Nhân vật

‘Khát vọng của tôi là xây dựng chuỗi cung ứng bền vững cho ngành tôm Việt Nam’

(VNF) - Chia sẻ với VietnamFinance nhân thập niên mới 2021 - 2030, chị Hồ Hoa Đông, lãnh đạo trẻ của Khang An Foods, cũng là thế hệ kế cận trong gia đình có truyền thống trong ngành tôm, bày tỏ khát vọng xây dựng chuỗi cung ứng bền vững cho ngành tôm Việt Nam.

‘Khát vọng của tôi là xây dựng chuỗi cung ứng bền vững cho ngành tôm Việt Nam’

Phó tổng giám đốc Khang An Foods Hồ Hoa Đông

Nhiều chuyên gia đồng quan điểm rằng nông nghiệp là một trong số ít ngành mà Việt Nam có lợi thế so với các nước trên thế giới, đặc biệt là thủy sản. Trong đó, ngành tôm không thể đứng ngoài sứ mệnh tạo dựng một nền nông nghiệp mạnh trong thập niên mới 2021 - 2030.

Khởi động một thời kỳ mới, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo trẻ của một doanh nghiệp hoạt động trong ngành tôm Việt Nam, đồng thời là một đại diện của thế hệ kế cận trong gia đình có truyền thống trong ngành, đó là chị Hồ Hoa Đông.

Chị Hồ Hoa Đông sinh năm 1987, hiện đảm nhiệm cương vị Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Khang An (Khang An Foods), là con gái của vợ chồng doanh nhân Hồ Quốc Lực - Dương Ngọc Kim, những người gây dựng và lãnh đạo Công ty Cổ phần Thực Phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) - một trong những doanh nghiệp tôm lớn nhất Việt Nam.

- Khang An Foods là một cái tên mới trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Vì sao FMC lại quyết định thành lập doanh nghiệp này trong bối cảnh đặc biệt của dịch Covid-19? “Ra riêng” với Khang An Foods, khát vọng của bạn là gì?

Phó tổng giám đốc Khang An Foods Hồ Hoa Đông: 2020 là một năm khó khăn với ngành nông nghiệp Việt Nam do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Khang An Foods là một trong số ít các công ty nông nghiệp ra đời trong giai đoạn này.

Là thành viên của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC), mục tiêu của Khang An Foods là tìm kiếm phân khúc khách hàng mới, từ đó thúc đẩy tiềm năng phát triển của FMC cũng như trở thành động lực cải tiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Điểm khác biệt của Khang An Foods so với các doanh nghiệp tôm khác là dòng sản phẩm kết hợp giữa tôm và nông sản. Đây chính là nền tảng để Khang An Foods kết nối với các khách hàng mới, bên cạnh các khách hàng hiện có của FMC.

Khi công ty thành lập, song song với việc kế thừa những giá trị mà FMC đang có, chúng tôi cũng có hướng đi riêng của mình. Dù vậy, những gì liên quan đến giá trị bền vững không bao giờ bị phủ nhận.

Trước mắt, Khang An Foods tập trung tạo ra nguồn thực phẩm an toàn, truy xuất tốt và thực hành tốt về trách nhiệm xã hội. Bên cạnh đó, duy trì hệ thống chuỗi cung ứng theo hướng đồng hành với thông điệp đang nóng trên toàn cầu là biến đổi khí hậu, chẳng hạn như triển khai hệ thống tái sử dụng nước hay các chương trình giảm phát thải carbon… Song song với đó, vùng nuôi của Khang An Foods khá gần nhà máy, vì vậy vừa giữ được chất lượng, vừa giảm phát thải ra môi trường.

Khang An Foods theo đuổi chiến lược phát triển bền vững, cũng nghĩa là khi thưởng thức một sản phẩm của công ty, người tiêu dùng vô tình giúp tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu biến đổi khí hậu so với khi tiêu thụ những sản phẩm khác, đem lại cảm giác thực hiện một việc có ý nghĩa.

Cùng với Khang An Foods, khát vọng của tôi là xây dựng chuỗi cung ứng bền vững cho ngành tôm Việt Nam. Điều đó sẽ giúp con tôm Việt Nam gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.

- Bạn nghĩ sao về thị trường nội địa, có phải các doanh nghiệp thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng đang “bỏ quên” thị trường này? Theo bạn, xu hướng chủ đạo của ngành tôm Việt Nam trong 10 năm tới sẽ là gì, tiếp tục chinh phục các thị trường xuất khẩu khó tính hay chuyển trọng tâm sang thị trường nội địa?

Đây là vấn đề mà ban lãnh đạo FMC từng rất trăn trở.

