Thị trường

Khối TPP chiếm 46% giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam

Ngành thủy sản đề ra mục tiêu đạt 8 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2015, tuy nhiên kết quả chỉ đạt được 6,7 tỷ USD (giảm 14,5 so với năm 2014).

Khối TPP chiếm 46% giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam

Khối TPP chiếm 46% giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam

Theo báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tất cả 11 thành viên tham gia TPP đều là những đối tác quan trọng của ngành thủy sản nước ta. Năm 2015 vừa qua, ước tính kim ngạch xuất khẩu sang 11 thị trường TPP đạt 3 tỷ USD, chiếm 46% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản.

Theo chỉ tiêu đề ra, năm 2015 kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản đạt 8 tỷ USD, tuy nhiên thực tế chỉ đạt 6,7 tỷ USD (giảm 14,5 so với năm 2014). Nguyên nhân được cho là do nguồn cung ở các thị trường xuất khẩu thủy sản lớn như Indonesia, Ấn độ, Thái Lan được phục hồi, giá nhập khẩu ở các thị trường tiêu thụ giảm, bên cạnh đó là áp lực cạnh tranh và đồng USD tăng giá mạnh so với các đồng tiền khác khiến nhu cầu nhập khẩu của các thị trường giảm.

Cũng theo báo cáo, các yếu tố bất lợi của năm 2015 có thể sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, từ năm 2016 xuất khẩu thủy sản nước ta sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi do Việt Nam đã đạt được một số hiệp định thương mại tự do song phương cũng như đa phương.

Là những thị trường lớn của xuất khẩu thủy sản nước ta, 3 nước Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc chiếm tới 64,4% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Chính vì thế, sự tham gia của các nước này vào hiệp định thương mại sẽ đem lại nhiều lợi ích và cơ hội cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Riêng các thành viên tham gia hiệp định TPP thuế xuất khẩu hàng hóa sẽ giảm 90%, trong đó có thủy sản.

Ở hai thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ và Nhật Bản, ngay khi hiệp định TPP có hiệu lực, tất cả các sản phẩm tôm tươi, tôm đông lạnh sẽ có mức thuế 0%. Tại Mỹ, các sản phẩm tôm chế biến sẽ về mức thuế 0% sau 5 năm. Đối với Nhật Bản các sản phẩm cá ngừ và cá hồi lộ trình bãi bỏ thuế quan sẽ chậm hơn.

Tại thị trường Hàn Quốc, hiệp định Hiệp định thương mại tự do FTA được ký kết giúp nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam đối với các đối thủ Trung Quốc, Thái Lan và Ecuador... Từ năm 2016, Hàn Quốc cam kết sẽ cấp hạn ngạch thuế quan cho 10.000 tấn tôm cho Việt Nam trong năm đầu tiên, đạt 15.000 tấn sau 5 năm với thuế xuất nhập khẩu 0%.

Bên cạnh đó, Hiệp định VCUFTA (Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan ba nước Nga, Belarus và Kazakhstan) giúp tất cả các sản phẩm hàng hóa trong đó có thủy sản được bãi bỏ thuế ngay lập tức. Việc khai thông hàng rào thuế quan với với thị trường truyền thống lớn như Nga sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản, bù đắp sự thiếu hụt tại thị trường này.

Cùng với đó, nguồn nguyên liệu thủy hải sản trong nước ngày càng khan hiếm, thuế nhập khẩu giảm cũng là tiền đề cho các doanh nghiệp nhập khẩu cá ngừ, mực, bạch tuộc của Việt Nam từ các nước có sản lượng khai thác tốt như Đài Loan hay Nhật Bản.

Theo đánh giá của các chuyên gia, khi hiệp định TPP có hiệu lực, thủy sản Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Indonesia... khi mà các nước này không ký hiệp định FTA với Mỹ và EU.

Việc tham gia vào các hiệp định TPP và FTA mang lại nhiều cơ hội về thuế quan xuất nhập khẩu, tuy nhiên cũng tạo ra vô vàn thách thức cho các doanh nghiệp thủy sản như nguồn nguyên liệu không ổn định, giá thành sản xuất cao, rào cản kỹ thuật, bảo hộ thương mại, sự gia tăng cạnh tranh và sự thiếu hụt về vấn đề lao động...

Tin mới lên