Diễn đàn VNF

Không thể võ đoán thương vụ Grab mua lại Uber

Ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia Vụ Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng không thể võ đoán về thương vụ giữa Grab và Uber. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng của Bộ Công thương phải vào cuộc ngay để có ý kiến chính thức.

Không thể võ đoán thương vụ Grab mua lại Uber

Không thể võ đoán thương vụ Grab mua lại Uber. (Ảnh minh họa)

- Ngày 3/4/2018 là ngày Công ty TNHH Grab Taxi báo cáo việc mua lại Uber cho Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) theo yêu cầu của Cục này. Cục Cạnh tranh đã vào cuộc, nhưng đây là sự kiện chưa có tiền lệ, nên đang có nhiều ý kiến khác nhau. Quan điểm của ông?

Nói đây là vụ việc chưa có tiền lệ thì cũng không hoàn toàn chính xác. Kiểm soát tập trung kinh tế là công việc thường xuyên của Cục Quản lý cạnh tranh. Theo tôi được biết thì mỗi năm, Cục xử lý vài chục thương vụ M&A mà theo quy định của Luật Cạnh tranh, các doanh nghiệp phải thông báo đến Cục.

Có chăng, đây là vụ việc được dư luận đặc biệt quan tâm do trong bối cảnh những chính sách đối với Grab và Uber vẫn đang gây tranh cãi tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Việc Cục Quản lý cạnh tranh yêu cầu các bên trong thương vụ báo cáo là phù hợp với quy định của pháp luật.

Tôi hy vọng, sau ngày 3/4 này, khi Grab báo cáo về thương vụ lên Cục Quản lý cạnh tranh, chúng ta sẽ có thêm thông tin để đánh giá vụ việc một cách toàn diện hơn.

- Ngay sau khi thương vụ M&A giữa Uber và Grab được công bố, ông đã có ý kiến là nếu xét ở góc độ pháp lý về mua bán - cạnh tranh, thương vụ này có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh. Cơ sở nào để nói như vậy, thưa ông?

Tôi sống ở Hà Nội, cũng thường sử dụng dịch vụ của cả Grab-Uber và taxi truyền thống. Theo quan sát của cá nhân tôi ở thị trường vận tải ô tô của Hà Nội thì quyền lực thị trường của Grab và Uber là tương đối lớn.

Mỗi lần các hãng này thay đổi giá, thay đổi chiết khấu hay chính sách bán hàng là sẽ có những phản ứng rất lớn từ cả phía người đi xe và các tài xế. Thậm chí, đã có lúc một số tài xế tập hợp nhau để phản đối hành động tăng chiết khấu.

Đây là hai hãng có sự cạnh tranh với nhau tương đối gay gắt. Cá nhân tôi và nhiều người bạn của tôi cài ứng dụng của cả hai hãng, và thường có so sánh về giá cả hay chất lượng dịch vụ của hai hãng với nhau.

Mặc dù đây chỉ là quan sát cá nhân, nhưng tôi tin rằng nhiều độc giả của Báo Đầu tư sẽ đồng tình với những nhận định này.

Như vậy, chúng ta thấy có hai nhà cung cấp cùng một loại hình dịch vụ, có quyền lực thị trường lớn, vốn đang cạnh tranh trực tiếp với nhau, nay lại quay ra sáp nhập với nhau. Trong hoàn cảnh như vậy, bất kể một ai từng học luật cạnh tranh đều sẽ có nghi ngờ.

Đương nhiên, để khẳng định các bên có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không thì còn phải làm rất nhiều việc, thu thập rất nhiều chứng cứ, số liệu, chứ không thể chỉ ngồi võ đoán như tôi. Nhưng tôi tin rằng, với những gì đã diễn ra thì có cơ sở để tiến hành những biện pháp điều tra kỹ lưỡng hơn.

- Cục Quản lý cạnh tranh nên làm những gì?