FMC thống trị phân khúc cao cấp hàng chục năm qua, mô hình kinh doanh đã quen với thị trường khó tính. Vì thế mà ở FMC có câu nói vui: “Bây giờ làm khó quen rồi, làm dễ không biết thực hiện ra sao”.

Bởi vậy nên mọi người trong công ty quyết định tiếp tục theo đuổi những giá trị mà mình đang hướng tới, phấn đấu để trở nên tốt hơn. Thị trường khó tính sẽ tiếp tục là nơi mà FMC chinh phục trong tương lai, đồng thời cũng linh hoạt theo sự phát triển ở từng thời kỳ.

Tiềm năng tại thị trường nội địa là có và FMC cũng như Khang An Foods không lãng quên điều đó. Nhưng doanh nghiệp chúng tôi đang tập trung làm tốt nhất những gì có thể. Ôm đồm một lúc nhiều thứ không dễ. Tôi tin rằng những doanh nghiệp hiện đang tập trung vào thị trường nội địa sẽ làm tốt và tiếp tục phát triển hơn nữa.

Bản thân chúng tôi vẫn luôn hy vọng sản phẩm của mình có thể góp mặt trong tủ lạnh của tất cả gia đình Việt. Nhưng trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung phát triển những giá trị mà mình đang có. Nếu giá trị đó được lan tỏa trong toàn xã hội Việt Nam, lan tỏa đến các doanh nghiệp cũng như các hộ gia đình Việt, tôi cho rằng ngày đó sẽ không xa.

- Nếu mường tượng về bức tranh ngành tôm Việt Nam trong 10 năm tới, bạn tin rằng điều gì sẽ là thay đổi cốt lõi?

Cái khó nhất của ngành tôm Việt Nam cả trên thị trường thế giới lẫn nội địa là vấn đề niềm tin.

Niềm tin đối với con tôm Việt Nam lâu nay vẫn bị lung lay bởi việc sử dụng kháng sinh khi nuôi tôm. Rất nhiều dự án đã được đưa ra nhưng khi tôm bệnh nặng, người nuôi tôm bắt buộc phải dùng kháng sinh. Tôi từng chứng kiến khi bệnh dịch ập đến, chỉ vài giờ, nguyên cả ao tôm chết hết, rất tội nghiệp cho người nông dân.

Bởi vậy, điều mong muốn không chỉ của riêng tôi mà của tất cả cộng đồng nuôi tôm là làm sao con tôm Việt Nam ít bệnh hơn, trong đó, khâu phát triển giống là rất quan trọng. FMC cũng đang xây dựng chuỗi phát triển bền vững trong ngành tôm và tìm lời giải cho bài toán này.

Nếu vấn đề này được giải quyết, thương hiệu con tôm Việt Nam sẽ được nâng tầm.

Bên cạnh đó, sự phát triển ngành tôm cần hướng đến người nông dân. Chẳng hạn, rất nhiều nông dân không biết tìm ai để bán tôm, không biết giá thị trường hiện tại thế nào, làm sao để vận chuyển tôm đến nhà máy, cách thức nuôi, thu hoạch và bảo quản hiệu quả nhất... Doanh nghiệp phải có những chương trình, giải pháp hỗ trợ họ.

Ngoài ra, tôi cho rằng việc ứng dụng công nghệ 4.0 cũng rất quan trọng trong việc phát triển ngành tôm. Tôi nhận thấy hiện tại lao động thủ công trong ngành khá nhiều, hoàn toàn có thể sử dụng máy móc, thiết bị để hỗ trợ. Khi đó sẽ tăng được năng suất lao động và bản thân người lao động cũng tiến bộ hơn.

Việc nâng cao năng suất lao động rất quan trọng, bởi điều đó góp phần giảm áp lực cạnh tranh trên thị trường thế giới, do đặc thù ngành tôm phải đối diện với không chỉ rào cản kỹ thuật mà còn là câu chuyện cạnh tranh về giá.

­- Bạn đánh giá sao về nhân lực ngành tôm Việt Nam hiện tại, có gặp phải tình trạng “vừa thừa vừa thiếu” như nhiều ngành khác?

Đối với Khang An Foods, chúng tôi hoạt động trên địa bàn tỉnh nên nhân sự không thể cạnh tranh với các thành phố lớn. Tuy nhiên qua quá trình làm việc, tôi nhận thấy nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tôm trong tỉnh rất giỏi về quản lý, họ thậm chí còn xây dựng đế chế kinh doanh cả nghìn người.

