Ngân hàng

Khó khăn ngáng đường cổ phần hoá của Agribank

(VNF) - Một “núi” khó khăn về xử lý nợ, xác định giá trị doanh nghiệp, hoàn thiện thủ tục bất động sản đang khiến việc cổ phần hoá Agribank không thể đúng hẹn vào năm 2019. Đại diện Agribank đã cho biết như vậy tại "Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước" ngày 21/11/2018, tại Hà Nội.

Khó khăn ngáng đường cổ phần hoá của Agribank

Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank không tự tin cổ phần hoá vào 2019. Ảnh: Thanh Thuỷ

Khó khăn đầu tiên được ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch HĐTV Agribank, nêu ra là vấn đề tăng vốn giống như tình trạng của 3 ngân hàng thương mại nhà nước chi phối vốn là BIDV, Vietcombank, VietinBank.

Thiếu vốn, khó cổ phần hoá

Mức vốn điều lệ hiện tại của Agribank trên được ông Khánh nhận định là đã kéo tụt Agribank từ vị thế đứng đầu hệ thống về tiêu chí vốn xuống cuối cùng trong số 4 ngân hàng thương mại nhà nước và chỉ ngang bằng vốn ở một số ngân hàng cổ phần.

Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2012 (lúc ngân hàng thực hiện đề án tái cơ cấu), mức vốn điều lệ ngân hàng là 26 nghìn tỷ đồng và từ đó đến nay, Chính phủ cấp thêm vốn điều lệ cho Agribank là 3.000 tỷ đồng tiền mặt.

Đáng chú ý, trong tổng số vốn điều lệ hiện có của ngân hàng (29 nghìn tỷ đồng) thì có 3.590 tỷ đồng được cấp bằng trái phiếu đặc biệt từ 2003, lãi suất 3,3%, thời hạn kết thúc vào 2023 (20 năm). Khi đến hạn, số trái phiếu này hết giá trị thì vốn điều lệ của ngân hàng lại tụt xuống.

Bởi vậy, Agribank đã có đề án trình Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ cấp bổ sung 20.200 tỷ đồng giai đoạn 2016 – 2020 nhưng đến nay số này vẫn chưa được phê duyệt.

“Nếu không được bổ sung vốn điều lệ, đến 2019, ngân hàng không đáp ứng đủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. Chưa kể còn ảnh hưởng tới tuy tín và khả năng mở rộng tín dụng cấp cho nền kinh tế”, ông Khánh mở đầu khi nêu những khó khăn của Agribank hiện nay.

Đặc biệt, ông mong muốn Bộ Tài chính, Chính phủ sớm chuyển số vốn được cấp bằng trái phiếu đặc biệt nêu trên (3.590 tỷ đồng) sang bằng tiền. Trong lúc chưa được chuyển số này sang bằng tiền thì đề xuất nâng lãi suất từ 3,3%/năm lên ngang bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ cùng kỳ hạn (ít nhất là gấp 2 lần – PV)

Trong trường hợp được cấp đủ vốn, Agribank muốn được để lại một phần từ nợ đã xử lý rủi ro và phần lợi nhuận còn lại sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định để tăng vốn điều lệ, “chỉnh trang” lại bức tranh tài chính trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp theo lộ trình cổ phần hoá.

Cùng đó, các bộ, ngành liên quan nên thiết lập cơ chế đặc thù: cho phép Agribank áp dụng chỉ tiêu an toàn phù hợp trong bối cảnh chưa được cấp đủ vốn điều lệ.

Trên thực tế, Agribank - một ngân hàng thương mại nhà nước, vừa phải làm nhiệm vụ chính trị cấp vốn cho “tam nông”, vừa phải cạnh tranh bình đẳng với các ngân hàng thương mại khác.

Trong bối cảnh khách hàng thường xuyên đối mặt tình trạng “được mùa rớt giá”, lại thêm trước đây ở một số lĩnh vực cho vay được bao cấp, ngân hàng còn có thể cho vay thoả thuận lãi suất nhưng gần đây phải thực hiện ưu đãi lãi suất vay nhưng không được cấp bù, không được hỗ trợ nguồn vốn lãi suất thấp nên năng lực tài chính ngân hàng bị ảnh hưởng rất lớn. Đồng nghĩa, khả năng cân đối lời lãi rất chật vật.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, đã xuất hiện một số chi nhánh lỗ, quá tải về tín dụng, kéo theo đó không ít chi nhánh, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa ngại mở rộng cho vay.

