Bất động sản

Khảo sát ý kiến nhà đầu tư về dự án Cảng hàng không Quảng Trị

(VNF) - UBND tỉnh Quảng Trị sẽ khảo sát lấy ý kiến của các nhà đầu tư về khả năng triển khai, quy mô, tiêu chuẩn và tính khả thi của dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Phối cảnh sân bay Quảng Trị (Ảnh: T&T)

Ban Quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Trị vừa có thông báo mời các nhà đầu tư quan tâm thực hiện việc khảo sát, đánh giá các nội dung liên quan đến dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị.

Theo đó, Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không (CHK) Quảng Trị do Công ty CP Tập đoàn T&T đề xuất, với mục tiêu nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không ngày càng tăng cao, góp phần thúc đẩy phát triển chính trị, kinh tế, xã hội… khu vực Trung bộ nói chung, tỉnh Quảng Trị nói riêng.

Quy mô dự án theo quy hoạch là sân bay cấp 4C và sân bay quân sự cấp II; công suất 1 triệu hành khách/năm và 3.100 tấn hàng hoá/năm. Loại tàu bay khai thác sẽ là tàu bay code C hoặc tương đương. Tổng số vị trí đỗ tàu bay là 5 vị trí code C (nhưng có khả năng đỗ tàu bay code E).

Dự kiến quy mô đầu tư trong giai đoạn 1 sẽ là xây dựng các công trình cơ bản của CHK Quảng Trị đạt tiêu chuẩn CHK cấp 4 và sân bay quân sự cấp II; đạt công suất theo dự báo khai thác khoảng 2,2 triệu hành khách/năm vào năm 2046 và khoảng 5.600 tấn hàng hoá vào năm 2042.

Giai đoạn 2, sẽ đầu tư hạ tầng khu phục vụ mặt đất tại CHK năm 2029; mở rộng nhà ga hành khách năm 2047 đảm bảo khai thác đến 5 triệu hành khách; mở rộng nhà ga hàng hoá đợt 1 năm 2043 với công suất khai thác khoảng 13.700 tấn/năm, đợt 2 vào năm 2059 với công suất khai thác khoảng 25.500 tấn/năm; đồng thời, xây dựng các văn phòng cơ quan nhà nước và các công trình dịch vụ hàng không và phi hàng không phù hợp với quy hoạch. Đối với khu đất quân sự (51,2ha), sẽ đầu tư khi Quân đội có nhu cầu.

Dự án sẽ được triển khai tại các xã Gio Quang, Gio Hải, Gio Mai, thuộc huyện Gio Linh với thời gian thực hiện 50 năm. Trong đó, giai đoạn chuẩn bị dự án và đầu tư xây dựng từ năm 2021 đến 2024, thực hiện đầu tư xây dựng 22 tháng kể từ ngày ký hợp đồng. Thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn là 47 năm 4 tháng.

Dự án được thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT). Sơ bộ tổng mức đầu tư dự kiến cho 2 giai đoạn là 5.822,9 tỷ đồng. Cụ thể, giai đoạn 1 là 2.913,6 tỷ đồng (vốn nhà đầu tư huy động 2.680,5 tỷ đồng; vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ để thực hiện GPMB, tái định cư là 233,1 tỷ đồng). Giai đoạn 2 là 2.909,3 tỷ đồng (vốn nhà đầu tư là 2.829,6 tỷ đồng, vốn ngân sách Nhà nước là 79,7 tỷ đồng).

Theo BQL dự án tỉnh Quảng Trị cho biết, nguyên tắc xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư đó là đấu thầu rộng rãi quốc tế hoặc đấu thầu rộng rãi trong nước tuỳ vào số lượng các nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký quan tâm đến dự án.

Cũng theo BQL dự án, nội dung cần khảo sát ý kiến nhà đầu tư, bên cho vay đó là khả năng triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông hàng không có quy mô tương tự như dự án CHK Quảng Trị của khu vực tư nhân theo hình thức đối tác công tư (PPP); Khảo sát xin ý kiến của nhà đầu tư, bên cho vay về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật thực hiện dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về chủ trương đầu tư dự án CHK Quảng Trị theo phương thức đối tác công tư (PPP) trước đó (20/12/2021). Đánh giá của nhà đầu tư, bên cho vay về tính hấp dẫn, khả thi của dự án, mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu kỳ vọng của nhà đầu tư…cùng một số các nội dung khác có liên quan đến dự án.

Nhà đầu tư quan tâm có thể nộp hồ sơ về tư cách pháp lý, năng lực kinh nghiệm tương ứng, cũng như các phản hồi đối với nội dung khảo sát lấy ý kiến dự án của UBND tỉnh Quảng Trị bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh. Các văn bản, tài liệu bằng ngôn ngữ khác phải được cung cấp với bản dịch có công chứng sang tiếng Việt. Thời gian hết hạn đăng ký của nhà đầu tư quan tâm sẽ là 16h ngày 19/9/2022.

Tin mới lên