Diễn đàn VNF

'Khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn chưa rõ'

(VNF) - Theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, hiện nay còn quá nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn hoạt động trong nhiều ngành nghề mà đáng ra nên để hoàn toàn cho khu vực kinh tế tư nhân.

'Khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn chưa rõ'

Tại hội thảo "Vai trò Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, những vấn đề về cải cách thể chế giai đoạn 2016-2020", Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Trung ương cho hay, sau 30 năm đổi mới, chúng ta mới nhận ra một điều rằng khái niệm "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa"  vẫn "còn chưa rõ". 

Hiện nay, mức độ, phạm vi tham gia của Nhà nước vào các hoạt động kinh tế nói chung, đầu tư nói riêng đã có những điều chỉnh theo hướng giảm nhưng vẫn còn quá lớn. "Đầu tư công vẫn vào nhiều ngành, lĩnh vực mà khu vực tư nhân có khả năng tham gia, dẫn đến nguy cơ lấn át đầu tư tư nhân hiệu quả",Tiến sỹ Cung nhận định.

Đầu tư của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện chiếm tỷ lệ chi phối nhiều ngành, lĩnh vực như khai thác than (96%), sản xuất phân phối điện, khí đốt (98%), sản xuất thuốc lá (100%), viễn thông (92%), khai thác dầu khí, khí đốt (100%), vận tải đường thủy (88%),...Điều này dẫn đến độc quyền, làm méo mó thị trường, thiếu cạnh tranh, thiếu sáng tạo cũng như áp dụng khoa học công nghệ, hiệu quả sử dụng nguồn lực và năng suất lao động thấp.

Ngoài ra, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, mặc dù ngân sách nhà nước là nguồn chính của đầu tư công nhưng gần đây có xu hướng phụ thuộc vào nguồn vốn vay, dẫn đến nguy cơ gia tăng nợ công. Trong khi đó, vốn cho khu vực tư nhân lại giảm xuống. 

"Ngân sách trong mấy năm gần đây thu không đủ chi thường xuyên, tư nhân ngày càng nhỏ, ngày càng yếu đi", ông Cung nói.

Ông Cung nhấn mạnh: "Không cứ phải doanh nghiệp nhà nước mà doanh nghiệp tư nhân cũng có thể làm được tất cả, tư nhân cũng có những tập đoàn rất lớn mạnh. Vấn đề là có tạo cơ hội cho họ làm không hay là đang ngăn chặn họ. Phải thay đổi lại tư duy, lựa chọn doanh nghiệp tư nhân để họ tham gia vào phát triển kinh tế một cách phù hợp".

Theo ông, hiện nay, xu hướng các nước trên thế giới đang chuyển giao dần cho khu vực kinh tế tư nhân. "Các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, các nước phát triển có tiềm lực lớn nhưng họ cũng phải lựa chọn cái tốt nhất, hay nhất, lựa chọn theo thứ tự ưu tiên để đầu tư hiệu quả chứ không làm tràn lan như mình", ông Cung nói.

Trong khi đó, hiệu quả đầu tư công của nước ta đang có xu hướng giảm xuống, luôn thấp hơn so với đầu tư toàn nền kinh tế. Nguyên nhân, theo ông Cung, là do chất lượng ước tính nguồn vốn cũng như hiệu quả quản lý kém. Các dự án bị đội vốn lên rất nhiều.

So với thông lệ quốc tế, thể chế quản trị đầu tư công của Việt Nam hiện nay ở mức kém, được đánh giá chưa đến 1/10 điểm theo các chỉ tiêu.

Trước thực trạng này, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung kiến nghị, Nhà nước cần rút lui đáng kể khỏi nền kinh tế với tư cách là nhà đầu tư, nhà sản xuất trong doanh nghiệp, sự can thiệp của Nhà nước phải nhằm khắc phục những thất bại của thị trường. Đồng thời cần lựa chọn ưu tiên, nhiều khi thậm chí phải chọn "ưu tiên của ưu tiên", nếu không sẽ đầu tư dàn trải, đầu tư theo phong trào, không hiệu quả.

"Bán thật mạnh những doanh nghiệp nhà nước không còn hiệu quả, tư nhân hóa hẳn những lĩnh vực kinh doanh nhà nước không đáng nắm giữ như khách sạn, thương mại, nhà hàng, bán buôn bán lẻ, vận tải. Ở các lĩnh vực này tư nhân làm tốt hơn nên để tư nhân làm", ông Cung kiến nghị.

"Theo tôi, nếu làm được các điều này, giai đoạn 2016-2020 sẽ là bước tiến về chất và hiệu quả trong vai trò của Nhà nước cũng như đầu tư trong nền kinh tế", Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung khẳng định.

Tin mới lên