Tài chính tiêu dùng

Khối ngoại kích tài chính tiêu dùng

Việc các tập đoàn nước ngoài gia tăng đầu tư vào lĩnh vực tài chính tiêu dùng trong thời điểm hiện nay là khá dễ hiểu. Hiện nay tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của ngành Ngân hàng trung bình chỉ ở mức 2,9% nhưng của lĩnh vực cho vay tiêu dùng lên tới 20%.

Khối ngoại kích tài chính tiêu dùng

Thị phần cho vay tiêu dùng sẽ có sự cạnh tranh của khối ngoại.

Trong quý III/2017 vừa qua, hàng loạt các nhà đầu tư lớn từ Hàn Quốc, Nhật Bản đã đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại Việt Nam, khiến cho thị trường này có những chuyển động đáng kể.

Động thái gần đây nhất là việc Techcombank chính thức thông báo phê duyệt phương án chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty tài chính Techcom Finance. 

Theo đó, công ty này sẽ được chuyển nhượng toàn bộ cho Lotte Card (một thành viên của Tập đoàn Lotte - Hàn Quốc). Giá chuyển nhượng dù không được Techcombank tiết lộ nhưng các thông tin từ phía Hàn Quốc cho rằng, để mua Techcom Finance, Lotte sẽ phải chi ra khoảng 87,5 tỷ won (tương đương 1.734 tỷ đồng).

Các phân tích nhận định, việc Lotte mua lại Techcom Finance trong bối cảnh nhiều siêu thị của họ tại thị trường Trung Quốc phải đóng cửa, có thể họ đã lựa chọn thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam để bù đắp những thiếu hụt doanh thu. 

Và vì phải bỏ ra một mức giá quá cao (gấp 2,89 lần mệnh giá cổ phiếu), nên chắc chắn trong các năm tới Lotte Card sẽ không ngừng "nuôi lớn" thị phần của mình tại Việt Nam trong lĩnh vực phát triển các dịch vụ cho vay qua phát hành thẻ, cho vay trả góp...

Đứng trước sự cạnh tranh của Lotte, ngay lập tức các công ty tài chính của các NHTM trong nước cũng đã có nhiều động thái chuyển động. FE Credit - Công ty tài chính thuộc VPBank hiện đang nắm giữ khoảng 48% thị phần tài chính tiêu dùng tại Việt Nam lập tức chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ từ 2.790 tỷ đồng lên 4.494 tỷ đồng.

Trong khi đó, các công ty có quy mô thị phần nhỏ hơn như Công ty tài chính MaritimeBank, Công ty tài chính MBBank - MCredit tính toán đến phương án tái cấu trúc và chấp nhận sự tham gia sâu hơn của các đối tác ngoại. 

Cụ thể, Công ty tài chính MaritimeBank đã nhanh chóng đổi tên thành Công ty tài chính FCCOM đồng thời để ngỏ cửa chờ đối tác nước ngoài. Còn MCredit thì nhanh chân hơn tiến hành bắt tay bán 49% vốn cho Shinsei Bank là một đối tác đến từ Nhật Bản và chấp nhận để đối tác Nhật tái cấu trúc MCredit với tên gọi mới là Công ty tài chính MB - Shinsei.

Theo phân tích của công ty chứng khoán Bản Việt, việc các tập đoàn nước ngoài gia tăng đầu tư vào lĩnh vực tài chính tiêu dùng trong thời điểm hiện nay là khá dễ hiểu. Hiện nay tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của ngành Ngân hàng trung bình chỉ ở mức 2,9% nhưng của lĩnh vực cho vay tiêu dùng lên tới 20%.

Chẳng hạn tại FE Credit, năm 2016 đơn vị này chỉ cho vay hơn 32.000 tỷ đồng, chiếm hơn 20% dư nợ của ngân hàng nhưng lợi nhuận đem về lại chiếm gần 50% lợi nhuận hợp nhất (gần 4.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế). Điều này cho thấy tiềm năng hấp dẫn của miếng bánh tín dụng tiêu dùng, làn sóng thâu tóm và thành lập công ty tài chính tiêu dùng của các đối tác ngoại sẽ còn tiếp diễn mạnh.

Hiện trên thị trường có khoảng 12 công ty tài chính đang hoạt động, gần 80% thị phần tài chính tiêu dùng do 3 đơn vị là FE Credit, Home Credit và HD Saison nắm giữ. 

Tuy nhiên, các phân tích cho rằng với việc tham gia thị trường của các tên tuổi lớn như Lotte, Shinhan Bank, Shinsei Bank, trong vòng khoảng 2-3 năm tới "miếng bánh" thị phần tài chính tiêu dùng sẽ có nhiều sự chuyển dịch.

Bởi các đối tác lớn đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản hiện không chỉ thâm nhập riêng rẽ vào việc sáp nhập các công ty tài chính có sẵn mà họ đã có chiến lược tạo nguồn khách hàng khá bài bản bằng việc cùng một lúc "đổ bộ" vào các lĩnh vực bán lẻ, thương mại điện tử, công nghiệp hỗ trợ… 

Đây là những lĩnh vực dễ dàng để các công ty cùng tập đoàn có thể chia sẻ, bán chéo các sản phẩm dịch vụ, bao gồm dịch vụ thanh toán thẻ, vay tiêu dùng, vay trả góp và các dịch vụ liên kết khác.

Tin mới lên