3.166 vụ được xử rút gọn nhưng toà chỉ xử lý 2 vụ

Ông Khánh cũng cho biết thêm Nghị quyết 42 của Quốc hội mở đường cho ngành ngân hàng xử lý nợ xấu, Agribank đã rất tích cực áp dụng nhiều biện pháp nhưng do nhiều nguyên nhân tình hình xử lý nợ xấu vẫn rất phức tạp.

Trong giai đoạn tái cơ cấu, Agribank phải kiện ra toà dân sự 6.500 vụ việc với tổng giá trị tranh chấp trên 4.000 tỷ đồng. Hiện đã có 3.300 bản án có hiệu lực pháp luật đang chờ các cơ quan thi hành án giải quyết. Số vụ án đang xử tại toà là 3.200 vụ, công tác thi hành án cực kỳ phức tạp, có không ít vụ kéo dài 4 – 5 năm; tài sản bán đấu giá trên 10 lần không thành.

“Thực trạng này không chỉ quá tải với Agribank mà còn với cả cơ quan bảo vệ pháp luật, toà án, viện kiểm soát và thi hành án”, ông Khánh nói.

Điều đáng nói, khi đưa vụ việc ra cơ quan bảo vệ pháp luật thì lập tức khách hàng ngừng trả nợ, tài sản bảo đảm không xử lý được nên xuống cấp, giá trị thu hồi không đáng kể so với số nợ vay. Có vụ hầu như mất trắng, đơn cử vụ việc liên quan đến 16 khách hàng có dư nợ trên 5.000 tỷ đồng, khi chốt thời điểm đưa vụ việc ra xét xử thì chỉ thu được 190 tỷ đồng, tương ứng 8,7%.

Hay như vụ án Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam ở chi nhánh Agribank Nam Hà Nội có dư nợ 2.500 tỷ đồng, khởi tố từ 2012 nhưng tận 2017 mới kết thúc. Toàn bộ số tài sản bảo đảm vụ này không được xử lý, nhà máy không hoạt động, xuống cấp và có thể thất thoát hoàn toàn nợ vay.

Hoặc như Công ty dệt Bình Dương có dư nợ gần 3.000 tỷ đồng, mặc dù các bộ ngành và cả lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo nhiều lần nhưng khách hàng không những không giao tài sản mà còn có dấu hiệu tẩu tán trong khi các ban ngành chức năng và địa phương thờ ơ.

Áp dụng Nghị quyết 42, hiện ngân hàng có 3.166 vụ khách hàng chây ì trả nợ và được phép xử lý rút gọn nhưng toà chỉ xử lý vỏn vẹn 2 vụ.

Trong khi đó, có trường hợp ngân hàng bán tài sản bảo đảm chậm trả 20 năm nhưng cơ quan thuế vẫn buộc ngân hàng phải nộp ngay.

Liên quan đến phần xác định giá trị doanh nghiệp chuẩn bị cho cổ phần hoá, ông Khánh cho biết ngân hàng hiện có 294 cơ sở nhà đất, với tổng số 2,6 triệu m2 đất, nguồn gốc đa dạng, hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ. Mặc dù ngân hàng đã rốt ráo phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các địa phương xử lý từ 2 năm nay nhưng hiện tại vẫn ngổn ngang.

“Với những khó khăn như vậy, chúng tôi khó mà cổ phần hoá đúng hẹn”, ông Khánh chốt lại.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại hội nghị:

“Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn của nhà nước phải tiên phong trong công nghệ, năng suất, hiệu quả trong việc dẫn dắt nền kinh tế. Các doanh nghiệp chú trọng đổi mới quản trị doanh nghiệp, các mặt hoạt động theo chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là năng lực tài chính. Các ngân hàng thương mại nhà nước với vốn điều lệ như thế này thì làm sao có thể mở rộng được tín dụng để cấp vốn cho nền kinh tế? Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính phải đề xuất với Chính phủ, đặc biệt là Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phải nghe lại vấn đề này. Phải tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước. Đó mới là nền tảng tài chính vững mạnh; đồng thời, tạo điều kiện cấp vốn cho nền kinh tế”.

Tin mới lên