Bất động sản

Khánh Hòa: Thống nhất đề xuất di dời ga Nha Trang ra khỏi nội thành

(VNF) - Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đã thống nhất đề xuất di dời ga Nha Trang ra khỏi nội thành để xây dựng phương án quy hoạch và xây dựng phương án bảo tồn

Khánh Hòa: Thống nhất đề xuất di dời ga Nha Trang ra khỏi nội thành

Khánh Hòa: Thống nhất đề xuất di dời ga Nha Trang ra khỏi nội thành

Tỉnh uỷ Khánh Hoà mới đây đã có thông báo kết luận của thường trực Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa (gọi tắt Ban chỉ đạo quy hoạch Khánh Hoà) tại buổi họp với các đơn vị tư vấn là Viện Quy hoạch đô thị, nông thôn quốc gia - VIUP và Công ty McKinsey & Company Việt Nam về việc lập điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040.

Về phạm vi lập quy hoạch, Ban chỉ đạo quy hoạch Khánh Hoà đề nghị cần nghiên cứu định hướng mở rộng không gian phát triển kết nối đến huyện Diên Khánh và phía nam thị xã Ninh Hòa.

Việc điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang phải gắn với phân bố không gian phát triển hài hòa, hợp lý theo hướng mở rộng không gian phát triển về phía bắc của thành phố (xã Vĩnh Lương, núi Cô Tiên) kết nối với khu vực phía nam thị xã Ninh Hòa (đầm Nha Phu) và mở rộng không gian phát triển về phía tây thành phố (khu vực đồi núi).

Đáng chú ý, kết luận của Ban chỉ đạo quy hoạch Khánh Hoà cũng thống nhất đề xuất di dời ga Nha Trang ra khỏi nội thành để xây dựng phương án quy hoạch và xây dựng phương án bảo tồn, sử dụng ga sau khi di dời bảo đảm hợp lý và phát huy hiệu quả.

Việc di dời ga Nha Trang ra khỏi nội thành được bàn đến rất nhiều trong các cuộc họp, bởi có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề này.

Như VietnamFinance đã thông tin, đầu tháng 2/2020, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa về phương án di dời ga Nha Trang của Công ty TNHH Tập đoàn thương mại Tuấn Dung (có trụ sở giao dịch tại TP. Hà Nội).

Cụ thể, theo đề xuất của Công ty TNHH Tập đoàn thương mại Tuấn Dung, phương án 1 sẽ cải tạo ga Nha Trang thành ga khách, xây dựng mới cầu quay máy để bỏ đường vòng; xây dựng ga Vĩnh Trung mới là ga hàng hóa có khu chỉnh thiết bị đầu máy toa xe; xây dựng đường vòng trạm tại khu vực nút giao thông Ngọc Hội để tránh tàu hàng đi vào trung tâm thành phố.

Cùng với đó, phương án quy hoạch sử dụng đất khu vực ga Nha Trang với diện tích khoảng 36.400m2 được xác định: xây dựng chung cư cao 30 tầng và công trình hỗn hợp 35 tầng, nhà ở thương mại, cây xanh công viên, đường giao thông nội bộ.

Phương án 2 là cải tạo ga Nha Trang thành bảo tàng du lịch. Theo đó, dỡ bỏ ga Nha Trang và đường bóng đèn hiện tại, cải tạo tuyến đường sắt chính tuyến từ Km1312+500 đến Km1318+300, đường sắt không vào trung tâm TP. Nha Trang, đồng thời xây dựng ga Vĩnh Trung mới, là ga kỹ thuật hỗn hợp khách hàng có khu chỉnh thiết bị đầu máy toa xe.

Sau khi di dời ga, quy hoạch sử dụng đất khu vực ga Nha Trang với diện tích khoảng hơn 114.200m2, sẽ bố trí như sau: bảo tàng ga, chung cư cao 30 tầng, công trình hỗn hợp 35 tầng, nhà ở xã hội, nhà liên kế, nhà ở kết hợp thương mại, cây xanh công viên, đường giao thông nội bộ.

Với đề xuất của Tập đoàn Tuấn Dung, nhiều chuyên gia kinh tế và giao thông yêu cầu làm rõ về phương án tài chính, phản ứng của dân cư, xã hội. Vì hiện tại, năng lực vận tải nhà ga vẫn đảm bảo nhu cầu vận chuyển trên tuyến, không bị áp lực.

Mặt khác, ga hành khách nên ở khu vực trung tâm thành phố, tạo thuận lợi cho hành khách đi tàu mới phát triển được vận tải đường sắt. Nếu di dời toàn bộ ra ga Vĩnh Trung, cần có phương án giao thông kết nối từ nhà ga mới về khu vực trung tâm.

Hơn nữa, việc di dời đòi hỏi số kinh phí rất lớn vì không chỉ đầu tư phần hạ tầng phục vụ trực tiếp chạy tàu mà còn cả hạ tầng kĩ thuật của các đơn vị đường sắt liên quan trong khu ga.

Trả lời về việc di dời ga Nha Trang, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể từng chia sẻ: về chủ trương, Bộ GTVT đồng ý để Tập đoàn Tuấn Dung lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để Bộ GTVT thẩm định, trình Chính phủ, thực hiện các bước theo quy định pháp luật. Chi phí lập hồ sơ báo cáo do nhà đầu tư tự bỏ vốn.

“Việc tháo dỡ cũng như đầu tư, cải tạo hạ tầng đường sắt quốc gia thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Vì thế, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ về vấn đề này”, Bộ trưởng Thể nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhắc nhở: nếu được thông qua chủ trương đầu tư, nhà đầu tư cũng phải tham gia đấu thầu theo luật định. Đồng thời, nhà đầu tư cần nghiên cứu chi tiết hơn phương án tài chính, tính khả thi của dự án, xin ý kiến của TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa…

Liên quan đến quỹ đất sau khi di dời nhà ga cũ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đặt vấn đề: "Toàn bộ quỹ đất ga Nha Trang sau khi di dời nhà ga sẽ được sử dụng vào mục đích gì? Có phù hợp với quy hoạch thành phố không? Hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng giao thông bao gồm cả giao thông kết nối như thế nào? Hạ tầng cơ sở, hạ tầng kĩ thuật khu ga mới cần đảm bảo tất cả các chức năng, nhiệm vụ phục vụ vận tải ra sao? Đặc biệt, với nền đường sắt vòng sau khi tháo dỡ, cần có phương án bảo vệ để không bị xâm phạm đất công. Tất cả các nội dung đó phải nghiên cứu kĩ”, Bộ trưởng nói.

Tin mới lên