Tiêu điểm

Không ai nộp hồ sơ trực tuyến cho Bộ Xây dựng và Bộ Tư pháp

(VNF) – Báo cáo của VCCI về tình hình thực hiện Nghị quyết 02 năm 2019 và Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ cho biết trong 17 Bộ được khảo sát, chỉ có 8 bộ công bố thống kê số lượng hồ sơ tiếp nhận trực tuyến. Đáng chú ý, Bộ Xây dựng và Bộ Tư pháp không có bất cứ hồ sơ nào.

Không ai nộp hồ sơ trực tuyến cho Bộ Xây dựng và Bộ Tư pháp

Không ai nộp hồ sơ trực tuyến cho Bộ Xây dựng và Bộ Tư pháp

Theo VCCI, Nghị quyết 02 dành hẳn một mục quan trọng để thúc đẩy hoạt động thanh toán điện tử và dịch vụ công cấp độ 4. Qua gần 1 năm triển khai các nhiệm vụ được giao, một số bộ ngành và địa phương đã có các biện pháp thực hiện nội dung này. Tuy nhiên, theo ý kiến của doanh nghiệp, tiến độ thực hiện vẫn rất chậm.

Cụ thể, nhiều bộ, ngành đã thực hiện xây dựng Cổng dịch vụ công trực tuyến nhằm cung cấp dịch vụ công cấp độ 3, cấp độ 4 cho doanh nghiệp và người dân.

Số lượng các dịch vụ công cấp độ 3 và cấp độ 4 có thể cung cấp được ở các bộ rất khác nhau. Ví dụ, Bộ Xây dựng tập trung đẩy toàn bộ các thủ tục hành chính lên cấp độ 3 và hiện có 53/53 thủ tục ở cấp độ này.

Trong khi đó, Bộ Tư pháp cũng đã có 33/103 thủ tục được thực hiện ở cấp độ 3. Bộ Công an có 6/298 thủ tục và Bộ Ngoại giao có 8/25 thủ tục cấp độ 3. Tuy nhiên, cả 4 bộ trên đều chưa triển khai được thủ tục cấp độ 4.

Các Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có từ 1 đến 2 thủ tục ở cấp độ 4.

Các Bộ cam kết có thể cung cấp dịch vụ công cấp độ 4 đến cho doanh nghiệp nhiều nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng nhà nước Việt Nam.

Tuy nhiên, theo VCCI, việc các cơ quan nhà nước cam kết có thể cung cấp được bao nhiêu dịch vụ công cấp độ 3 và cấp độ 4 mới chỉ là bước đầu tiên. Chỉ số quan trọng nhất để đánh giá tính hiệu quả của những khoản đầu tư công nghệ thông tin của các bộ vẫn là số lượng, tỷ lệ hồ sơ làm trực tuyến.

Trong 17 Bộ được khảo sát, chỉ có 8 bộ công bố thống kê số lượng hồ sơ tiếp nhận trực tuyến.

Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ là hai bộ có số lượng hồ sơ nộp trực tuyến cao, đơn cử Bộ Thông tin và Truyền thông có 6.252 hồ sợ nộp trực tuyến trên tổng số 26.142 hồ sơ tiếp nhận trong năm 2019.

Các bộ còn lại có số hồ sơ trực tuyến rất ít như: Bộ Xây dựng và Bộ Tư pháp không có hồ sơ nào, Bộ Ngoại giao có 1 hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 9 hồ sơ, Bộ Giao thông vận tải có 14 hồ sơ.

Riêng Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Y tế mới khai trương vào ngày 13/11/2019 thì đến ngày 10/12/2019 mới ghi nhận 2 hồ sơ nộp trực tuyến.

Thực tế này đặt ra nhiều nghi vấn về mức độ hiệu quả của việc đầu tư các Cổng dịch vụ công trực tuyến. Liệu có tình trạng một số bộ ngành đầu tư để có được số lượng thủ tục hành chính cấp độ 3, cấp độ 4 nhiều nhằm đạt thành tích, nhưng lại không chú trọng vào việc khiến cho hệ thống đó trở nên thân thiện, hấp dẫn với đối tượng được phục vụ là các doanh nghiệp và người dân?

