài sản của Sacombank vào cuối tháng 3/2017, tạo ra mức đệm thấp trước những cú sốc thanh khoản và tài trợ vốn.

Xếp hạng tiền gửi và phát hành nợ ở mức Caa1 của Sacombank được hỗ trợ từ xếp hạng B1 triển vọng tích cực của Chính phủ Việt Nam. Moody's cũng cho biết đánh giá của mình còn được củng cố bởi tỷ trọng xấp xỉ 4% trong tổng tài sản của hệ thống ngân hàng Việt Nam của Sacombank tính tới cuối năm 2016. Mặc dù Moody's không mong đợi bất kỳ sự hỗ trợ nào về vốn cho Sacombank từ Chính phủ, một số hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp từ NHNN có thể được thực hiện, trong trường hợp cần thiết.

Triển vọng xếp hạng tiêu cực, theo Moody's thể hiện những rủi ro suy giảm liên quan tới xếp hạng của Sacombank. Theo Moody's, ngân hàng đang đối mặt với những rủi ro thanh khoản và thanh toán rất lớn.

Từ tháng 4/2017, trước thềm kế hoạch dự kiến lần 1 tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2015 và 2016, tình hình hoạt động và đặc biệt ở khó khăn nợ xấu của Sacombank được đặt ra.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016, Sacombank có 13.166 tỷ đồng nợ xấu, tương đương với 6,8% dư nợ. Nếu tính cả số nợ xấu đã bán cho VAMC là 37.300 tỷ đồng thì tổng số nợ xấu của Sacombank khoảng 50.000 tỷ đồng.

Sau quyết định lùi lịch tổ chức đại hội sang 26/5, cơ cấu ứng viên HĐQT tiếp tục gây chú ý với những thay đổi lớn cho đến gần đây. Sau đó, đại diện Sacombank tiếp tục công bố lý do hoãn ĐHCĐ do công tác chuẩn bị nhân sự HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2021 và một số tài liệu Đại hội chưa hoàn tất.

Ông Nguyễn Đức Hưởng – tân Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, mới đây cho rằng, ứng viên Sacombank phải có nghề ngân hàng, phải có nghề bất động sản và có tiền thật. Sau đại hội cổ đông của LienVietPostBank, dư luận đồn đoán là ông Đặng Văn Thành sẽ quay lại, ông Dương Công Minh cũng ứng cử vào HĐQT Sacombank.

Người đứng đầu LienVietPostBank cho rằng "2 ứng cử viên này nếu họ mà vào thật thì họ đều có nghề ngân hàng, đều có nghề bất động sản, là may mắn cho Sacombank".

Tin mới lên