Bất động sản

Khánh Hòa: Hướng đến đô thị thông minh ngang tầm châu Á

(VNF) - Dự thảo quy hoạch tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng tỉnh trở thành một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước; là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á; một trong những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống hàng đầu châu lục.

Khánh Hòa: Hướng đến đô thị thông minh ngang tầm châu Á

Trung tâm TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

4 vùng quy hoạch và 3 trụ cột chính

Tỉnh Khánh Hòa đang lấy ý kiến góp ý, hoàn thiện quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Bộ Kế hoạch - Đầu tư thẩm định để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo dự thảo, Khánh Hòa được thành 4 vùng quy hoạch chính nhằm khai thác lợi thế đặc biệt của mỗi vùng, bao gồm: khu kinh tế Vân Phong; khu vực Nha Trang, Diên Khánh và phía nam Ninh Hòa; Cam Ranh và khu vực ven biển Cam Lâm; khu vực nội địa và miền núi.

Trong đó, khu kinh tế Vân Phong sẽ là trung tâm du lịch cao cấp, trung tâm năng lượng (LNG), nuôi trồng và chế biến thủy sản tiên tiến, hệ sinh thái nhà ở và cảng container. Khu vực Nha Trang, Diên Khánh và phía nam Ninh Hòa sẽ phát triển nghỉ dưỡng biển, đảo, nghỉ dưỡng cho người lớn tuổi, thủ phủ thể thao, sự kiện văn hóa công nghệ cao và trung tâm giáo dục - đào tạo. Khu vực Cam Ranh và vùng ven biển Cam Lâm sẽ phát triển thành trung tâm logistics, dịch vụ và công nghiệp quốc phòng, nuôi trồng thủy sản. Khu vực nội địa và miền núi (các huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn và phía tây Ninh Hòa) sẽ phát triển du lịch sinh thái tâm linh, nông nghiệp giá trị cao, bảo vệ tài nguyên rừng, chế biến thực phẩm công nghiệp.

Đồ án quy hoạch định hướng đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc trung ương; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; thể hiện rõ vai trò một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. Khu kinh tế Vân Phong trở thành địa bàn động lực phát triển mới của tỉnh và vùng Nam Trung Bộ.

Đến năm 2050, Khánh Hòa là một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước; là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á; một trong những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống hàng đầu của châu lục. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Các hoạt động kinh tế, xã hội và quản trị của chính quyền vận hành chủ yếu theo phương thức của nền kinh tế số, xã hội số.

Các ngành sản xuất, dịch vụ phát triển theo phương thức thông minh và các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Các mặt xã hội phát triển hài hòa. Nhân dân và người lao động của Khánh Hòa có đời sống chất lượng cao trong các cộng đồng dân cư được xây dựng lành mạnh, văn minh, tiến bộ. Các di sản và giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn và phát huy. Môi trường và cảnh quan thiên nhiên được gìn giữ, nhất là môi trường biển và ven biển; là địa phương đi đầu trong việc thực hiện mục tiêu đưa phát thải khí nhà kính về mức “0” của Việt Nam vào năm 2050.

Đồ án quy hoạch cũng xác định có 3 trụ cột chính để phát triển xuyên suốt, gồm: dịch vụ hàng đầu về du lịch, tài chính, bán lẻ và phát triển du lịch; sản xuất chế biến, chế tạo, công nghệ thông tin và công nghệ tiên tiến; chế biến nông sản và thủy sản giá trị cao. Song song với đó, tỉnh phải có nhiều đòn bẩy hỗ trợ phát triển như: hạ tầng giao thông vận tải, y tế, giáo dục, xúc tiến đầu tư.

Phát triển đồng đều các khu vực

Góp ý về dự thảo quy hoạch tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại hội thảo do UBND tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức, TS Trần Du Lịch, nguyên thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, đề xuất 5 trụ cột phát triển Khánh Hòa. Thứ nhất, phải đưa du lịch Nha Trang trở thành trung tâm du lịch của vùng Khánh Hòa - Ninh Thuận - Lâm Đồng - Đắk Lắk - Phú Yên. Thứ hai, cảng logistics ở phía nam Vân Phong phải liên kết phát triển và có sự hỗ trợ của vùng công nghiệp phía sau lưng để phát triển đột biến.

Thứ ba, phải phát triển công nghiệp, trong đó có đóng tàu, chế biến và hình thành ở vùng nông thôn những cụm liên kết công - nông nghiệp. Thứ tư, phải tập trung phát triển nông nghiệp, trong đó nâng cao vai trò của ngư nghiệp, hiện đại hóa để phát triển bền vững. Thứ năm, phải quy hoạch các đô thị, đô thị hóa, phát triển thị trường bất động sản để tạo động lực tăng trưởng.

Còn theo tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, cố vấn trưởng quy hoạch tỉnh Khánh Hòa, muốn phát triển bền vững, Khánh Hòa phải tối ưu hóa các tiềm năng phát triển đô thị biển, sông, núi, đảo; tạo phát triển đồng đều ở các khu vực, không nên tập trung quá nhiều cho Nha Trang.

Bên cạnh đó, địa phương cũng nên phát huy thế mạnh tài nguyên và phát triển kinh tế - xã hội trong tương quan liên kết hợp tác vùng (Khánh Hòa - Ninh Thuận - Phú Yên - Đắk Lắk - Lâm Đồng); hình thành hệ sinh thái phát triển các khu vực trọng điểm và các trục động lực phát triển.

Ông Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh Khánh Hòa cần lưu ý hài hòa mục tiêu bảo tồn và phát triển; thu hút nguồn lực đầu tư, khuyến khích hợp tác công tư trong nước với nước ngoài theo tư duy kinh tế thị trường; xây dựng nền tảng cho sự phát triển kinh tế số và đô thị thông minh, kết nối quốc gia và quốc tế; đảm bảo an cư lạc nghiệp cho người dân trong mọi giai đoạn thực hiện quy hoạch.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 09/NQ-TW của Bộ Chính trị; tiếp đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 55/2022-QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Đây là những cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc và là cơ hội lớn để tỉnh xác định định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong những giai đoạn tới, nhất là đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc trung ương.

“Việc quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong chiến lược phát triển của tỉnh, phù hợp với định hướng phát triển theo tinh thần Nghị quyết 09/NQ-TW của Bộ Chính trị”, ông Nguyễn Tấn Tuân nói.

Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa cũng cho hay, tỉnh sẽ tiếp thu, lựa chọn những ý tưởng hay và khả thi nhất của các chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng, hoàn thiện quy hoạch phát triển tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Bộ Kế hoạch - Đầu tư thẩm định để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng đơn vị tư vấn sớm tổng hợp các ý kiến để cập nhật, hoàn thiện nội dung quy hoạch tỉnh Khánh Hòa, đảm bảo khả thi, chất lượng, khoa học; giao các sở, ban, ngành, địa phương nghiên cứu, cụ thể hóa những ý tưởng hay, có giá trị thực tiễn thành chương trình, đề án, kế hoạch phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương ngay sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt…

Tin mới lên