Công nghệ

Khoản lỗ hơn 300 tỷ của Tiki và cuộc chiến giành thị phần thương mại điện tử ở Việt Nam

(VNF) - Năm 2016, Tiki lỗ 40,7 tỷ đồng. Năm 2017, con số này tăng lên gấp 7 lần, ở mức 282 tỷ đồng. Trong 2 năm, Tiki lỗ tổng cộng 323 tỷ đồng. Tuy nhiên đầu năm 2018, trang thương mại điện tử này vẫn tiếp tục được bơm gần 1.000 tỷ đồng từ các “cá mập” nước ngoài để tiếp tục cuộc chiến giành thị phần.

Khoản lỗ hơn 300 tỷ của Tiki và cuộc chiến giành thị phần thương mại điện tử ở Việt Nam

Khoản lỗ hơn 300 tỷ của Tiki và cuộc chiến giành thị phần thương mại điện tử ở Việt Nam

Trong đầu tư, thông thường các doanh nghiệp có lợi nhuận càng tốt thì càng được định giá cao. Nhưng quy luật này dường như không được vận dụng khi đầu tư vào các công ty công nghệ, đặc biệt là những startup.

Với startup công nghệ, nhà đầu tư thường nhìn vào thị phần, tốc độ tăng trưởng doanh thu mà không mấy quan tâm đến con số lợi nhuận. Tiki là một minh chứng cho điều này.

Đầu năm 2016, VNG - doanh nghiệp game online lớn nhất Việt Nam, đã mua 38% cổ phần của trang thương mại điện tử Tiki.vn.

Tổng số tiền mà VNG chi ra cho thương vụ này là 384,4 tỷ đồng – tương ứng giá mua lên đến 104.300 đồng/cổ phiểu. Trong đó, 337,2 tỷ đồng trả cho Tiki để mua cổ phiếu phát hành mới, còn lại là mua từ những cổ đông hiện hữu. Với mức giá trên, Tiki đã được định giá lên đến hơn 1.000 tỷ đồng (45 triệu USD), đưa doanh nghiệp này trở thành một trong những startup đắt giá nhất hiện nay.

Từ khi được VNG đầu tư đến nay, Tiki vẫn liên tục lỗ. Báo cáo thường niên của VNG cho biết trong năm 2016, Tiki lỗ 40,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, sang năm 2017, mức lỗ đã tăng gấp 7 lần lên 282 tỷ đồng.

Tuy mức lỗ ngày càng lớn nhưng thị phần trong lĩnh vực thương mại điện tử của Tiki lại liên tục gia tăng. Tổng giá trị hàng hóa hàng năm của Tiki (một chỉ số các trang web thương mại điện tử dùng để đo lường doanh thu của họ) rơi vào khoảng 240 triệu USD và phân phối trên khắp Việt Nam.

Đầu năm 2018, Tiki tiếp tục nhận được khoản đầu tư  khoảng 44 triệu USD tương đương gần 1.000 tỷ đồng từ tập đoàn JD.com của Trung Quốc cũng như một số nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc.

Đầu tháng 4/2018, Tiki đã thay đổi giấy đăng ký doanh nghiệp, nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 13,08% lên 40,6%.  JD và Sumitomo là 2 cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 22,1% và 7,32%.

Câu chuyện của Tiki phần nào phản ánh bức tranh chung của ngành thương mại điện tử. Tiki đang phải vật lộn trong cuộc chiến "đốt tiền" để giành giật thị phần, dẫn đến hoạt động kinh doanh không đủ bù đắp chi phí bỏ ra.

Đây cũng là điều dễ hiểu khi thương mại điện tử đang trở thành một ngành kinh doanh có tốc độ tăng trưởng cao ở Việt Nam, cạnh tranh trên thị trường cũng được dự báo là ngày càng gay cấn.

Theo công ty Nghiên cứu thị trường Nielson, thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2016 đã đạt mốc 4 tỷ USD; dự báo đến năm 2020, quy mô thị trường có thế tăng lên 10 tỷ USD.

Một báo cáo khác của công ty Nghiên cứu thị trường Kantar cho biết trong vòng 1 năm từ 2016 đến 2017, giá trị của giỏ hàng mua sắm trực tuyến tại Việt Nam đã cao gấp ba lần so với giá trị của một giỏ hàng truyền thống. Tỷ lệ người mua hàng thông qua kênh thương mại điện tử đã tăng từ 5,4% lên 8,8% tại 4 thành phố lớn (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng).

Thương mại điện tử Việt Nam giờ là sân chơi của các đại gia trong và ngoài nước. Theo mô hình C2C (Customer – Customer) hiện có Sen Đỏ, Shopee, Chợ Tốt, Én bạc, Vật Giá. Theo mô hình B2C (Business – Customer) hiện có Lazada, Tiki, A đây rồi, Lotte, Vuivui.

Hàng loạt trang thương mại điện tử đã phải ngậm ngùi đóng cửa sau khi không còn tiền để "đốt", như Lingo, Beyeu, Deca...

Tin mới lên