Nếu cho rằng hệ thống đã rất thân thiện, hấp dẫn nhưng số lượng hồ sơ trực tuyến thấp vì người dân và doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng, thì lại dẫn đến câu hỏi: vì sao cơ quan nhà nước không khảo sát trước nhu cầu của người dân và doanh nghiệp mà lại bỏ tiền đầu tư vào những dự án mà không ai có nhu cầu?

Ở cấp địa phương, theo báo cáo của VCCI, tất cả các địa phương trên cả nước đều đã có cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến với quy mô, mức độ tích hợp khá đa dạng.

Tất cả các cổng dịch vụ công trực tuyến này đều liệt kê tương đối rõ các dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 có thể cung cấp.

Không chỉ bao gồm các thủ tục tại UBND cấp tỉnh, các sở trong tỉnh, mà nhiều nơi đã liên kết được với cả các thủ tục hành chính cấp huyện, cấp xã. Số lượng các thủ tục hành chính mà các địa phương có thể cung cấp ở mức độ 3 và mức độ 4 tăng nhanh trong năm 2018 và 2019.

Tuy nhiên, việc thống kê hiện nay vẫn chưa có con số chính xác do mỗi địa phương áp dụng một phương pháp thống kê khác nhau. Ví dụ, cùng một thủ tục mức độ 3 được thực hiện ở 10 huyện trên toàn tỉnh thì có địa phương chỉ tính là một thủ tục, có địa phương lại đếm là 10 thủ tục.

VCCI cho hay có một thực trạng đáng quan ngại là hiện không có chỉ tiêu thống kê rõ ràng về số lượng hồ sơ nộp qua mạng. Dù tỉnh nào cũng có mục thống kê, song chỉ có khoảng 1/3 số tỉnh là có thể thống kê được số hồ sơ nộp qua mạng.

Một vấn đề đặt ra là tại nhiều địa phương có số lượng thủ tục ở mức độ 3, mức độ 4 cao, nhưng trên thực tế thì số lượng hồ sơ nộp qua mạng rất thấp. Ví dụ, tại Phú Thọ, hiện có 797 thủ tục cấp độ 3, 7 thủ tục cấp độ 4, từ đầu năm 2019 đến nay đã nhận 34.139 hồ sơ làm thủ tục hành chính, nhưng chỉ có 5 hồ sơ nộp qua mạng.

Thực trạng này cũng diễn ra tại nhiều địa phương khác với tỷ lệ hồ sơ nộp qua mạng chiếm chưa đến 1% số hồ sơ tiếp nhận như Hoà Bình (0,74%), Hưng Yên (0,21%), Bình Định (0,91%), Tiền Giang (0,95%), Trà Vinh (0,59%), Lâm Đồng (0,28%), Hải Dương (0,61%). Đây là con số thống kê chưa đầy đủ do rất nhiều địa phương không công khai tỷ lệ này.

Theo VCCI, hiện nay, có tình trạng một số cán bộ địa phương từ chối nhận hồ sơ giấy và yêu cầu doanh nghiệp và người dân phải nộp hồ sơ điện tử qua máy tính ngay tại cơ quan làm thủ tục hoặc qua máy tính cá nhân.

Đây là hành động gây tranh cãi. Một mặt điều này giúp đẩy nhanh quá trình ứng dụng công nghệ thông tin trong làm thủ tục hành chính. Nhưng mặt khác, việc từ chối nhận hồ sơ giấy là không thực hiện đúng so với yêu cầu bắt buộc của pháp luật.

“Rất nhiều trường hợp các cơ quan nhà nước đã sử dụng biện pháp từ chối nhận hồ sơ giấy để tăng tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận điện tử nhằm báo cáo thành tích”, VCCI cho biết.

Tin mới lên