Xe

Không được hưởng giảm 50% lệ phí trước bạ, tương lai nào cho Honda CR-V tại Việt Nam?

(VNF) - "Nước cờ" chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu của Honda Việt Nam cho CR-V khiến cho mẫu xe này đang mất dần lợi thế trước các đối thủ khi không được hưởng giảm 50% lệ phí trước bạ.

Không được hưởng giảm 50% lệ phí trước bạ, tương lai nào cho Honda CR-V tại Việt Nam?

Không được hưởng giảm 50% lệ phí trước bạ, Honda CR-V bán tại Việt Nam đang mất dần lợi thế.

Honda CR-V chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu, nước cờ sai của Honda Việt Nam?

Cuối năm 2017, Honda CR-V thế hệ thứ 5 chính thức được nhà phân phối Honda Việt Nam ra mắt tới các khách hàng trong nước. Ở lần giới thiệu phiên bản mới này, Honda Việt Nam bất ngờ “đổi chiến thuật” dừng lắp ráp trong nước và chuyển hẳn sang phân phối theo dạng nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan.

Tại thời điểm đó, việc thay đổi “nước cờ” và quyết định phân phối CR-V nhập khẩu được xem là một bước đi khôn ngoan của Honda Việt Nam, bởi theo lộ trình giảm thuế nhập khẩu ô tô từ Hiệp định thương mại hàng hóa (ATIGA), kể từ ngày 1/1/2018 thuế suất thuế nhập khẩu ô tô từ các thị trường Đông Nam Á sẽ về 0%.

Kể từ 2018, Honda CR-V chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu

Nếu theo tính toán, việc chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan thì CR-V sẽ được miễn thuế nhập khẩu, lúc này giá bán sẽ “dễ chịu” hơn và tăng khả năng cạnh tranh với các đối thủ trong cùng phân khúc như Hyundai Tucson và Mazda CX-5.

Tuy nhiên, những toan tính của liên doanh Nhật nhanh chóng nhận hai “gáo nước lạnh” khi Chính phủ ban hành Nghị định 116/2017/NĐ-CP và không lâu sau đó là Nghị định 125 (điều chỉnh thuế nhập khẩu linh kiện về 0%).

Theo đó, Nghị định 116 trực tiếp “cản đường” ô tô nhập khẩu vào Việt Nam bằng nhiều quy định, yêu cầu ngặt nghèo như kiểm tra xe theo lô, thử nghiệm khí thải giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại (VTA),… Trong khi đó, Nghị định 125 lại là “đòn bẩy” ủng hộ xe sản xuất trong nước có cơ sở để giảm giá và tăng sức cạnh tranh với xe nhập khẩu.

Hai “gáo nước lạnh” được đưa ra tại thời điểm đó liên tiếp chỉ trong vòng hơn một tháng đã khiến nhiều hãng xe tại Việt Nam, trong đó có Honda Việt Nam không kịp trở tay.

Sau hơn 2 năm, Honda Việt Nam mới đây lại nhận thêm một “gáo nước lạnh” mới khi Chính phủ quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết năm 2020.

Cụ thể, ngày 17/5/2020, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trận tự an toàn xã hội, trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận, giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, đến hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước.

Hiện ô tô con từ 9 chỗ ngồi trở xuống chịu hai mức thu lệ phí trước bạ (tùy từng địa phương) là 10% và 12% trên giá bán xe. Ưu đãi này chỉ dành cho xe sản xuất lắp ráp trong nước, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc không được hưởng. 

Honda CR-V mất lợi thế về giá bán so với các đối thủ Mazda CX-5 và Hyundai Tucson

Tại thời điểm ra mắt, Honda CR-V 2018 bán ra với 3 phiên bản gồm: CR-V bản E giá 983 triệu đồng, CR-V bản G giá 1,023 tỷ đồng và bản cao cấp CR-V bản L giá 1,093 tỷ đồng.

Trong khi đó, giá bán của đối thủ cạnh tranh trực tiếp Mazda CX-5 dao động từ 899 triệu đồng đến 1,149 tỷ đồng, giá bán của đối thủ Hyundai Tucson dao động từ 799 triệu đến 932 triệu đồng.

Sở dĩ có sự chênh lệch về giá bán lớn như vậy là bởi các đối thủ Hyundai Tucson và Mazda CX-5 đều đã chuyển sang lắp ráp trong nước, trong khi Honda CR-V lại một mình “ngược đường ngược nắng” với phương án bán xe nhập khẩu.

Việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước sẽ giúp cho khách hàng có thể tiết kiệm được hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng.

Thay vì lựa chọn Honda CR-V, khách hàng khi mua Mazda CX-5 và Hyundai Tucson sẽ tiết kiệm được hàng chục triệu đồng tiền đóng lệ phí trước bạ

Tại Quyết định 452/QĐ-BTC về việc điều chỉnh, bổ sung bảng giá tính lệ phí trước bạ đối với ô tô, xe máy từ ngày 3/4/2020 do Bộ Tài chính ban hành quy định, mức lệ phí trước bạ đối với ô tô con tại Hà Nội và 7 tỉnh thành khác như: Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Quảng Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ là 12%; Hà Tĩnh có mức phí trước bạ là 11%; TP Hồ Chí Minh và các khu vực còn lại chỉ áp dụng mức lệ phí trước bạ 10%. Trong khi đó, xe bán tải có mức lệ phí trước bạ bằng 60% mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô con.

Lấy ví dụ, khách hàng khi mua mẫu xe Hyundai Tucson bản cao cấp giá 932 triệu đồng tại khu vực Hà Nội, người mua sẽ chịu mức phí trước bạ là 12% x 932 triệu đồng = 111,84 triệu đồng. Sau khi áp dụng giảm 50% phí trước bạ thì người mua phải chi số tiền là 50% x 111,84 triệu đồng = 55,92 triệu đồng.

Trong khi đó, nếu khách hàng mua Honda CR-V bản L cao cấp giá 1,093 tỷ đồng tại khu vực Hà Nội, người mua sẽ chịu mức phí trước bạ là 12% x 1,093 tỷ đồng = 131,16 triệu đồng.

Tương tự, khách hàng khi mua Honda CR-V bản E tại khu vực Hà Nội có giá bán 983 triệu đồng, người mua sẽ chịu mức phí trước bạ là 12% x 983 triệu đồng = 117,96 triệu đồng.

Trong khi đó, khách hàng khi mua Mazda CX-5 bản 2.0 Premium giá 989 triệu đồng thì sẽ chịu mức phí trước bạ là 12% x 989 triệu đồng = 118,68 triệu đồng. Sau khi được giảm 50% lệ phí trước bạ, người mua sẽ tiết kiệm được 59,34 triệu đồng.

Hai ví dụ trên cho thấy tương lai của Honda CR-V trong thời gian tới tại thị trường Việt Nam sẽ gặp rất nhiều bất lợi trong bối cảnh giá bán mới là yếu tố then chốt quyết  định tới sự thành bại.

Xem thêm: Chịu tác động bởi Covid-19, Honda Việt Nam 'nhiều khả năng sẽ chuyển từ sản xuất sang nhập khẩu'

Tin mới lên