Bất động sản

Khởi công đường dây 500 kV gần 12.000 tỷ đồng đi qua miền Trung

(VNF) - Ngày 18/12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát lệnh khởi công đường dây 500 kV dài 742km, đi qua 9 tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên có tổng mức đầu tư hơn 11.949 tỷ đồng.

Khởi công đường dây 500 kV gần 12.000 tỷ đồng đi qua miền Trung

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các đại biểu thực hiện lễ khởi công dự án đường dây 500 kV gần 12.000 tỷ

Sáng 18/12, tại xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đã tổ chức khởi công các dự án: đường dây 500 kV Nhiệt điện Quảng Trạch - Vũng Áng và sân phân phối 500 kV trung tâm điện lực (TTĐL) Quảng Trạch; đường dây 500 kV Quảng Trạch - Dốc Sỏi và đường dây 500 kV Dốc Sỏi - Pleiku 2 (Đường dây 500 kV mạch 3).

Các dự án này được EVN giao cho EVNNPT làm chủ đầu tư. Đây là các công trình điện cấp bách trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia với mục tiêu tăng cường năng lực truyền tải của lưới điện 500 kV liên kết các miền của hệ thống điện quốc gia.

Theo EVN, quy mô tổng thể của 3 dự án bao gồm xây dựng mới gần 742km đường dây 500 kV mạch kép đi qua 9 tỉnh, thành phố là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai.

Dự án cũng xây mới 8 ngăn lộ 500 kV tại sân phân phối trung tâm điện lực Quảng Trạch; mở rộng một số ngăn lộ 500 kV tại các trạm biến áp 500 kV Vũng Áng, Dốc Sỏi, Pleiku 2; xây dựng mới 3 trạm lặp quang và 3 nhà quản lý vận hành đội truyền tải điện.

Tổng mức đầu tư toàn bộ các dự án là gần 12.000 tỷ đồng. Dự kiến thời gian thi công của tất cả các dự án nêu trên là khoảng 20 tháng và phấn đấu hoàn thành đưa vào vận hành vào khoảng tháng 5-6/2020.

Theo ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung, đây là các dự án có quy mô lớn, xây dựng trong điều kiện địa hình miền Trung khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên mưa bão, lũ lụt; đồng thời luôn phải đối mặt với các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Do vậy, ban quản lý kiến nghị các địa phương có đường dây đi qua tiếp tục thực hiện một số cơ chế về các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa và các thủ tục liên quan đến rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.

Phát biểu ngay trước khi phát lệnh khởi công trình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, đánh giá cao Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan và đặc biệt là cấp uỷ, chính quyền và nhân dân 9 tỉnh có dự án đi qua đã tích cực vào cuộc để thực hiện các công việc hỗ trợ cho dự án được khởi công ngày hôm nay.

Theo Phó Thủ tướng, tăng trưởng nhu cầu điện bình quân 10%/năm. Hiện tại nước ta có tổng công suất nguồn điện khoảng 48.000 MW nguồn điện. Đến 2025, dự kiến nhu cầu sẽ là 90.000 MW, gấp đôi hiện nay. Đến năm 2030, nhu cầu khoảng 130.000 MW.

Do nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, ngành điện phải tập trung đầu tư phát triển các nguồn điện, đồng thời đầu tư nâng cấp, hiện đại hoá mạng lưới truyền tải. Mặt khác, hiện tại cung cầu điện tại mỗi vùng miền đang có sự mất cân đối. Năm 2018, miền Nam tiêu thụ 90 tỷ kW/h điện, chiếm 47% tổng điện năng tiêu thụ. Trong khi đó, nguồn cung trong khu vực chỉ đạt dưới 35%. Miền Trung và miền Bắc tiêu thụ 53% nhưng nguồn cung chiếm hơn 60% điện năng cả nước.

“Xu hướng thiếu điện ở phía nam sẽ gia tăng trong những năm tới do công tác đầu tư nguồn điện tại khu vực này đang gặp khó khăn, trong khi các tuyến đường dây 500 kV hiện nay đã đầy tải, có thời điểm quá tải. Do đó, việc đầu tư thêm đường dây truyền tải điện 500 kV mạch 3 từ Vũng Áng đến Pleiku 2 là hết sức cấp bách”, Phó Thủ tướng nói.

Tin mới lên