Công nghệ

Khởi nghiệp Israel đứng trước mối lo từ doanh nghiệp ngoại

Sự xuất hiện ngày càng nhiều công ty đa quốc gia tại Israel làm dấy lên lo ngại về việc kìm hãm tốc độ tăng trưởng startup tại đất nước này.

"Các tập đoàn, công ty nước ngoài có xu hướng tăng tại Israel. Họ cần làn gió đổi mới của quốc gia này", Zack Weisfeld, Tổng giám đốc của Microsoft Global Accelerators nhận định.

Hơn 300 công ty công nghệ trên toàn cầu quy tụ tại đất nước nhỏ bé ven Địa Trung Hải, từ những "gã khổng lồ" như IBM, Intel, Microsoft, Motorola, Cisco...Từ năm 2014 đến nay, có ít nhất 117 công ty từ 21 quốc gia chọn Israel làm điểm đến thành lập các trung tâm R&D, nuôi tham vọng tại hệ sinh thái khởi nghiệp hơn 6.000 startup của Israel.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, sự hiện diện của ngày càng nhiều công ty đa quốc gia (MNC) tại Israel lại làm dấy lên lo ngại về việc kìm hãm tốc độ tăng trưởng startup tại quốc gia khởi nghiệp này.

Thiếu nguồn nhân lực công nghệ thông tin

"Thoạt đầu, chúng ta cho rằng càng nhiều công ty đa quốc gia, càng hứa hẹn đem đến nhiều cơ hội việc làm. Nhưng diễn biến thực tế là, các MNC đang lấy đi ngày càng nhiều việc làm từ các startup, thậm chí là những công ty quốc gia lớn được kỳ vọng sẽ phát triển", Kira Radinsky - Giám đốc khoa học dữ liệu của eBay chia sẻ.

Nhận định này là có căn cứ. Bản bảo cáo thường niên mới nhất của Ngân hàng Trung ương Israel chỉ ra, cầu về nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao tại quốc gia này vượt xa so với nguồn cung. Với tổng lao động công nghệ cao dưới 300.000 người, Israel hiện phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt khoảng 15.000 kỹ sư lành nghề. "Cơn khát" nhân lực này dự kiến sẽ kéo dài.


Israel đang trải qua thời kỳ thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin

Không nhiều tín hiệu khả quan trên thị trường. Mặc dù vốn đầu tư nước ngoài vẫn đang đổ vào, lượng nhân lực trong ngành công nghệ thông tin tại Israel cũng chỉ nhích lên 4% từ năm 2011 đến 2015, dù tổng dân số tăng gần 8%. Tỷ trọng nhân lực ngành này so với các ngành kinh tế khác cũng sụt giảm, từ 12,6% xuống còn 11,7%.

Xu hướng này cũng được công bố trong một báo cáo ngày 16/12 bởi tổ chức khởi nghiệp Start-Up Nation Central. Báo cáo đồng thời chỉ ra thực trạng các công ty Israel mở chi nhánh tại nước ngoài để bù đắp lỗ hổng nhân lực. "Cứ trong 4 công ty được khảo sát lại có một công ty có đội ngũ phát triển ở nước ngoài. Trong đó, Ukraine là điểm đến lý tưởng nhất. Những công ty này tuyển dụng khoảng 25% nhân lực nước ngoài", báo cáo viết.


Số startup thành lập tại Israel ngày càng giảm, còn số lượng startup đóng cửa có xu hướng tăng. Nguồn: Start-Up Nation Central

Chênh lệch tiền lương

Mối lo ngại lớn thứ hai đối với các công ty địa phương là tiền lương. "Các MNC đang có xu hướng tăng lương cho nhân sự", Radinsky nói. "Và mức chênh lệch là khá lớn. Một công ty khởi nghiệp không thể bỏ tiền thuê một kỹ sư phần mềm bằng mức chi trả của một MNC", đại diện eBay nhận định, đồng thời so sánh tiền lương trong lĩnh vực công nghệ thường cao hơn gấp đôi mức lương trung bình, tốc độ tăng trưởng cũng gấp đôi so với các lĩnh vực khác.


Vốn đầu tư mạo hiểm huy động được mỗi năm tại Israel (Đơn vị: Tỷ USD). Nguồn: IVC-ZAG S&W

Thực tế, cuộc cạnh tranh này đã châm ngòi từ khi Amazon "cập bến" Israel. "Ông lớn" tỏ ra "chịu chơi" với đề nghị tăng gấp đôi hoặc gấp ba mức lương của các kỹ sư. Có thể hiểu Amazon đang chèo kéo các nhân viên của Lemonade Inc., Tôi tự hỏi về mục đích hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp của họ", Shum Wininger, người sáng lập và CEO của công ty bảo hiểm trực tuyến Lemonade Inc., nêu quan điểm trong một bài đăng trên LinkedIn.