Tôi cho rằng, khi có thông tin về vụ mua bán, Cục Quản lý cạnh tranh đã phản ứng rất tốt, nhanh và thận trọng. Đó là tác phong làm việc mà chúng ta mong đợi được chứng kiến từ lâu.

Mặc dù Cục đã yêu cầu báo cáo trước ngày 3/4, nhưng do thương vụ Uber và Grab được dự tính sẽ hoàn thành vào ngày 8/4 sắp tới, nên không thể đợi đến lúc có báo cáo của Grab thì mới xem xét vụ việc. 

Ngay từ lúc này, Cục Quản lý cạnh tranh nên nhanh chóng liên hệ với Bộ Giao thông vận tải, Sở Giao thông Vận tải các địa phương, cơ quan thuế nhằm lấy những thông tin về số lượng xe, về doanh thu và nhiều thông tin khác về các hãng này, từ đó có cơ sở để xem xét vụ việc một cách toàn diện hơn.

Theo quy định của pháp luật, nếu sau khi xác minh mà thấy rằng, tổng thị phần của hai hãng này dưới 30% ở tất cả các thành phố tại Việt Nam, thì vụ việc dừng lại ở đó. Nhưng chỉ cần ít nhất tại một trong các thành phố mà tổng thị phần trên 30% thì thương vụ phải tạm dừng (ít nhất là tại những thành phố vượt quá 30%) để chờ các bên nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế.

Việc chuẩn bị bộ hồ sơ này không phải đơn giản và các bên có thể mất đến hàng tháng trời. Các bên sẽ phải thuyết phục Cục Quản lý cạnh tranh rằng thương vụ sáp nhập này không làm giảm đáng kể mức độ cạnh tranh trên thị trường, hoặc rơi vào các trường hợp miễn trừ.

Sau khi nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế, Cục Quản lý cạnh tranh có 45 ngày để ra quyết định cuối cùng.

- Hiện tại, cơ quan chức năng chưa xác định rõ Uber, Grab là kinh doanh taxi hay kinh doanh dịch vụ công nghệ, nên chưa đủ cơ sở khẳng định thị phần kinh doanh taxi thế nào. Theo ông, trong bối cảnh này, cách ứng xử của cơ quan quản lý nhà nước nên như thế nào?

Đúng là việc xác định thị trường liên quan là giai đoạn rất khó khăn trong nhiều vụ việc cạnh tranh. Về nguyên lý, cơ quan cạnh tranh phải trả lời câu hỏi rằng Uber và Grab có cạnh tranh trực tiếp với các hãng taxi truyền thống hay không; hay là họ chỉ cạnh tranh với những nhà cung cấp dịch vụ kết nối gọi xe khác.

Đây là câu hỏi khó, nhưng cần lưu ý rằng nó không phải là câu hỏi quá mới mẻ đối với những chuyên gia về cạnh tranh. Ví dụ, cơ quan cạnh tranh có thể sử dụng biện pháp khảo sát người đi xe, khảo sát các lái xe để xác định xem họ có dễ dàng thay đổi sự lựa chọn giữa nhà cung cấp này so với nhà cung cấp khác hay không? Nếu một tỷ lệ đủ lớn người tiêu dùng và các lái xe trả lời có, thì những nhà cung cấp này có cạnh tranh trực tiếp với nhau và họ cùng thuộc một thị trường liên quan. Nếu không, thì họ thuộc những thị trường khác nhau.

Phương pháp này và nhiều phương pháp khác đã được các cơ quan cạnh tranh trên thế giới phát triển và ứng dụng. Tôi tin rằng cơ quan cạnh tranh của Việt Nam đã biết những phương pháp này, nhưng đây có thể là một cơ hội rất tốt để áp dụng trên thực tế.

Dù bất kể kết luận vụ việc như thế nào, nhưng tôi tin rằng, một cách gián tiếp, vụ việc này sẽ giúp nâng cao năng lực và vị thế của cơ quan cạnh tranh của Việt Nam.

Tin mới lên