Ngân hàng

'Không thể nói đến thành phố thông minh hay ngành nghề thông minh nào nếu vẫn thanh toán tiền mặt'

(VNF) - "Chúng ta không thể nói đến thành phố thông minh hay một ngành nghề thông minh nào cả nếu như chúng ta vẫn yêu cầu người dùng dùng tiền mặt vì đó là khâu cuối cùng của mọi hoạt động", ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) nói và cho biết năm nay, một trong những nhiệm vụ chính của Vụ Thanh toán là hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử (eKYC).

'Không thể nói đến thành phố thông minh hay ngành nghề thông minh nào nếu vẫn thanh toán tiền mặt'

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước)

"Mọi hoạt động mua bán trong cuộc sống hàng ngày thì khâu cuối cùng đều là khâu thanh toán. Cho nên chúng ta không thể nói đến thành phố thông minh hay một ngành nghề thông minh nào cả nếu như chúng ta vẫn yêu cầu người dùng dùng tiền mặt vì đó là khâu cuối cùng của mọi hoạt động", ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) nhận định tại hội thảo "Xã hội không tiền mặt: Triển khai chính sách, hướng tới tương lai" tổ chức sáng 12/6.

Ông Dũng cho hay năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị ban hành một loạt chính sách mới liên quan đến lĩnh vực thanh toán, như chiến lược tài chính toàn diện, nghị định thanh toán không dùng tiền mặt thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho Fintech, thí điểm Mobile Money.

"Năm nay, Thống đốc chỉ đạo chúng tôi tập trung vào 3 việc: xây dựng Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2026, mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử (eKYC) và tiếp tục hoàn thiện Nghị định thay thế Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt", ông Dũng cho biết.

Chia sẻ về hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết ngày 1/7 tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Thủ tướng phê chuẩn Nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP.

"Trước đây, quan điểm thanh toán quốc tế chúng ta chỉ đề cập từ tài khoản tại ngân hàng thôi. Ví dụ người Trung Quốc đến du lịch ở đây, họ tiêu dùng qua thẻ, còn thẻ thì ở tài khoản ngân hàng. Giờ đây người Trung Quốc có thể tiêu dùng qua ví điện tử của Wechat, Alipay. Tương tự, ví Momo một ngày đẹp trời có thể đi ra Trung Quốc hoặc các nước láng giềng thì khái niệm thanh toán quốc tế phải thay đổi. Ở đây không chỉ là tài khoản ngân hàng mà còn có các tài khoản của các kênh trung gian thanh toán nữa.

Do đó, tôi nghĩ khi công nghệ mới phát sinh ra dịch vụ mới thì chúng ta phải làm, mà không làm thì người ta vẫn dùng. Nên trong nghị định mới có một điểm mới như thế", ông Phạm Tiến Dũng cho hay.

Một điểm đáng chú ý khác trong nghị định mới, theo ông Dũng, sẽ ảnh hưởng lớn đến các ngân hàng, đặc biệt tác động đến vùng sâu vùng xa mà các nước cũng đang làm rất tốt là hành lang pháp lý cho ngân hàng đại lý.

"Ngân hàng được phép giao một phần hoạt động nghiệp vụ trong lĩnh vực thanh toán cho các đơn vị có đủ năng lực. Ví dụ, thay vì việc phát hành phải đến ngân hàng thì việc thu thập thông tin để phát hành thẻ có thể được một đơn vị đại lý làm. Chúng ta phải làm thế thì mới phát triển được đến vùng sâu vùng xa", lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói.

Trong nghị định mới, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ hướng dẫn về vấn đề chia sẻ dữ liệu trong lĩnh vực thanh toán.

"Cái này rất quan trọng. Ở đây có 2 thứ liên quan: chúng ta được phép chia sẻ dữ liệu gì và chia sẻ dữ liệu đó theo chuẩn nào. Trong nghị định đều có quy định. Chúng ta đã tham gia vào cuộc chơi này thì ngân hàng và các bên phải có cơ chế để kết nối, chia sẻ dữ liệu cho nhau", ông Dũng nhấn mạnh.

Liên quan đến eKYC, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết với việc triển khai eKYC, mọi người có thể thực hiện được thanh toán, trả hóa đơn, có thể thực hiện được các giao dịch mà không cần trực tiếp đến ngân hàng để mở tài khoản. "Hôm nay, tôi cũng nghe tổng giám đốc của một ngân hàng nói với tôi là sắp tới ngân hàng sẽ làm eKYC và chúng ta chỉ cần 18 chạm là có thể mở tài khoản được cho khách hàng. Câu chuyện đó sẽ rất tuyệt vời cho chúng ta", ông Dũng dẫn chứng.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chia sẻ thêm, trong 3 ngày gần đây, báo chí rộ lên hai tin: thứ nhất là VietinBank cho phép dùng di động quét mã QR để rút tiền từ ATM, tin thứ hai là HDBank hợp tác phát triển eKYC. "Nếu chúng ta làm xong tất cả các câu chuyện này thì đã đạt được một phần ước mơ của tôi là thiết lập ngân hàng số thực sự trong lĩnh vực thanh toán. Người sử dụng không cần tiếp xúc với nhân viên ngân hàng, không cần phải đến ngân hàng, có thể thực hiện từ A đến Z, từ khâu mở tài khoản, đến khâu nộp tiền, đến khâu rút tiền và không có tiếp xúc", ông Dũng nói.

"Tôi được biết hai ngân hàng lớn của Việt Nam sắp tới sẽ ra hai phiên bản về digital banking theo nghĩa thực sự về thanh toán. Một ngày gần đây, chúng ta sẽ hy vọng rằng không cần gặp mặt ngân hàng để thanh toán", Vụ trưởng Phạm Tiến Dũng nhìn nhận.

Tin mới lên