"Nếu cứ tiếp tục cạnh tranh với túi tiền 'không đáy' của những công ty đa quốc gia, thì cuộc chạy đua càng trở nên khó khăn hơn", Michael Eisenberg từ quỹ đầu tư mạo hiểm Aleph nhận định.


Số thương vụ đầu tư mạo hiểm tại Israel. Nguồn: IVC-ZAG S&W

Đóng góp khiêm tốn cho nền kinh tế

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, các công ty nước ngoài không cho thấy mức độ đóng góp vào nền kinh tế Israel bằng các công ty quốc gia.

Những năm gần đây, Israel chứng kiến xu hướng nhiều công ty được các MNC mua lại và hoạt động dưới dạng chi nhánh R & D. Đơn cử, năm 2011, Apple mua lại Anobit, một công ty sản xuất bộ nhớ flash, đưa Anobit trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển tại nước ngoài đầu tiên của Mỹ.

Theo một thống kê, cứ mỗi vị trí lao động tại một nhà máy sản xuất công nghệ cao của Israel lại tạo cơ hội cho hai việc làm mới tại địa phương. Với nhân viên làm việc tại trung tâm R & D, tỷ lệ này là một phần ba. Như vậy, khi một công ty địa phương chuyển hóa thành một chi nhánh nghiên cứu của nước ngoài, các cơ hội việc làm sẽ có nguy cơ mất đi.

"Đối với một công ty đang phát triển, startup sẽ có nhu cầu tuyển dụng các bộ phận như quản lý sản phẩm, kế toán, luật sư, quản lý doanh nghiệp...tạo thành chuỗi khép kín. Nhưng một trung tâm R & D thì không, vì tất cả các bộ phận chức năng này đã được thành lập sẵn từ bên ngoài", ông Keith Kandel, cựu chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia Israel, hiện là CEO của Start-Up Nation Central lý giải về điều này.

"Mở" theo cách thức mới

"Tuy nhiên, xét ngược lại, những cá nhân khởi nghiệp lại có tâm lý cần các tổ chức lớn", đồng tác giả cuốn "Quốc gia khởi nghiệp" Saul Singer nói. "Thế mạnh của các startup nằm ở tính đổi mới, nhưng họ lại chật vật khi mở rộng quy mô. Ngược lại, các công ty lớn lại rất giỏi trong việc này, nhưng vận hành một cách khuôn mẫu, thiếu tính đột phá. Sự kết hợp thế mạnh của các công ty lớn và các công ty mới thành lập, đó mới là phần quan trọng tạo nên quốc gia khởi nghiệp", ông nói.

Cơ quan Đổi mới Israel do chính phủ tài trợ đang thực hiện chuyển hướng lộ trình. Thay vì hỗ trợ các công ty đa quốc gia đang tìm cách mua lại các startup nghiệp địa phương, các chính sách hỗ trợ dần hướng tới các công ty Israel tiềm năng, phát triển độc lập.

"Các công ty đa quốc gia không cần thiết sự khuyến khích của chính phủ", Aharon Aharon, cựu CEO của Apple tại Israel, hiện đang đứng đầu Cơ quan Đổi mới nhận định. "Tôi không phản đối sự hiện diện của các công ty đa quốc gia, nhưng tôi không đồng tình với sự tài trợ của chính phủ trong bối cảnh điều đó không có lợi cho hệ sinh thái hiện tại".

Một cách khác để Israel giải quyết vấn đề về nguồn nhân lực, theo Saul Singer, là đổi mới. Ví dụ, tổ chức liên minh startup BETA được thành lập nhằm thu hút các nhân tài về công nghệ thông tin từ khắp nơi trên thế giới tới Israel làm việc.

"Nếu nói rằng quốc gia khởi nghiệp đang trên bờ vực bị đe dọa là không chính xác. Vấn đề ở đây là, liệu quốc gia khởi nghiệp có nhận thức được đầy đủ tiềm năng để tăng trưởng bền vững, thậm chí gấp đôi, gấp 3 quy mô của hệ thống hiện thời. Điều này hoàn toàn có thể, nhưng cần phải thay đổi cách mở cửa", Singer khẳng định.

Xem thêm >> Nữ Giám đốc Tài chính Novaland vừa được giới thiệu là ai?

Tin mới lên