Tôi cũng nhận thấy hiện nay rất nhiều bạn trẻ quay về quê hương để tạo dựng sự nghiệp. Các vị trí lãnh đạo cuối thế hệ Y (sinh trong giai đoạn 1981-1996) rất cầu tiến, đầy sự sáng tạo và có thể kết nối với thế hệ Z (sinh từ năm 1997 trở đi) – thế hệ lực lượng lao động đầy sáng tạo chiếm khá đông trong tương lai gần.

Vì thế, tôi không quá lo lắng về nhân sự ngành tôm Việt Nam. Hiện giờ các bạn trẻ có triết lý sống rất “yolo”, sống làm sao để cảm thấy cuộc đời có ý nghĩa, thay vì như ngày xưa học xong thường trụ lại các thành phố lớn.

- Làm quản lý khi tuổi còn trẻ, đâu là bí quyết giúp bạn xây dựng và quản lý tốt đội ngũ nhân sự - nơi có cả những nhân sự lớn tuổi, kỳ cựu và cả các bạn trẻ?

Bắt đầu bằng vị trí nhân viên, sau một thời gian gắn bó với công việc, tôi may mắn được đề bạt lên với vai trò quản lý và lãnh đạo.

Qua quá trình làm việc, các nhân sự kỳ cựu đem đến cho tôi kinh nghiệm đáng trân trọng, đáng học hỏi, trong khi các nhân sự trẻ lại đem lại năng lượng tích cực, nhanh chóng bắt kịp xu thế mới.

Bằng bất kỳ cách nào, nếu hai nhóm này có thể cùng hướng đến một giá trị chung thì tôi tin rằng doanh nghiệp sẽ thành công.

Một điều may mắn đối với tôi là khi thành lập Khang An Foods, các anh chị dù có tuổi nhưng tinh thần rất trẻ, họ luôn mong muốn học hỏi những thứ mới, tạo ra những giá trị mới. Vì thế mà tôi không cảm thấy công việc quản lý nhàm chán và dường như mọi việc đều tìm thấy lối ra khi các giá trị chung này được thống nhất.

- Được đào tạo bài bản và kinh qua nhiều vị trí ở nhiều loại hình doanh nghiệp, vì sao bạn chọn quay về với ngành tôm? Vì tình yêu với ngành này hay để nối nghiệp gia đình?

Tôi chưa bao giờ chịu áp lực rằng mình phải quay về nối nghiệp gia đình. Gia đình luôn tạo cơ hội cho tôi làm những điều tôi thích.

Trong quá trình nghiên cứu nhiều năm, có cơ hội tiếp xúc với ngành tôm, tôi nhận thấy ngành này phải chịu quá nhiều yêu cầu gắt gao, chẳng hạn như thuế, các tiêu chuẩn kỹ thuật, các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội… Gần như không có ngành nào đòi hỏi trách nhiệm xã hội cao như ngành tôm. Cộng thêm thực trạng lao động thủ công, tôi đánh giá ngành này rất khắc nghiệt.

Khi có cơ hội làm việc tại FMC, tôi nhận thấy rằng mặc dù doanh nghiệp là do ba mẹ mình tạo ra nhưng nếu mình cảm thấy không đúng đường hướng của bản thân thì cũng không thể gắn bó được.

Nhưng tôi càm nhận được giá trị mà ba mẹ mình gây dựng và nhận ra đó là điều mà mình hướng tới trong cuộc sống: FMC là nơi tạo ra và lan tỏa những điều tốt đẹp, giúp ích cho nông dân, cho cộng đồng, cho xã hội.

- Trong quá trình làm việc, hẳn sẽ phát sinh xung đột giữa thế hệ trước và thế hệ kế cận?

Chắc chắn có xung đột nhưng không thể phủ nhận những giá trị chung, những giá trị tốt đẹp mà thế hệ trước tạo dựng. Khi đã cảm thấy giá trị đó là đúng thì thử thách kế tiếp của mình là làm sao phát huy, nâng tầm giá trị đó lên.

Gia đình doanh nhân Hồ Quốc Lực - Dương Ngọc Kim - Hồ Hoa Đông chụp ảnh cùng Chủ tịch Tập đoàn PAN Nguyễn Duy Hưng (thứ hai từ phải sang)

- Bạn có kỳ vọng rằng Khang An Foods sẽ trở thành động lực tăng trưởng mới của FMC không?

Tôi rất kỳ vọng. Khi chúng tôi tạo cơ hội cho nhiều bạn trẻ có cơ hội phát triển thì đó vô tình cũng là động lực để doanh nghiệp phát triển. Cũng như vậy, nếu Khang An Foods phát triển tốt thì đó cũng là động lực để FMC phát triển mạnh mẽ hơn.

Cảm ơn Đông về cuộc trao đổi này!

Tin mới lên